Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tết truyền thống Hà Nội đang mờ đi…’

“Tôi là người Hà Nội, yêu Tết Hà Nội bằng cả lẽ sống nhưng phải thú thật rằng Tết Hà Nội đang mờ đi vì có những nét đẹp đã không còn được giữ gìn như xưa”, NSƯT Đức Hùng viết.

Nhà thiết kế thời trang, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng gửi đến Zing.vn bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân về những thay đổi của Tết cổ truyền tại Hà Nội trong nhịp sống hiện đại đô thị.

Tet Ha Noi dang mo di anh 1
Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng bày biện ban thờ ngày Tết. Anh hiện sống ở khu Phố Cổ Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tết là trở về, tại sao lại ra đi?

Tôi không thích Tết hiện đại vì với tôi, Tết là truyền thống. Tôi buồn vì không hiểu sao cứ đến Tết là nhiều người lại đi du lịch. Tết hiện đại là phải chóng vánh và đi xa à? Đó không phải là Tết.

Tết là để trở về, nhưng nhiều người, trong đó có người Hà Nội lại chọn cách đi du lịch. Tôi tin chắc người đi như vậy, họ cũng không nghĩ Tết là Tết. Họ có thể chỉ coi Tết là một kỳ nghỉ, những ngày an dưỡng. Cái Tết trở nên xa lạ, không còn gần với họ nữa.

Tôi thích sự văn minh, tôi cũng thích được thỏa mãn cái tôi của mình nhưng tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng cần một cái phanh. Cái phanh giúp tư tưởng hiện đại trong suốt một năm của mình dừng lại và đón một cái Tết truyền thống vào những ngày xuân.

Bạn nghĩ xem, nếu bố mẹ cứ dẫn con đi nước ngoài vào ngày Tết thì đứa trẻ đó còn gốc nữa hay không. Và đến một ngày nào đó, ý nghĩa ngày Tết trong văn hóa dân tộc có còn không?

Tôi không dám khuyên can ai nhưng người làm bố mẹ có thể sẽ là nạn nhân của chính sở thích của mình. Khi các bạn cứ ra khỏi Việt Nam vào Tết, thì con của bạn rồi cũng sẽ hành xử và chọn lựa như vậy. Và Tết của bạn khi đã “luống tuổi về già” liệu có thực sự đầm ấm?

Tet Ha Noi dang mo di anh 2
Đường phố Hà Nội vắng vẻ vào ngày 29 Tết. Ảnh: Tiến Tuấn.

Nhưng đúng là Tết đang nhạt đi

Tôi yêu Tết, đúng nghĩa một người Việt yêu Tết. Tôi muốn giữ những gì truyền thống nhất của Tết nhưng vẫn phải thú thật rằng Tết đang nhạt đi, điều ấy là có. Chúng ta cũng không nên màu hồng quá làm gì.

Tết đang nhạt đi với tôi, một người thích Tết. Tết cũng đang nhạt đi với những người xung quanh. Và khi đa số thấy nhạt thì dù có bản lĩnh đến mấy sự nhạt ấy cũng sẽ lay lan trong thời đại công nghệ như hiện nay.

Nhưng cũng không vì vậy mà chúng ta nên bỏ quên Tết, hay gộp hai Tết Nguyên đán với Tết Tây để tránh lãng phí, để tiết kiệm như một số ý kiến. Và cũng đừng nghĩ, người Tây không chuộng Tết, người Tây không ăn Tết.

Ai văn minh bằng họ, ai hiện đại bằng họ, nhưng mùa Giáng Sinh rồi Tết Dương lịch, họ vẫn ngồi cạnh cây thông trong căn nhà ấm áp để đón chào năm mới.

Những show diễn múa rối nước của tôi vào dịp Tết Dương lịch vắng hẳn khách nước ngoài, từ 10 suất diễn có thể chỉ còn 3-4 suất. Điều đó chứng tỏ, dịp Tết Dương lịch, người nước ngoài cũng ít du lịch, thay vào đó, họ sẽ ở nhà và đón Tết.

Tet Ha Noi dang mo di anh 3
Đức Hùng cho rằng Tết ở phố cổ không còn giữ được những nét truyền thống như xưa.

Tết Hà Nội mờ đi vì chính người Hà Nội

Tết đang nhạt đi, còn với riêng Hà Nội, Tết còn đang mờ đi. Tết cổ truyền ở thủ đô không còn được như xưa. Sự mờ đi đó, một phần cũng là do chính người Hà Nội, những con người ở đây.

Nói đến Tết là nói đến truyền thống. Nếu về những miền quê, chúng ta sẽ thấy tình hữu làng xóm rất đượm đà. Họ đến thăm nhau, chúc tụng nhau, và đó mới là Tết, mới thực là nốt nhạc đẹp của sự chuyển giao đất trời.

Ở Hà Nội từng có những điều đó nhưng giờ thì rất hiếm hoặc không còn. Rất ít cảnh nhà này đến thăm nhà kia vì tất cả đã thành cuộc sống công nghiệp. Những ly rượu xuân, những tách trà, những cái kẹo khi đến chúc Tết nhau đang ít dần.

Tết hiện đại làm những thành phố lớn bị thiệt. Tôi có cảm giác xung quanh chỉ còn là những công trình hiện đại, người thưa vắng, và đó là Tết Hà Nội. Những căn hộ chung cư đóng sập cửa, chẳng ai biết ai đón Tết thế nào.

Rồi đến những ngày Tết chính, nhiều người Hà Nội lại đi bar, đi cà phê, đi nhảy… Và Tết truyền thống ở Hà Nội cứ mờ đi như thế!

Có chăng chỉ còn lại khu Phố Cổ nhưng bản thân khu Phố Cổ cũng đã không còn đón Tết như xưa. Tôi sống ở Phố Cổ và thấy nhiều người gốc ở đấy cũng đã đi nơi khác, người các nơi khác cũng đã về đây.

Tết đến, đặc biệt là ngày cuối năm, dãy phố có 200 nhà thì 150 nhà đóng cửa, chỉ còn khoảng 50 nhà mở cửa. Và Tết cứ nhạt đi như thế. Những người nơi khác về sống tại Phố Cổ, Tết họ cũng phải về quê, và do vậy chỉ còn để lại những căn nhà “cửa đóng then cài”.

Tôi tiếc nuối dù biết trên đời không có gì là tồn tại vĩnh cửu. Nhưng tôi tiếc là tại sao sự mờ đi ấy lại rơi vào đúng dịp Tết. Giá như những người định cư ở phố cổ cũng lán lại đến ngày mùng 1, để đêm 30, những căn nhà trên phố cổ vẫn có mùi hương, trước cửa là những mâm cỗ cúng giao thừa…

Tranh cãi xoay quanh câu chuyện về tà áo dài năm 2017

Áo dài tà ngắn kết hợp cùng chân váy đã tạo nên nhiều luồng tranh cãi gay gắt trong cộng đồng yêu thời trang năm 2017.




Nhà thiết kế, NSƯT Đức Hùng

Bạn có thể quan tâm