Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thách thức lớn bủa vây ông Tập trước cuộc họp của đảng

Ông Tập Cận Bình đối mặt nhiều thách thức cam go trước cuộc gặp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối tháng này, được coi là bước chuẩn bị cho đại hội đảng năm sau.

Trong vòng chưa tới 4 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực đủ lớn khiến nhiều nhà quan sát coi ông là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.

Thế nhưng, theo South China Morning Post, ông Tập thời điểm này đang đối mặt trở ngại rất lớn ở phiên họp trung ương vào cuối tháng 10 này. Cuộc họp dự kiến quyết định nghị trình của Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm sau và định hình cơ cấu quyền lực tại nước này trong 5 năm tới.

Ông Tập, người đồng thời là tổng bí thư đảng, được trông đợi sẽ bộc lộ hết tham vọng chính trị của mình trong kỳ họp sắp tới lẫn lộ trình tìm người “kế vị” ông vào năm 2022.

Tap Can Binh kho khan truoc dai hoi anh 1
Ông Tập được xem là lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Ảnh: AFP.

Gian nan cuộc họp kín

Hồi tháng 7, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo kỳ họp trung ương này tập trung vào vấn đề xây dựng đảng. Nghị trình kỳ họp chủ yếu bàn về hoạt động chính trị nội bộ của các cơ quan cấp cao và lực lượng chủ chốt trong đảng, đặc biệt là về các uỷ viên trung ương đảng, Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị.

Các nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Tập sẽ dùng cuộc họp kín này để sắp xếp nhân sự cho đại hội đảng năm tới, “đón đầu” việc một số nhân sự cấp cao sẽ nghỉ hưu

Trong 4 năm qua, chiến dịch chống tham nhũng và nâng cao đạo đức quan chức, đảng viên của ông Tập đã loại bỏ nhiều đảng viên và được cho là để củng cố quyền lực của ông.

Vào đại hội đảng lần thứ 19 vào năm sau, 5 trong số 7 thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị - tức là trừ Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường - sẽ đến tuổi nghỉ hưu.

Sáu ủy viên Bộ Chính trị cũng sẽ rời vị trí với lý do tương tự. 12 ủy viên còn lại, trừ ông Tập và Lý, sẽ tranh 5 chiếc ghế trống trong Thường trực Bộ chính trị. Trong khi đó, 11 ủy viên Bộ Chính trị còn lại sẽ được chọn ra từ 250 ủy viên trung ương đảng.

Tap Can Binh kho khan truoc dai hoi anh 2
Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và các ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị trong buổi họp báo ra mắt dàn lãnh đạo mới tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh năm 2012. Ảnh: Reuters

Steve Tsang, nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Nottingham (Anh), nhận định ông Tập sẽ dùng đại hội 19 để tuyên bố đường hướng lãnh đạo mới, trong khi cuộc họp cuối tháng này sẽ mở đường dự định đó.

“Cũng có thể ông Tập sẽ dùng cuộc họp kín này để định hình đội ngũ kế cận (sau đại hội 20), làm rõ cả khả năng ông có tiếp tục giữ quyền lực sau năm 2022 hay không”, ông Tsang nhận định.

Ngoài ra, vẫn còn những nghi ngờ về việc Chủ tịch Tập có đủ quyền lực để toàn quyền sắp xếp nhân sự kế vị và có được đồng thuận cao về đường lối lãnh đạo đảng trong đại hội tới.

Zhang Lifan, một nhà sử học nghiên cứu về đảng từng làm việc tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định ông Tập đang phải đối mặt với làn sóng kháng cự từ các vị trí lãnh đạo khác và các tổ chức trong đảng.

“Chính sách gây tranh cãi của ông ấy kéo theo sự không phục từ các cơ quan, và người ta chỉ chờ ông ấy phạm sai lầm”, ông Zhang nhận xét và cho rằng vẫn quá sớm để kết luận ông Tập có thể loại bỏ những quan chức cao cấp nhất có tư tưởng chống đối ông trong đại hội 19 hay không.

Nhà lãnh đạo mất lòng 'láng giềng' 

Trong những năm qua, Chủ tịch Tập đã tích cực xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một siêu cường mới, và bản thân ông là một nhà lãnh đạo của thế giới. Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn thế giới (G20) hồi tháng 9 tại Hàng Châu là một cơ hội tuyệt vời để củng cố hình ảnh Trung Quốc lẫn cá nhân ông Tập.

Nhiều sáng kiến kinh tế quốc tế của ông Tập, ví dụ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và “một vành đai, một con đường”, đã nâng cao danh tiếng quốc tế của ông.

Gần đây nhất, hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sau khi phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được xem như biểu trưng cho việc hai siêu cường bắt tay nhau để chống lại một trong những thảm họa lớn nhất đe dọa loài người.

Trung Quốc cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 60 - 65% lượng khí thải trên mỗi đơn vị sản phẩm quốc nội so với năm 2005.

Tap Can Binh kho khan truoc dai hoi anh 3
Chủ tịch Tập, Tổng thống Obama và Tổng thư ký Ban Ki-moon trong lễ phê chuẩn Hiệp định Paris diễn ra ngay trước Hội nghị G20 ở Hàng Châu hồi tháng 9. Ảnh: Liên Hợp Quốc

Tuy vậy, trong khu vực, chính sách ngoại giao của ông Tập đã làm quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước xấu đi đáng kể thời gian qua. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi tháng 7 đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc đã tuyên bố Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với các tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

Đây được xem là thất bại ngoại giao lớn nhất của Trung Quốc trong 6 thập kỷ qua, và ảnh hưởng của phán quyết được nhận định sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tiếp theo.

Tham vọng và các hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông đã kéo theo sự bất tín nhiệm từ nhiều nước láng giềng và làn sóng phản kháng sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Mối nguy cho các 'mục tiêu thế kỷ'

Ở trong nước, Chủ tịch Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng liên tục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bên cạnh đó là thách thức phải tránh được “bẫy thu nhập trung bình” - tình trạng khi một quốc gia đạt đến mức thu nhập nhất định, và giậm chân tại chỗ ở mức đó.

Tap Can Binh kho khan truoc dai hoi anh 4
"Giấc mơ thế kỷ" của Trung Quốc về một xã hội phồn thịnh có thể không hoàn thành đúng hạn do nền kinh tế chững lại. Ảnh: Reuters

Sau hai thập kỷ nền kinh tế tăng trưởng mạnh với mức tăng GDP trên 10%/năm, kinh tế Trung Quốc đang chững lại trong vài năm gần đây. Năm 2015, Trung Quốc chứng kiến sự tụt dốc thảm hại của thị trường chứng khoán, xuất khẩu suy giảm do nguồn cầu từ nước ngoài sụt, nợ tăng cao...

Một thách thức khác của chính quyền Trung Quốc là ý chí chính trị trong việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, điều cốt lõi trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Hai "giấc mơ thế kỷ" của Trung Quốc bao gồm xây dựng xã hội phồn vinh vào năm 2021 - thời điểm đảng Cộng sản Trung Quốc tròn 100 tuổi, và tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng, tiên tiến vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Nếu không thể đưa nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, "giấc mơ thế kỷ" đầu tiên sẽ khó lòng thành hiện thực đúng hạn.

Các nhà kinh tế cho rằng trong 3 năm qua, Trung Quốc không hề tạo được cú hích nào để cải cách thị trường, trong khi giấc mơ hiện đại hóa chỉ có thể thành hiện thực nếu nước này đẩy mạnh thị trường hóa nền kinh tế.

Ngược lại, các doanh nghiệp nhà nước lại được mở rộng quy mô lẫn thị phần trong một số ngành, thay vì tư nhân hóa theo nhu cầu thị trường. Tiến triển duy nhất được ghi nhận, dù chậm chạp, là ở sự mở cửa tài khoản vốn và "cởi trói" cho tỉ giá, lãi suất.

Trung Quốc và cái giá phải trả cho tăng trưởng kinh tế

Sau nhiều thập kỷ chú trọng đạt tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức vì môi trường bị tàn phá nghiêm trọng và gây thiệt hại kinh tế.

Những điểm nóng ở hai hội nghị Trung Quốc

Vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, giải pháp kinh tế và cải cách quân đội là 3 trong số các vấn đề được quan tâm tại hai hội nghị quan trọng của Trung Quốc tuần này.

Phương Thảo

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm