Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tên lửa nổ tung, Mỹ hụt hơi trong cuộc đua với Nga

Nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào tên lửa do Nga sản xuất của Mỹ đã bị dội gáo nước lạnh khi vụ thử nghiệm tên lửa Falcon 9R bị thất bại.

a
Tên lửa Falcon 9R rời bệ phóng.

Mỹ thất bại trong việc giảm lệ thuộc vào Nga

Theo Lenta, Mỹ vừa bị bẽ mặt khi nguyên mẫu tên lửa đẩy vệ tinh Falcon 9R đã bất ngờ phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng tại trung tâm thử nghiệm tại bang Texas. Theo công bố ban đầu về nguyên nhân của vụ tai nạn được đại diện công ty SpaceX - nơi phát triển tên lửa Falcon 9R, vụ thử thất bại là do "động cơ tên lửa hoạt động bất thường".

Ông J. Taylor, đại diện SpaceX, cho biết thêm: "Trong quá trình phóng, chúng tôi đã phát hiện những bất thường trong hoạt động của động cơ làm hệ thống điều khiển tên lửa mất kiểm soát".

Việc SpaceX phát triển tên lửa Falcon 9R là nhằm thay thế loại động cơ RD-180 được trang bị tên lửa đẩy Proton-M hiện Mỹ vẫn phải mua từ Nga. 

Tuy nhiên, hồi tháng 5/2014, Tòa án liên bang Mỹ đã ban lệnh cấm các công ty Mỹ mua loại tên lửa này từ Nga và thay vào đó phải là những tên lửa do Mỹ tự sản xuất.

Lệnh cấm nhằm ngăn Lầu Năm Góc chỉ sử dụng động cơ tên lửa RD-180 mà United Launch Alliance mua của công ty RD Amross LLC. Công ty này là liên doanh giữa NPO Energomash và một đơn vị của hãng United Technologies Corp. RD-180 là loại động cơ chính được dùng trong tên lửa Atlas V để đưa các vệ tinh an ninh quốc gia Mỹ lên quỹ đạo. Theo lệnh cấm, Bộ Quốc phòng Mỹ và công ty United Launch Alliance (liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing) không được phép ký hợp đồng mới với công ty NPP Energomash OAO thuộc sở hữu nhà nước Nga, hoặc với bất kỳ thực thể nào có liên quan đến Phó Thủ tướng Nga phụ trách quốc phòng Dmitry Rogozin.

Không chỉ United Launch Alliance sử dụng động cơ tên lửa Nga mà công ty Aero Jet của Mỹ cùng nằm trong danh sách này. Aero Jet mua động cơ tên lửa NK-33 của Nga để trang bị cho tầng đầu tiên của tên lửa đẩy "Taurus 2".

Đây là loại động cơ do công trình sư Nicolai Kuznetsov của Nga thiết kế cách đây 40 năm phục vụ cho chương trình chinh phục Mặt trăng. Giá cả và số lượng động cơ tên lửa của thương vụ này không được được tiết lộ.

Ông N. Nikitin, quyền Giám đốc Tổ hợp khoa học kỹ thuật Xamara mang tên Kuznetsov cho biết, trong giai đoạn từ 2016-2020, công ty "Aero Jet" cần 71 động cơ tên lửa NK-33. Hiện tại, trong kho của Tổ hợp khoa học kỹ thuật Xamara mang tên Kuznetsov chỉ còn gần 40 động cơ và cần đến 4 triệu USD để khôi phục việc sản xuất loại động cơ NK-33.

Việc Mỹ phải dừng mua động cơ tên lửa Nga đã được Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall thừa nhận. Lầu Năm Góc chưa có giải pháp tốt nào để giảm bớt sự phụ thuộc vào động cơ do Nga sản xuất.

Mỹ đuối sức trong cuộc đua với Nga

Theo số liệu được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) mới đây công bố, trong năm 2013, Nga đã lần đầu tiên vượt Mỹ với giá trị xuất khẩu vũ khí nhiều hơn 2 tỷ USD.

Mỹ đã xuất khẩu 26,9 tỷ USD vũ khí cho các quốc gia trên thế giới, trong khi giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga là 29,7 tỷ USD. Trước đó, Mỹ luôn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, với doanh thu trung bình hơn 7 tỷ USD/năm.

Trong năm 2013, các mặt hàng vũ khí của Mỹ được bán ra nước ngoài đã giảm hơn 6%, trong khi các công ty sản xuất vũ khí của Nga lại có doanh thu tăng mạnh mẽ và lọt vào 100 công ty làm ăn phát đạt nhất trên thị trường xuất khẩu vũ khí.

International Business Times ngay lập tức đặt câu hỏi "Liệu Mỹ đã đánh mất các thị trường vũ khí quốc tế và Nga đã soán ngôi vị số một của Mỹ?".

Chưa có dự báo nào về vị thế của Mỹ ở các thị trường vũ khí quốc tế trong thời gian tới bởi Mỹ vẫn đang áp đảo về số lượng doanh nghiệp vũ khí đứng trong tốp 100 công ty lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều số liệu và phân tích cho thấy, giá cả thấp và chất lượng ngày được cải thiện đã khiến vũ khí Nga ngày càng cạnh tranh gay gắt với hàng Mỹ.

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ten-lua-no-tung-cuoc-dua-voi-nga-cua-my-that-bai-3054370/

Theo Chúc Sơn/Báo Đất Việt

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm