Những hình ảnh mới được tổ chức ImageSat International (ISI) công bố ngày 11/6 cho thấy hệ thống vũ khí của Trung Quốc lại hiện diện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, CNN đưa tin.
Vào đầu tháng 6, ISI công bố các hình ảnh cho thấy các hệ thống tên lửa của Trung Quốc không còn trên đảo Phú Lâm. Hình ảnh khi đó cho thấy những bãi cát nơi từng đặt một lượng lớn tên lửa dường như "trống trơn".
Hình ảnh được công bố hôm 11/6 của ISI cho thấy đảo Phú Lâm ngày 1/6 và ngày 8/6. Ảnh: ISI. |
Trong phân tích ban đầu về việc Trung Quốc di chuyển các hệ thống tên lửa đất đối không, ISI nói có thể họ chỉ đơn giản là đưa chúng đến một địa điểm khác hoặc đây là chỉ là một nội dung diễn tập.
Khi những hình ảnh đó được công bố, các chuyên gia tỏ ra vô cùng nghi ngờ về việc các hệ thống tên lửa của Trung Quốc đã được di dời vĩnh viễn, cho rằng có thể chúng chỉ được đưa đi bảo trì.
"Do chịu tác động của muối và độ ẩm dẫn đến bị ăn mòn, các hệ thống tên lửa H-9 phải được đưa về đất liền để bảo trì định kỳ", ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại tổ chức Rand Corporation, cho biết.
Đảo Phú Lâm qua hình ảnh vệ tinh ngày 28/3. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters. |
Hôm 24/5, Fox News công bố nhiều ảnh vệ tinh của ISI cho thấy Trung Quốc đã triển khai 2 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang.
Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Nhiều đơn vị HQ-9 đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa vào tháng 2/2016.
Việc các tên lửa này đột ngột "biến mất" xảy ra giữa lúc tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng với các hoạt động của tàu chiến Mỹ gần các đảo tranh chấp cũng như việc Trung Quốc lần đầu tiên điều máy bay ném bom đến Phú Lâm.
Trước đó, CNBC dẫn các nguồn tin giấu tên và rành thông tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B đến Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong 30 ngày qua.
Vị trí đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. Đồ họa: Telegraph . |
Đây là 3 trong số 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp.
Bộ Ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ phản đối các hành động của Trung Quốc, tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.