“Nếu Tổng thống Trump đồng ý đảo ngược các biện pháp cấm vận Huawei thì ông ta đã mắc một sai lầm mang tính thảm họa”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio khẳng định trên Twitter ngay sau khi ông Trump thông báo “các công ty Mỹ sẽ được bán sản phẩm cho Huawei”.
“Quyết định đó sẽ phá hủy hoàn toàn độ tin cậy của những cảnh báo từ chính quyền ông Trump về mối đe dọa Huawei. Sẽ không còn ai tin lời họ nữa”, ông Rubio nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Rubio cũng nói thêm: “Nếu Tổng thống Trump hủy bỏ các biện pháp hạn chế Huawei, chúng tôi sẽ phải khôi phục lại chúng thông qua luật. Và luật này sẽ được đa số quốc hội thông qua”.
“Ý tưởng tồi tệ”
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng việc mở lại cánh cửa vào Mỹ cho Huawei là “ý tưởng tồi tệ”. “Nếu chúng ta bán những công nghệ chủ chốt cho Huawei thì đó sẽ là sai lầm lớn”, ông Graham khẳng định.
Trên chương trình Meet the Press, ông Graham cảnh báo “sẽ có phản ứng dữ dội” nếu chính quyền ông Trump nhượng bộ Trung Quốc quá mức.
Nhiều nghị sĩ cho rằng ông Trump đã quá nhượng bộ trong cuộc gặp với ông Tập. Ảnh: Getty Images. |
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer cũng mô tả Huawei “là một trong số ít đòn bẩy hiệu quả Mỹ sở hữu để buộc Trung Quốc phải thực thi thương mại công bằng”.
“Nếu Tổng thống Trump lùi bước - và có vẻ như ông ấy đang làm như vậy - thì điều đó sẽ triệt tiêu khả năng buộc Trung Quốc thay đổi các hành vi thương mại bất công”, ông Schumer nói.
Mới đây, ông Larry Kudlow - Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng - tìm cách xoa dịu những lo ngại này khi giải thích quyết định của ông Trump không phải là “lệnh ân xá” dành cho Huawei.
Trên Fox News Sunday, ông Kudlow giải thích các công ty Mỹ chỉ được phép làm ăn với Huawei trong trường hợp “không có rủi ro an ninh quốc gia”. Ông cũng nói dù ông Trump có những nhượng bộ đáng kể để tái khởi động đàm phán với Bắc Kinh, Mỹ sẽ được “bù đắp” nhờ bán hàng tỷ USD hàng hóa nông sản cho Trung Quốc.
Hai đảng đều quan ngại
Theo New York Times, giới nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng đều có nhiều quan ngại về quyết định của ông Trump. Ông chủ Nhà Trắng từng mô tả Trung Quốc là “kẻ thù kinh tế” của Mỹ, tuy nhiên 2 năm đàm phán thương mại chưa đem lại kết quả gì cụ thể.
Phe Dân chủ có thể tranh luận rằng chiến lược dùng thuế làm “cây gậy” của ông Trump không hiệu quả khi đối phó với Trung Quốc.
Trong khi đó, các nghị sĩ Cộng hòa đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế ở các bang họ đại diện, khiến họ đối mặt với nguy cơ mất lá phiếu trong những kỳ bầu cử sắp tới.
Các công ty Mỹ sẽ được bán thiết bị cho Huawei. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, họ cũng lo ngại ông Trump đồng ý với một thỏa thuận “yếu” và nhượng bộ Trung Quốc quá mức trên bàn đàm phán dù trước đó các quan chức Nhà Trắng mô tả Huawei là mối đe dọa đáng sợ.
Một số nhà quan sát cho rằng kết quả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập cho thấy Trung Quốc đã giành được 3 chiến thắng quan trọng. Đầu tiên là nước này tránh được những đợt thuế trừng phạt mới mà ông Trump đe dọa sẽ áp dụng.
Thứ hai, lệnh cấm vận giáng lên đầu Huawei được giảm nhẹ đáng kể. Và cuối cùng đàm phán được nối lại mà Trung Quốc không phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo mà Mỹ đưa ra.
“Đây là chiến thắng lớn của ông Tập. Có vẻ như ông Trump chấp nhận nhượng bộ ở mọi lĩnh vực”, New York Times dẫn lời ông Bo Zhiyue thuộc Đại học Xi’an Jiaotong - Liverpool ở Trung Quốc.