Tôi là Sofia, 22 tuổi, đến từ Tây Ban Nha, học ngành kỹ thuật sinh học. Tôi đến Việt Nam để tìm cơ hội thực tập trong chuyên ngành này. Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết Nguyên đán ở đây. |
Còn đây là bạn tôi, Kim Si Yeun, 22 tuổi, đến từ Hàn Quốc, sinh viên ngành xã hội học đô thị. Kim vừa tới Việt Nam khoảng 3 tuần trước. Chúng tôi đều là sinh viên trao đổi của Đại học Quốc tế TP.HCM. Cùng là những người xa quê, chúng tôi kết bạn với nhau. Sau đó, cả hai hẹn một ngày để khám phá không khí đón Tết ở Việt Nam. |
Ngày 27 Tết, chúng tôi hẹn nhau ở nhà Kim rồi xuất phát đến phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM). |
Chưa đón Tết ở một quốc gia châu Á bao giờ nên tôi rất háo hức. Đường phố được trang hoàng lộng lẫy, có mai có đào. Ai cũng vội vàng nhưng dường như lại không một chút cáu giận. |
Ở Việt Nam, mọi người thường mặc áo dài đi du xuân nên tôi và Kim cũng muốn thử trang phục này. |
Lần đầu thử áo dài nên chúng tôi khá bối rối, không biết phải chọn mẫu nào, mặc vào làm sao. May mắn, chúng tôi được chị nhân viên ở quầy thuê đồ giúp đỡ. Tôi chọn màu vàng còn Kim lấy bộ màu trắng có thêu hình chim hạc. |
Ban đầu chưa quen, chúng tôi hay bị vấp do phần tà áo hơi dài. Sau đó, chúng tôi biết điều chỉnh sao cho tà áo trước không bị cuốn vào chân lúc di chuyển. Cả tôi và Kim đều rất thích trang phục này, mặc vào rất tôn dáng, trông dịu dàng hơn. |
Tiểu cảnh ở phố ông đồ được trang trí rất bắt mắt. Có những gian được dựng theo cảnh miền quê. Vừa thấy là thích nên chúng tôi nhanh chóng tìm một chỗ trống để chụp ảnh cho nhau. |
Chúng tôi thấy tục cho chữ của Việt Nam cũng rất thú vị. Tôi và Kim vào một gian hàng để xin chữ. |
Qua tài liệu được học, tôi biết đây là bao lì xì, người lớn sẽ bỏ tiền may mắn vào đây để phát cho trẻ em vào năm mới. Chúng tôi rất thích phong bao đỏ này nên mua về để làm lưu niệm. Kim nhờ viết tên của cậu em trai là “Taemin” còn tôi xin chữ “Bình an Sofia”. |
Ngoài bao lì xì, chúng tôi còn thích thú với một số quà lưu niệm được bày ở đây như trống lắc, tượng linh vật bằng đá, quả hồ lô khô... |
Giữa trưa, chúng tôi dừng chân tại quầy nước "Mát" để ngồi nghỉ. Kim nói đây lần đầu tiên cô đón Tết xa nhà nên cũng rất nhớ gia đình. Còn tôi cũng chưa có nhiều kế hoạch cho mình. Ngoài giai đoạn chuẩn bị cho Tết, tôi dự định cùng bạn bè đi du lịch để tận hưởng không khí mát mẻ vào mùa xuân. |
Anh chủ quầy nước kể năm ngoái có rất nhiều người nước ngoài đến phố ông đồ. Nhưng năm nay, có lẽ do dịch nên số lượng du khách tới đây ít hơn hẳn. Anh còn giới thiệu cho chúng tôi một số phong tục, truyền thống ở Việt Nam. |
13h, chúng tôi trả áo dài tại khu thuê đồ và di chuyển qua chợ hoa Hồ Thị Kỷ. |
Dù mới là đầu giờ chiều, chợ hoa vẫn khá đông đúc, nhộn nhịp. Cửa hàng nào cũng tấp nập khách ra vào. |
Ở chợ hoa, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy bao lì xì cũng có thể làm đồ trang trí. Kim nói ở Hàn Quốc, cô chưa từng thấy mọi người treo bao lì xì lên cây như vậy. |
Chúng tôi cảm thấy sống ở Việt Nam rất tuyệt. Nhịp sống ở đây và sự thân thiện của người dân giúp chúng tôi xua tan nỗi nhớ nhà. |
Dạo một vòng chợ, chúng tôi cũng chọn được một vài cành hoa đào để trang trí căn hộ của mình. Bó hoa này có giá khoảng 40.000 đồng. |
Kết thúc chuyến tham quan, tôi mời Kim về nhà để cùng trang trí và thưởng thức món chả giò mua tối qua. Kim giúp tôi thiết kế một bình hoa đào bằng "ly" uống nước vì nhà không có sẵn lọ bông. |
Còn tôi tranh thủ dán đồ trang trí lên cửa. Vì là năm Tân Sửu nên tôi chọn một hình dán con trâu. |
Lần đầu chiên chả giò nên tôi lỡ tay bật quá lửa, nhiều cuộn bị cháy xém một chút nhưng ăn vẫn rất ngon.
Chúng tôi thấy mình khá may mắn khi làm sinh viên trao đổi ở Việt Nam. Nhờ vậy, chúng tôi được trải nghiệm nhiều điều thú vị, hiểu hơn về phong tục, truyền thống nơi đây. |
Nếu có cơ hội được đón Tết ở Việt Nam một lần nữa, tôi sẽ đến Hội An hoặc Huế để tìm hiểu thêm về hai vùng đất này. Còn Kim thì muốn được tự tay gói bánh chưng và trang trí cây hoa với bao lì xì đỏ. |
Tối hôm đó, chúng tôi nghe tin phố ông đồ sẽ ngừng hoạt động từ ngày 9/2 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thật tiếc vì tôi và Kim còn muốn quay lại vào ngày 29 Tết để xin thêm một số chữ cho gia đình. Hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định trở lại trong thời gian sắp tới. |