Tết buồn ở 'thủ phủ' phụ nữ vượt biên, dứt tình máu mủ
Nghèo đói, nợ nần, sinh con nhiều khiến các gia đình ở miền núi Nghệ An lâm cảnh cùng cực. Những người phụ nữ Khơ Mú ôm bụng bầu vượt biên bán đi giọt máu của mình nơi xứ người.
Những ngày cuối năm, con đường ngoằn ngoèo, heo hút dẫn vào bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) như dài thêm. Không khí những ngày cận Tết Nguyên đán vẫn chưa len lỏi vào nơi thâm sơn cùng cốc này. Sóng điện thoại chập chờn khiến mọi liên lạc ở vùng phía Tây miền núi xứ Nghệ càng tăm tối.
Ở nơi gần 100% dân số là người đồng bào Khơ Mú trong một năm nay bất ngờ rộ lên tình trạng vượt biên bán bào thai. Câu chuyện thật như đùa khiến ai cũng rùng mình khi nghĩ đến.
Vượt con đường đèo dốc, bên là vách đá, bên là vực sâu chúng tôi có mặt ở trung tâm Đỉnh Sơn 1. Thấy những vị khách lạ lạch cạch với đống đồ đạc trên vai, lũ trẻ và cả những người lớn tuổi ngước nhìn với ánh mắt dò xét, nhưng thấy cán bộ xã đi cùng họ thoái mái hơn.
Vượt biên bán con lấy 80 triệu đồng
Trong căn nhà sàn xập xệ, không có thứ gì đáng giá nằm cạnh con đường bê tông của bản Đỉnh Sơn 1 vừa được xây mới là nhà của Lữ Thị Giang.
Người phụ nữ 36 tuổi đang đeo bồng đứa con trai 2 tuổi sau lưng và cùng mẹ chồng ngồi bên bếp lửa hông khô những bông lúa giống để chuẩn bị cho vụ mùa. Giang là một trong số những người phụ nữ ở Đỉnh Sơn 1 vừa từ Trung Quốc bán con về.Người phụ nữ bập bẹ tiếng Kinh trả lời câu được câu mất của những người lạ rồi hướng đôi mắt qua người mẹ già đang rít từng hơi thuốc lào đặc quánh thì thầm với nhau điều gì bằng tiếng Khơ Mú.
Được cán bộ công an viên phiên dịch chúng tôi mới bắt đầu nghe được câu chuyện mang giọt máu qua biên giới bán của người phụ nữ. Nhắc đến việc mang bụng bầu qua biên giới sinh nở và rứt tình máu mủ ở xứ người, ánh mắt của Giang cứ xa xăm vô định.
Bản Đỉnh Sơn 1 nằm giữa lưng chừng núi, cách xa trung tâm xã Hữu Kiệm. |
Chưa học hết tiểu học, Giang theo bố mẹ lên rẫy rồi nhanh chóng lấy chồng trú cùng bản. Cũng như nhiều đàn ông Khơ Mú khác, chồng Giang nghiện rượu, suốt ngày say xỉn chẳng làm được việc gì. Bao nhiêu tiền kiếm được từ nghề phụ hồ được anh ta cho vào chén rượu men lá cây rừng. Một mình Giang gánh vác 8 miệng ăn, trong khi việc nương rẫy làm quanh năm cũng chỉ đủ ăn vài tháng.
Cuộc sống đã khó khăn, cái đói càng bám víu lấy đôi chân của người phụ nữ vùng cao khi lần lượt những đứa con ra đời trong sự thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Sinh đến đứa thứ 5, nhà không đủ gạo nấu cháo cho con ăn nhưng vì lỡ mang thai, chị đành mang bầu, thuận theo tự nhiên. Cuối tháng 6/2018, khi cái thai đã lớn, Giang một mình bắt xe ra thị trấn khám thai. Tại đây, chị gặp bà Lữ Thị Khanh (ở bản Đình Sơn 1). Biết Giang đã có 5 đứa con, hoàn cảnh lại khó khăn, người phụ nữ ngoài 50 tuổi tỉ tê hỏi chuyện và đặt vấn đề nếu không muốn sinh con nữa thì mang sang Trung Quốc bán lấy 80 triệu.
“Không có tiền nên phải bán, giờ nhớ nó lắm, khổ cũng không bán nữa đâu. Không biết nó giờ ở đâu, Tết nó thế nào?”
“Thuyền chạy mất mấy tiếng mới qua Trung Quốc, rồi tiếp tục đi xe ôtô đến một vùng ít người lắm. Bà Khanh đưa đến nhà một người quen rồi để chúng trú lại chờ ngày sinh. Ngày ngày, họ mang đồ ăn ngon và cả bia nữa nhưng không khi nào được ra khỏi phòng”, Giang kể.
Gần một tháng sau, nhóm phụ nữ người Việt trở dạ và được những người trong đường dây đón taxi đưa đến bệnh viện.
“7h sáng mình sinh, nhưng mặt con thế nào mình chưa kịp thấy thì họ bồng con đi mất. Đến chiều họ đưa về nhà nghỉ ngơi. Vài ngày sau thì bắt xe về Việt Nam”, Giang nói.
Sinh xong, người phụ nữ nhận được 80 triệu đồng tiền bán con. Giang về quê, trả nợ ngân hàng 15 triệu, dựng căn nhà sàn mấy chục triệu, số còn lại chị mua gạo ăn dần. Nhưng ít tháng sau, số tiền vơi đi rồi hết sạch. Không còn tiền, nhà đông con, cái nghèo cái khổ lại quấn quanh họ.
Hỏi về việc có muốn đi bán con nữa không? Giang cúi gầm mặt: “Không có tiền nên phải bán, giờ nhớ nó lắm, khổ cũng không bán nữa đâu. Không biết nó giờ ở đâu, Tết nó thế nào?”.
Địu con ngồi bên bếp lửa, Giang buồn bã khi bản thân nỡ bán đứa con mang nặng đẻ đau ở xứ người. |
Bán con, sắm xe máy, mua tivi
Cách nhà Giang chừng 50 mét về phía cuối bản là nhà Lữ Thị Hằng (37 tuổi). Nhà Hằng khá giả hơn khi có xe máy và cả tivi, đầu chảo, loa mới. Hỏi ra mới biết những thứ này mới được cặp vợ chồng mua từ số tiền bán con. Nghe hỏi về chuyện qua biên giới bán con, người phụ nữ quay mặt đi, vẻ ngại ngần: “Không bán con nữa đâu, sợ rồi cán bộ à. Sợ bị bắt lắm”.
"Đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng... Không bán con nữa đâu, sợ rồi cán bộ à. Sợ bị bắt lắm".
Biết hoàn cảnh của Hằng, những kẻ trong đường dây buôn bào thai lân la, bàn sang Trung Quốc bán con. Nghe nhiều người trong bản từng bán con trở về có nhiều tiền để mua gỗ làm nhà, trả nợ, không phải lo làm rẫy, Hằng về nhà hỏi chồng. Hơn cả sự đồng ý như chồng Giang, chồng cô càng động viên vợ nên bán con để có tiền.
Nhưng khác với Giang và những người phụ nữ từng được bà Khanh trong bản dẫn đi bán con, lần này Hằng tự đón xe ra Móng Cái để qua Trung Quốc khi cái thai trong bụng đã được 8 tháng.
Lữ Thị Hằng bên chiếc tivi và dàn loa mới mua từ tiền bán con. |
Hằng kể lúc lên xe khách, thấy mình mang thai, nhiều người phụ nữ đi cùng cho bánh, sữa, nước rồi giúp đỡ tận tình và nói về chuyện bán con xong sẽ có được số tiền lớn, sức mà mua sắm. Khi xe đến Móng Cái, nhóm người lạ đưa Hằng cùng một số người khác đến bến thuyền có người đàn ông Trung Quốc chờ sẵn để chỉ lối vượt biên.
Hơn 1 tháng ở xứ người, người phụ nữ 37 tuổi trở dạ, được đưa đến bệnh viện. “Đó là một bé trai, đẻ xong, họ bồng đi luôn. Vài ngày sau họ bắt xe cho về nhưng đưa 60 triệu chứ không phải 80 triệu như đã nói”, Hằng nói.
Kể từ khi bán con bên Trung Quốc trở về, ngôi nhà sàn lụp xụp, không kín gió của chị Hằng trở nên ồn ào bởi những âm thanh phát ra từ chiếc tivi màn hình phẳng và chiếc loa thùng mới mua.
Bên chiếc giường ọp ẹp, người phụ nữ này ngắm nghía, vuốt ve hết tivi rồi sang loa thùng. Không một chút mảy may buồn rầu khi phải bán đi đứa con máu mủ của mình, người mẹ cười khoe: “Tiền bán con 60 triệu thì mình trả nợ ngân hàng, trả nợ cho người làm cột nhà, sắm cái xe máy 27 triệu, cái tivi 2,5 triệu với cái loa thùng 500.000 nữa…Nhưng giờ tiền cũng hết, gạo cũng hết mà nợ còn 3 triệu”, Hằng nói.
Để rõ hơn hành trình vượt biên của các bào thai, chúng tôi cùng công an xã tìm đến nhà bà Lữ Thị Khanh. Tuy nhiên, người phụ nữ được cho là kẻ dẫn đường cho những phụ nữ ở đây đi bán bào thai không ở nhà, hỏi người thân thì không ai biết Khanh đi đâu. Công an xã cho biết mình chưa đủ căn cứ nên không thể tạm giữ họ mà quản thúc họ và người phụ nữ này cũng thường đi rẫy hoặc đi nơi khác, ít xuất hiện ở nhà.
Kẻ bỏ mạng nơi xứ người, người chưa thể về quê
Chẳng hơn Hữu Kiệm là bao, tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu bên sông Nậm Nơn những ngày cuối năm vẫn vẻ u buồn không kém. Trước cái Tết cận kề nhưng ngôi làng nhỏ người Khơ Mú vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của chị Moong Thị Lâm (30 tuổi) trên đường đi bán thai ở bên Trung Quốc và người phụ nữ cùng bản còn mắc kẹt lại xứ người, chưa thể trở về đoàn viên.
Ngồi ôm đứa cháu nội 3 tuổi thiếu tình thương của mẹ rồi hướng ánh xa xăm về đỉnh núi trước nhà, ông Lương Văn Bảo (67 tuổi, bố chồng chị Lâm) ngậm ngùi: “Tết rồi, năm nay mấy đứa nhỏ không có mẹ, đồ mới cũng không, cháu đòi mẹ cũng chỉ lừa nó mẹ sắp về”.
Ông Bảo bồng đứa cháu nội 3 tuổi đang ngủ và nhìn di ảnh cô con dâu xấu số khi vượt biên bán con. |
Người bố chồng kể một ngày đầu tháng 6/2018, cô con dâu bỗng “mất tích”, hỏi người dân trong bản cũng không ai biết.
“Về ở với nhau từ năm 14 tuổi, đến nay đã có 4 con nhỏ (3 gái, 1 trai). Dù hàng ngày phải vất vả đi rẫy kiếm ăn, còn vợ ở nhà chăm con nhưng chưa một lần con trai tôi nặng lời với con dâu. Cả gia đình linh cảm có điều gì đó không lành nên lên báo với chính quyền xã. Lúc đó con dâu tôi đang có bầu đứa thứ 5 được khoảng 6 tháng”, ông Bảo kể.
Đến đầu tháng 10/2018, gia đình ông như chết lặng khi nhận được tin con dâu tử vong do tai nạn giao thông bên Trung Quốc. Lúc này cả nhà mới biết là con dâu theo một người phụ nữ trong bản vượt biên đi bán thai.
Kẹo buồn bã kể về người mẹ đang ở xứ người chưa thể về đón Tết cùng gia đình vì không có tiền. |
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin về gia đình việc con dâu ông cùng nhiều người trong đoàn bị tai nạn xe ba gác ở xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, Hà Bắc (Trung Quốc) vào ngày 20/9/2018. Vụ tai nạn khiến Moong Thị Lâm tử vong tại chỗ, 4 người phụ nữ khác bị thương nặng đều đang mang thai và cùng trú ở huyện Kỳ Sơn.
"Nhà không có gì để bán nên em không biết làm gì cả nên chẳng có tiền sang Trung Quốc đón mẹ về. Con nhớ mẹ lắm, chỉ cầu trời cho mẹ được về".
Cách nhà Moong Thị Lâm bằng hàng rào tre là nhà Xeo Thị Tiến. Người phụ nữ 40 tuổi cũng là nạn nhân trên chuyến xe định mệnh nhưng may mắn hơn khi còn sống song chưa thể về đoàn tụ với chồng con.
“Nhà không có gì để bán nên em không biết làm gì cả nên chẳng có tiền sang Trung Quốc đón mẹ về. Con nhớ mẹ lắm, chỉ cầu trời cho mẹ được về”, nữ sinh 17 tuổi vừa nói vừa lấy ống tay áo lau dòng nước mắt lăn dài trên má.
Tình trạng buôn người chưa thể chấm dứt
Nằm lưng chừng núi, hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 của xã Hữu Kiệm có gần 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú. 2 bản đã có hơn 20 phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai.
Trưởng Công an xã Hữu Kiệm, Hà Văn Thái cho biết khi thông tin nhiều phụ nữ vượt biên bán bào thai. Công an xã cùng công an huyện về tìm hiểu nhưng người dân đều né tránh của những người phụ nữ đi bán con và cả gia đình họ.
“Họ đi rừng, đi rẫy cả tháng nên không thấy xuất hiện ở nhà là chuyện thường nên khi họ mang bầu rồi vượt biên bán con cũng khó nhận ra vì họ dấu kín và không khai báo. Có người đi bán lần hai cũng nói dối mới đi một lần”, ông Thái nói.
Hữu Kiệm ngày cuối năm vắng vẻ, đượm buồn sau những gì đã xảy ra. |
Trao đổi với Zing.vn, trung tá Lô Văn Thao, Phó Trưởng công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết với loại hình tội phạm này hiện chưa có chế tài xử lý đối với, còn các cam kết thì không có tính ràng buộc.
“Nhận thức của người dân rất hạn chế, mặt khác gia đình bị hại cũng không tố cáo. Có khi được trả tiền như đã hứa thì bị hại lại quay lại đi xin cho kẻ phạm tội”, trung tá Thao nói thêm.
Vị Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết việc vượt biên bán bào thai không chỉ xảy ra ở xã Hữu Kiệm mà còn ở các xã Hữu Lập, Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn.
Từng nhiều lần triển khai các phương án để người dân có thêm sinh kế, thoát khỏi cái nghèo và giảm thiếu tình trạng buôn người, buôn bán bào thai, thế nhưng Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, Vi Hòe vẫn trăn trở khi chưa thể xử lý triệt để vấn nạn với những người dân của mình. Ông cho rằng cần xây dựng các đề án về làng nghề mây tre đan hay khu rau sạch ở các xã Hữu Kiệm để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân từ đó đẩy lùi các tệ nạn nói chung.
Xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An, chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |
Rời bản người Khơ Mú khi trời đã nhá nhem tối, bên trong căn nhà sàn mới dựng cạnh bờ suối, nhóm đàn ông đang tỉ tê bên mâm rượu vui. Bên kia đồi, đôi ba thanh niên cùng những người phụ nữ trạc tuổi địu những chiếc gùi đựng đầy lá dong, lá chuối về bán cho người ngoài thị trấn trong những ngày cận Tết.
Với họ cái Tết cận kề cũng không khác hơn ngày bình thường là bao, cái họ muốn dường như là sự bình yên của bản làng sau những gì đã qua.
Khởi tố kẻ cầm đầu đường dây đưa phụ nữ đi bán con
Ngày 28/1, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Moong Thị Oanh (32 tuổi, trú xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn) để điều tra về hành vi Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.
Oanh sinh ra và lớn lên ở huyện Kỳ Sơn nhưng kết hôn và sống nhiều năm ở Trung Quốc. Năm 2018, Oanh đưa 4 người phụ nữ đều cùng huyện Kỳ Sơn vượt biên sang Trung Quốc, số phụ nữ này đều đang mang thai từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 8, để bán con khi vừa sinh ra với giá từ 40 - 80 triệu đồng/cháu.
Ngày 20/9/2018, nhóm người trên đang ngồi trên chiếc xe ba gác do người chồng Trung Quốc của Oanh cầm lái, lưu thông ở xã Dương Cao (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), thì xảy ra va chạm giao thông. Vụ tai nạn khiến Moong Thị Lâm tử vong tại chỗ.
Những người còn lại bị thương nặng. Ngày 26/1, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cùng Công an Nghệ An và Tổ chức Bảo vệ trẻ em Rồng Xanh đưa Oanh và các nạn nhân về nước. Riêng chồng Oanh đang bị cơ quan chức năng Trung Quốc tạm giữ để điều tra.
* Tên những phụ nữ bán bào thai trong bài đã thay đổi.