Tết cổ truyền tượng trưng cho sự đoàn tụ và sum vầy, nhưng dù được ở cạnh gia đình hay không, mỗi người đều có cách để biến niềm hân hoan xuân mới trở nên trọn vẹn.
Hẳn ai trong chúng ta cũng muốn sống một cuộc đời an yên. Song, cuộc đời như con sóng, không phải lúc nào cũng êm ả và bình lặng. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta càng nhận thức rõ hơn sự khắc nghiệt ấy. Và để nhịp sống được diễn ra một cách bình thường, cần có những sự hy sinh.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, nhạc sĩ Trần Long Ẩn từng viết trong ca khúc Một đời người, một rừng cây. Thế nhưng ở đó, vẫn có những người không nề hà khó khăn, sẵn sàng nhận phần gian khổ vì mục tiêu chung của cộng đồng.
Tết là thời điểm mọi người đều hướng về nguồn cội, gia đình và mong chờ những khoảnh khắc đoàn viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn và hạn chế bởi dịch Covid-19, không ít người đã lựa chọn đón năm mới theo cách ý nghĩa và thiết thực hơn.
Xa gia đình suốt thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tết Nguyên đán lẽ ra là dịp để anh Lê Tất Duẩn (33 tuổi) trở về nhà đón năm mới cùng những người thân yêu. Tuy nhiên, anh Duẩn quyết định ở lại Hà Nội để công tác dịp Tết này. Với người cha từ lâu chỉ có thể gặp mặt và trò chuyện cùng 2 con nhỏ qua màn hình điện thoại, đây là lựa chọn không mấy dễ dàng.
“Ngày Tết, ai cũng muốn trở về nhà sum vầy bên gia đình. Tuy nhiên, vì dịch bệnh đang lây lan, tôi sợ mình sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân, xa hơn là cả xã hội. Không về nhà dịp Tết này, bản thân cũng có chút buồn, tiếc và chạnh lòng. Song, có lẽ chúng ta nên nghĩ theo hướng tích cực hơn, coi đây là một trải nghiệm mới”, anh Duẩn trải lòng.
Chia sẻ của anh Duẩn cũng là suy nghĩ của hàng nghìn người lao động, công nhân và Đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên quyết định ở lại địa phương đón Tết Nhâm Dần 2022. Mỗi người trong số họ đều có nỗi niềm riêng cất giấu, nhưng tựu trung, ai cũng mong muốn hướng đến mục tiêu chung của toàn xã hội - nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Trang (36 tuổi) cho biết: “Tết không được ở cạnh gia đình chắn chắn là chạnh lòng. Tuy nhiên, tôi muốn ở lại Hà Nội, một phần để đảm bảo công việc, một phần giữ an toàn cho người thân”.
Suốt một năm qua, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống xã hội, anh Duẩn, chị Trang cùng các đồng nghiệp đã thực hiện nghiêm túc “1 cung đường, 2 điểm đến” và “3 tại chỗ”.
Đó là giải pháp để những nhà máy, khu công nghiệp, chế xuất,… đảm bảo an toàn cho nhân công cũng như toàn xã hội. Điều này không những giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam trụ vững qua đại dịch, mà còn đảm bảo hoạt động sản xuất, góp phần để chuỗi cung ứng không đứt gãy.
“Bí bách”, “tù túng”, “nhàm chán”,… là những từ được lặp đi lặp lại kể từ khi dịch bệnh bùng phát, khiến mọi người không thể thoải mái thực hiện các hoạt động quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Một người bình thường có lẽ sẽ không chọn cuộc sống như anh Duẩn, chị Trang. Song, cũng chính sự cống hiến và hy sinh đó đã biến những người như anh chị trở thành “anh hùng thầm lặng”, thực hiện “điều phi thường nhỏ bé”.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các nhà máy, khu công nghiệp, chế xuất,… dù được duy trì, cũng không thể mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội, nếu đối tượng thụ hưởng của họ là những người dân bên ngoài không được đảm bảo cuộc sống an toàn.
Những y, bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu được ví như “người hùng” trên hành trình đưa Việt Nam vượt qua đại dịch. Song, để làm tốt điều đó, đằng sau họ còn có sự hỗ trợ hết mình của những Đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng lao thẳng vào tâm dịch với sức trẻ và lòng nhiệt huyết.
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thùy Dung (34 tuổi) - cán bộ Đoàn tại Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân của Thành Đoàn TP.HCM. Trong giai đoạn dịch bệnh đạt đỉnh với số ca nhiễm Covid-19 tăng cao từng ngày, chị cùng các đồng đội đã lập một nhóm gần 150 chuyên gia y tế, pháp lý, tâm lý, vật lý trị liệu tư vấn cho khoảng 2.000 F0 và người dân bị ảnh hưởng.
Những Đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên như chị Dung xuất hiện ở mọi nơi, không kể ngày đêm, từ điểm tiêm vaccine, bệnh viện dã chiến, khu cách ly đến khắp siêu thị hay nẻo đường, ngõ phố. Họ không chỉ giúp các y, bác sĩ, chiến sĩ trong công tác điều phối, tuyên truyền về dịch bệnh, mà còn hỗ trợ người dân từ những việc nhỏ nhất, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Nhằm tri ân những hy sinh và cống hiến thầm lặng của đội ngũ người lao động, công nhân, Đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên trên cả nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bia Saigon (Sabeco) triển khai chương trình cộng đồng “Tết chung một nhà” - hoạt động nằm trong chiến dịch “Tết đi lên cùng nhau” - diễn ra từ 24/1 (21/12 Âm lịch) đến 28/1 (26/12 Âm lịch).
Thấu hiểu mong muốn đoàn tụ cùng gia đình của mọi người, “Tết chung một nhà” đã hỗ trợ 270 vé máy bay, 1.530 vé xe khách, 200 vé tàu để 2.000 công nhân, lao động, sinh viên tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai có thể về nhà ăn Tết. Công tác chuẩn bị diễn ra suốt một tháng trước sự kiện để đảm bảo hỗ trợ đúng hoàn cảnh vào đúng thời điểm.
Trước sự kiện này, “Tết chung một nhà” cũng đã trao tặng 800 phần quà đến các công nhân, tình nguyện viên tại Quảng Ninh, Hà Nội và TP.HCM. Họ là những người như anh Duẩn, chị Trang, quyết định ở lại địa phương công tác thay vì về quê ăn Tết.
Những món quà không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao, thúc đẩy họ trên hành trình cùng Việt Nam vượt qua đại dịch. Trên tất cả, sự quan tâm và động viên kịp thời đó đã mang đến tinh thần “Tết chung một nhà”, để không ai bị bỏ lại phía sau, cảm thấy cô đơn hay lạc lõng trong khoảnh khắc Tết đến, xuân về.
Ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, chia sẻ: "Bia Saigon tự hào khi một lần nữa được hợp tác với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động cộng đồng này, nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tôn vinh đội ngũ tuyến đầu và tình nguyện viên đã đóng góp nỗ lực chống Covid-19. Với tinh thần 'Tết đi lên cùng nhau', 'Tết chung một nhà' mong muốn tạo cơ hội cho những người thụ hưởng từ chương trình được trở về nhà, đồng thời tôn vinh tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, gắn kết gia đình và bạn bè".
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khó khăn. Có những người không đủ tiền mua vé tàu, xe về nhà ăn Tết, cũng không ít gia đình phải chia người ở lại, người về quê vì điều kiện tài chính không cho phép.
Qua những tấm vé, “Tết chung một nhà” đã mang đến sự sẻ chia để họ cảm nhận được tình cảm “lá lành đùm lá rách”, thêm phần hạnh phúc trên hành trình trở về nhà. Qua những món quà, người phải xa gia đình vào dịp đoàn viên cũng không cảm thấy lạc lõng, cô đơn.
Tất cả đều trải qua một năm khó khăn, vất vả, nhưng không vì thế mà cái Tết thiếu đi sự đầm ấm. Với “Tết chung một nhà”, sự quan tâm dù nhỏ bé vẫn mang ý nghĩa lớn lao, góp chung vào niềm vui xuân mới, đồng thời gửi gắm lời chúc bình an, đúng như thông điệp “Tết đi lên cùng nhau” cho những người xứng đáng mà Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn truyền tải.
Trong 3 năm qua, Bia Saigon đã thực hiện nhiều sáng kiến và hoạt động hỗ trợ cộng đồng, những người lao động có thành tích tốt trong công việc, cũng như trao tặng quà, vé tàu, xe cho các công nhân về quê ăn Tết.
Trong năm 2021, Bia Saigon phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình: "Tiếp sức Việt Nam" - trao tặng trang, thiết bị y tế hỗ trợ nhiều bệnh viện, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19; "Góp triệu ngôi sao" - kêu gọi cộng đồng lan tỏa tinh thần "Đi lên cùng nhau", hỗ trợ 600 hộ kinh doanh F&B khó khăn tại TP.HCM; "Tết chung một nhà" - lan tỏa thông điệp "Tết đi lên cùng nhau".