Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết ngắn ở xóm chạy thận

Nằm sâu trong một con ngách thuộc ngõ Cột Cờ, Hà Nội, có một xóm nhỏ với 114 bệnh nhân suy thận độ 4, giai đoạn cuối và hàng tuần 3 lần phải đi chạy thận để duy trì sự sống.

Hầu hết họ là bệnh nhân của khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội và do những bất thường của căn bệnh khi biến chứng về tim mạch, não, đột quỵ nên họ sống gần gũi với nhau để chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua số phận. 

Đã có những tổ ấm nhỏ được xây dựng lên từ nơi đây, những đôi trai gái đến với nhau ở sự đồng cảm về căn bệnh, kề vai sát cánh vượt qua những đau đớn cả về mặt thể xác và tinh thần.

Ông Nguyễn Văn Tấn - người Bắc Giang, trưởng xóm thận, đang chúc Tết những người sẽ về quê và dặn dò người ở lại.
Có mặt trong buổi họp mặt và phát quà của những nhà hảo tâm, ông Trịnh Văn Lỡi người Bỉm Sơn - Thanh Hóa không giấu nổi xúc động. Ông Lỡi, cũng như nhiều bệnh nhân khác, sẽ về quê ăn Tết từ ngày 30 và mồng 2 Tết sẽ có mặt ở Hà Nội tiếp tục chữa bệnh.
Bố và em trai đều mất do căn bệnh này, bản thân cũng đã chữa trị 18 năm, anh Mai Anh Tuấn đôi khi muốn buông xuôi tất cả, nhưng với tình người nơi đây, anh đang vượt qua sự nghiệt ngã của cuộc đời để lạc quan hơn. Hàng tối anh thường cùng nhiều bệnh nhân sang nhà bà Dương Thị Nhàn để cầu kinh, niệm Phật.
Sinh năm 1963 tại Hải Phòng, đã phải bán nhà mặt đường ở phố Cầu Đất để lên Hà Nội chữa bệnh, cánh tay gồ lên vì phải thường xuyên lọc máu nhưng với đức tin vào Phật vào sự cao đẹp trong cuộc sống, bà Nhàn là thủ lĩnh tinh thần, luôn động viên mọi người. Ngôi nhà của bà vào buổi tối luôn có 40 người cùng ngồi hàng giờ niệm Phật.
Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ năm 2001, việc cưới xin lỡ dở khi không may phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, không theo được công việc văn phòng dù là nhẹ nhất, tưởng rằng sẽ không vượt qua sự đọa đày của căn bệnh, nhưng ở nơi đây, chị  Nguyễn Thị Hiếu, quê Bình Lục - Hà Nam, đã tìm được sự an ủi, sự đồng cảm.
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, họ hầu như không được vận động mạnh. Sự sống và cái chết mong manh hàng ngày, nên họ luôn lạc quan và chia sẻ tình cảm, giúp nhau vượt qua khó khăn.
Đôi bạn trẻ Ngô Diệp Yến ở Bắc Ninh và Ngô Văn San ở Hiệp Hòa - Bắc Giang. Cả hai đều đã phải chữa trị căn bệnh gần 4 năm, không có đám cưới nhưng họ đến với nhau chân thành, giúp đỡ nhau khi căn bệnh hành hạ. Họ đang tính toán xem có nên về quê, hay sẽ cùng ăn Tết với những người ở lại.
Trở về căn phòng của mình, ông Tấn ăn vội bát cơm đạm bạc để chuẩn bị dọn dẹp đồ. Sẽ phải chờ đến ngày mồng 2 mới được chạy thận nên các bữa cơm của ông đều không được có nhiều chất đạm.
Chiếc bánh chưng của các nhà hảo tâm đang được bà Nguyễn Thị Ráng, 52 tuổi, ở Đông Hưng - Thái Bình bóc ra để ăn tối cùng bà Nguyễn Thị Minh, 60 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định. Hai người hai hoàn cảnh, bà Ráng không con cái, con bà Minh mồng 2 sẽ lên thăm. Hai người đều ở xa quê nên việc đi lại gặp khá nhiều khó khăn, năm nay cũng như nhiều năm trước họ lại cùng lủi thủi ăn Tết trong căn phòng chật hẹp của khu xóm trọ này.

 

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm