Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết chạy xe lang thang trên phố

TP.HCM trở về với chính mình, không còn cảnh xô bồ chen lấn, vẫn phồn hoa nhưng không còn quá đô hội căng cứng. Với tôi, thích nhất là chạy xe lang thang trên phố 3 ngày Tết.

Tết Nguyên Đán ở TP.HCM có gì lạ? Câu hỏi ấy cứ mãi ám ảnh tôi từ thời sinh viên cho đến khi nhập khẩu chính thức trở thành người Sài Gòn với những ước muốn khám phá, hòa mình vào cái Tết cổ truyền của thành phố lớn nhất phương Nam.

Một năm có nhiều cái Tết như Thanh minh, Đoan ngọ, Trung thu, Tết Katê, Tết Cơm mới, Tết Bỏ mả… nhưng quan trọng nhất vẫn là Tết Nguyên đán mở đầu cho năm mới. Quan trọng đến nỗi chỉ cần nói Tết mọi người hiểu ngay là Tết Nguyên đán.

Nhưng vì sao gọi là Tết?

Nhà Nam bộ học Sơn Nam trong tác phẩm Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam viết rằng: “Một năm gồm bốn mùa, tám tiết, ngày đầu năm âm lịch thuộc về tiết Nguyên đán (ngày đầu tiên của năm mới), tiết nói trại ra Tết. Vài người giải thích trong Nam, ngày Tết cúng bánh tét (kiểu bánh chưng gói theo hình tròn dài), là do Tết nói trại ra. Ngày đầu năm rất quan trọng, vì chẳng lẽ con người cứ sống, qua thời gian, chẳng biết lấy gì để đo lường thời gian. Thời xưa, lấy năm âm lịch làm chuẩn, dựa vào thời tiết mưa nắng, xuân hạ thu đông để quy định thời điểm đóng thuế, tính tuổi tác con người, đồng thời chọn thời điểm để gieo giống, thu hoạch, tạo niềm hy vọng”.

Về việc chữ Tết có nguồn gốc từ tiết như nhà văn Sơn Nam nói lúc đầu tôi nghe hơi ngạc nhiên, nhưng về sau được đọc bài Từ nguyên của từ “Tết” của một người TP.HCM khác là học giả An Chi thì mới thấu hiểu.

Về mặt ngữ nghĩa, tiết là hiện tượng thời gian diễn ra theo một chu kỳ nhất định có thể thấy trong các danh ngữ như Nguyên tiêu tiết, Trung thu tiết, Đoan ngọ tiết…

Còn về mặt ngữ âm, cũng theo học giả An Chi, “quan hệ ngữ âm giữa Tết với tiết cũng giống hệt như quan hệ ngữ âm giữa chết với chiết (= chết yểu), giữa thết (trong 'thết tiệc') với thiết (trong 'thiết đãi'), giữa phết với phiết (= phủi, phẩy…)”.

Chính nhờ học và đọc ở đất TP.HCM mà tôi hiểu rõ được nguồn gốc từ nguyên của Tết.

Tet TP.HCM anh 1

Tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm. Ảnh chụp từ sách.

Là vùng đất mới, gần đường xích đạo và giao thoa nhiều nền văn hóa, Tết Nguyên đán ở TP.HCM có nhiều khác biệt. So với những vùng miền khác, ở đây không khí Tết đến sớm hơn cả tháng. Khi hàng hóa từ các nơi đua nhau đổ về trung tâm rồi phân phối đến mọi vùng miền, khi các cơ quan từ nhà nước đến tư nhân chạy nước rút công việc, khi sinh viên các trường đại học xa quê đôn đáo chạy đăng ký tìm việc làm thêm dịp Tết, khi mọi người vội vàng đăng ký hay nhờ vả chen lấn lo mua vé tàu vé xe về quê cuối năm, nghĩa là Tết cổ truyền đã đến.

Đất lành thì chim bay về đậu. Không ở nơi nào có cư dân từ khắp cả nước về học tập, làm việc, lập nghiệp đông đảo như ở Sài Gòn. Ngay ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang cũng có nhiều người về đây định cư.

Thế rồi, khi xuân về Tết đến họ lại quay về cố hương sum họp gia đình, dòng tộc, tảo mộ, cúng bái ông bà tổ tiên. Vì vậy mà TP.HCM ngày Tết đường sá trở nên rộng thênh thang. Người vắng, xe cộ ít, đi lại thoải mái, không còn nạn kẹt xe như ngày thường.

TP.HCM trở về với chính mình, không còn cảnh xô bồ chen lấn, vẫn phồn hoa nhưng không còn quá đô hội căng cứng. Với tôi, thích nhất là chạy xe lang thang trên phố 3 ngày Tết!

Dân phố phần lớn ít kiêng cữ, nhưng cũng ít đến thăm nhau theo phong tục hàng xóm láng giềng ở vùng nông thôn ngày Tết. Họ sống thoải mái và thực dụng, không bỏ qua cơ hội kiếm tiền chính đáng, nhất là vào dịp Tết.

Ngoại trừ buổi sáng mùng một, hầu hết cửa hàng bán lẻ đến xế chiều đều mở cửa buôn bán bình thường. Nhờ du khách khắp nơi đổ về thành phố chơi xuân, tập trung chủ yếu ở đường hoa Nguyễn Huệ và các khu du lịch giải trí Đầm Sen, Suối Tiên, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên… nên các hàng quán ẩm thực, giải khát “ăn theo” có doanh thu cao gấp nhiều lần ngày thường.

Cho dù có những bô rác công cộng đặt dọc phố và dọc đường trong công viên, nạn xả rác bừa bãi vẫn diễn ra. Sự kém ý thức của một số du khách làm vấy bẩn mỹ quan thành phố. Tôi ghét nhất là đến những điểm du lịch tập trung đông người vào dịp Tết.

Nếu như ở miền Bắc hoa đào mang tính biểu tượng thì ở miền Nam là hoa mai. Chủ yếu là mai vàng năm cánh. Để cho hoa nở đúng Tết, người ta thường lặt lá vào rằm tháng chạp.

So với vùng Nam Trung Bộ của tuổi thơ tôi, hoa mai ở TP.HCM và Nam bộ sắc vàng có lẽ đậm hơn, rực hơn. Thời mở cửa, người ta tìm nhiều giống mai mới đưa về hoặc dùng kỹ thuật lai tạo, ghép, tháp, nâng thành hơn hai chục cánh hoa. Thêm cả loại mai xanh, mai trắng, mai điểm xuyết nhiều màu nữa.

Thoạt đầu thấy lạ, nhiều người mua chơi Tết, thậm chí giá rất đắt. Nhưng dần dà người TP.HCM đều quay trở về với hoa mai vàng truyền thống.

Nhà nào hầu như cũng có một chậu mai hay một cành mai chơi tết. Gia đình khá giả thì gửi mai cho nhà vườn chăm sóc, chỉ mang về chơi những ngày xuân. Người nghèo tự trồng, tự chơi. Nhà quá chật thì giáp Tết ra chợ hoa mua một cây hay một nhánh về vui xuân.

Ngoài hoa mai hay các loài hoa khác thì ngày Tết người TP.HCM cũng chưng mâm ngũ quả trên tủ hoặc bàn để cúng ông bà, thường là “cầu vừa đủ xài”, tức các loại trái cây mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Có gia đình còn chưng trái sung ao ước năm mới sung túc, sung mãn, sung sướng. Ở ngoài sân cũng thường có một bàn nhỏ gọi là cúng đất đai, các bác.

Trước đây ở TP.HCM và Nam Bộ, theo nhà văn Sơn Nam, còn có tục: “Lễ đón giao thừa cử hành ngoài sân, trên bàn thờ dành cho vị quan nhỏ, gọi Thiên quan (một dạng liên lạc, thường dán tấm liễn nhỏ ghi 'Thiên quan tứ phước'), xin vị quan này ban phước cho gia đình. Gọi tắt bàn ông Thiên, còn gọi bàn Thông thiên…”.

Giống như tín ngưỡng đa số người Việt, mùa xuân ngày Tết dân TP.HCM cũng thường đi chùa lễ Phật, bái vọng tổ tiên. Vào đêm ba mươi, trước lúc giao thừa, chùa nào cũng đông người, khói hương mù mịt. Không chỉ các bậc cao niên mà nhiều bạn trẻ cũng đi chùa cầu lộc cầu duyên.

Phan Hoàng / Đông A và NXB Văn học

SÁCH HAY