Ngày 8/3, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức gặp mặt đại diện của 55 tổ dân phố, thuộc 4 phường gồm Phước Long, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường (TP Nha Trang) để thông tin về việc sẽ thả thí điểm thả muỗi Wolbachia phòng chống sốt xuất huyết, Zika…
Theo ông Lâm Quang Chứng, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, nhằm mục đích giảm lây truyền sốt xuất huyết Dengue, Zika và các bệnh khác do muỗi truyền bằng phương pháp ứng dụng muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang vi khuẩn Wolbachia.
Đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang), nơi đã được ứng dụng thả muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia. Ảnh: An Bình. |
Tại cuộc gặp mặt, hầu hết đại diện của 55 tổ dân phố đồng ý cho thả muỗi. Ngoài ra, việc phát phiếu lấy ý kiến trong dân trước đó cũng đạt tỷ lệ trên 98% thống nhất chủ trương của dự án.
Sau khi lấy ý kiến và được sự đồng ý của người dân, UBND TP Nha Trang sẽ phối hợp với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thành lập ban tự quản cộng đồng, ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động.
“Bà con đồng ý là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, trong thời gian thả muỗi, nếu phát sinh ổ dịch trong khu vực thí điểm, chúng tôi đề nghị phải triển khai dập dịch ngay, tránh lây lan”, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, nói.
Còn ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết quá trình khảo sát, lấy ý kiến tại các phường dự kiến thả muỗi với tỉ lệ gần 100%. Hội đồng y đức Bộ Y tế hết sức thận trọng, tiến hành các bước hết sức chặt chẽ trước khi thả muỗi thử nghiệm ra khu dân cư như phổ biến, tuyên truyền, thông tin về dự án cho người dân kỹ càng hơn.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, việc thả muỗi diệt sốt xuất huyết và các bệnh liên quan đến muỗi được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công. Việt Nam là nước thứ 5 tham gia phương pháp này và có lấy phiếu ngẫu nhiên 573 hộ gia đình (tại 4 phường nói trên).
Đề cương “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại thành phố Nha Trang”, thuộc Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam, vừa được Bộ Y tế phê duyệt, từ tháng 3/2017 và sẽ thí điểm tại TP Nha Trang.
Ở những nơi này, dự án đã xác lập 773 ô vuông thả muỗi (mỗi ô có diện tích 2.500 m2). Trong 12 đến 18 tuần, mỗi tuần sẽ có khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia được thả trong mỗi ô, làm giảm dần số lượng muỗi vằn tự nhiên, trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và Zika.
Wolbachia là một loại vi khuẩn có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây sốt xuất huyết và Zika, nhưng muỗi vằn trong tự nhiên lại không mang Wolbachia.
Muỗi cái tự nhiên giao phối với muỗi đực mang Wolbachia, trứng đẻ ra sẽ không phát triển thành muỗi, trong khi muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực tự nhiên hay muỗi đực mang Wolbachia đều sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang Wolbachia.