Thời điểm này, cũng sắp đến lễ cúng 100 ngày cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Trong căn nhà của nạn nhân xấu số, không còn đậm đặc mùi nhang khói và tiếng than khóc như những ngày đầu. Chỉ có sự yên tĩnh.
Trên ban thờ, di ảnh chị Huyền vẫn đang mỉm mỉm cười hiền lành.
Căn nhà tập thể trong phố cổ của vợ chồng chị Huyền - anh Huy. |
Nét mặt hiền từ, tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đức (bố chồng chị Huyền) nói: “Bác dự kiến để tang hết trăm ngày thì đưa Huyền lên ban thờ các cụ. Như bình thường thì hết 49 ngày người ta đã để lên rồi, nhưng vì chưa tìm thấy xác nên gia đình mới thống nhất để hết trăm ngày”.
Nói về chuyện tiếp tục tìm kiếm thi thể con dâu, ông Đức nhíu mày đau khổ, lắng sâu một lát rồi mới tiếp câu chuyện.
“Không phải là gia đình không muốn tìm kiếm, nhưng không biết lấy niềm tin ở đâu nữa. Nhiều người mách bảo, chỉ địa điểm, lúc đầu ai cũng chắc chắn là 100% đúng, nhưng sau bao nhiều lần thất bại mà những người ấy cũng chỉ từ xa gọi điện thoại đến nên bác cũng chẳng làm được gì”, ông Đức nói.
Đang nói, ông đứng dậy lấy ra một lá thư mới nhận được cho chúng tôi xem.
Bức thư của một người tự xưng là "nhà ngoại cảm" gửi từ quận Phú Nhuận, TP.HCM gửi đến với nội dung là trong lúc đang lên chầu điện, tự nhiên tóc dựng đứng lên, gai gai hết cả người, thấy cái bóng mờ mờ hiện về, cái bóng muốn gửi lời nhắn tới gia đình...
"Nhà ngoại cảm" này có thể nhìn một cái bóng mờ mờ và mô tả chung chung như “nhà chị này có chiều dài rất đẹp, chị ấy cao khoảng 1m60 đến 1m70”...
Rất nhiều những bức thư có nội dung tương tự, nhưng tất cả cũng chỉ mô tả được chung chung như vậy, không có bằng chứng xác đáng.
Nhiều người thân nhà chị Huyền cũng mong sẽ may mắn mà "gặp chị", để có thể hỏi chính xác chị đang ở đâu.
Ông Đức kể, lúc nào ngủ cũng để ý đến những giấc mơ. Rồi nhiều đêm dậy mà không bật đèn xem liệu có thấy cái 'bóng' nào không mà chả thấy gì, ông còn nói “hay tại mình nặng vía quá”.
“Mục tiêu cuối cùng là tìm thấy xác, chứ cứ nói cái này cái nọ thì không có ý nghĩa gì. Mục đích chính thì không làm được. Nhiều người có tâm đến giúp, mách bảo thì mình lắng nghe. Nhưng mình phải sàng lọc, cái nào có thể thì mình làm", ông Đức buồn bã nói.
Gặp chúng tôi, một cụ bà sống cùng khu nhà cho biết: “Ai cũng mong tìm thấy, người ngoài còn mong nữa là gia đình. Bà cũng sang thắp hương rồi bảo “Con có linh thiêng thì con báo mộng cho chồng con hoặc bố mẹ con để họ tìm thấy, chứ cứ báo mộng cho người ở đâu đâu thì làm sao biết được”".
Cũng từ hôm chị Huyền mất, sau khi lặn lội cùng cả gia đình đi tìm thi thể vợ, anh Huy (chồng chị Huyền) còn phải đi làm cả ngày, chẳng mấy khi ở nhà.
Đứa con lớn của anh chị đang học ở trường THCS D. lớn hơn nên hiểu chuyện, biết mẹ đã mất. Những ngày này cháu vẫn đi học bình thường, nhưng trên khuôn mặt dường như không bao giờ thấy được nụ cười.
Cháu lầm lũi ăn cơm một mình, mọi thứ quanh cháu đều diễn ra một cách lặng lẽ.
Nhưng có lẽ đáng thương hơn là đứa con út. Vì còn quá nhỏ nên cháu không biết mẹ không trở về nữa. Cháu chỉ nghe mọi người nói, mẹ đang đi công tác xa...
Ông Đức cũng nói: “Thằng anh lớn hơn nên hiểu chuyện, nhưng cũng không khóc, không suy sụp, vì nó là con trai nên nghị lực hơn. Còn thằng em thì còn bé, chưa biết gì, có nhiều lúc thằng bé còn cười đùa, nhảy múa, ca hát”.
Ngoài phố, không khí Tết đang tràn về. Nhưng năm nay, Tết dường như đang quá xa với gia đình ông Đức.Như mọi năm, bằng giờ này, chị Huyền và mẹ chồng cũng đã đi chợ, sắm sửa cho gia đình cái Tết ấm cúng. Năm nay, ngôi nhà thiếu đi một người phụ nữ đảm đang...
“Tết gì cháu, chả có gì. Xác định có gì ăn nấy thôi, chứ chả mua sắm gì. Như mọi năm quà cáp nó (chị Huyền) mang về hàng khối, quà của cơ quan, bạn bè. Nhưng năm nay nó mất rồi nên cũng chẳng có gì”, ông Đức chia sẻ.