Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam ngày càng gia tăng, nhất là áp lực lạm phát, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, xung đột, diễn biến dịch bệnh phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Áp lực, thách thức gia tăng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong năm 2022, tình hình thế giới liên tục xuất hiện những yếu tố mới, có tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn, khá toàn diện đến các quốc gia.
Các yếu tố bao gồm xung đột Nga - Ukraine; suy giảm tăng trưởng và lạm phát tăng cao tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phát triển; tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc; đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng.
Cùng với đó là việc điều chỉnh đảo ngược nhanh, mạnh các chính sách tiền tệ, tài khóa của nhiều nền kinh tế lớn; thiên tai, lũ lụt, hạn hán và nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, lương thực…
Nền kinh tế trong nước có bước phục hồi tích cực với tăng trưởng GDP nửa đầu năm ước đạt 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận rằng áp lực và thách thức trong những tháng cuối năm 2022, năm 2023 đang ngày càng gia tăng.
Hoạt động sản xuất gặp khó vì chi phí tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương.
Giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi xuất hiện các yếu tố mới, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU.
Việc thu hút FDI đang gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu cũng đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế.
Trong khi đó, cân đối điện đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân tiềm ẩn rủi ro. Sản xuất thủy điện trên các sông lớn đối mặt nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài tại Trung Quốc.
Triển vọng kinh tế xấu đi theo xu hướng chung
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một số thách thức bao gồm điểm nghẽn đầu tư công, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện. Còn thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới.
Giá điện, khí đốt, lạm phát trên thế giới có khả năng đạt đỉnh trong năm 2022, đầu năm 2023 trước khi giảm dần và ổn định từ cuối năm 2023.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn trong trung và dài hạn có thể trở thành vòng lặp “thắt chặt - suy thoái”, “nới lỏng - tăng trưởng”, “lạm phát cao - thắt chặt”.
Xu hướng phân mảng, khu vực hóa, cạnh tranh kinh tế cũng ngày càng gia tăng. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đà tăng trưởng của kinh tế trong nước sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong quý IV và năm 2023.
Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023.
IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5), năm 2023 là 6,7% (giảm so với mức dự báo 7,2% ngày 16/5).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn.
"Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; điều chỉnh chính sách của những đối tác thương mại, đầu tư lớn; diễn biến bất thường thiên tại, dịch bệnh...", ông nói thêm.
“Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời", bộ trưởng bình luận.
Ông cũng nhắc đến việc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 trên 7,5% và kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%.