Tên lửa diệt hạm Rubezh 'gác' Biển Đông
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển cấp chiến dịch – chiến thuật “Rubezh” là tổ hợp hoàn toàn độc lập, có thể tự phát hiện mục tiêu mặt nước và tấn công tiêu diệt.
Vào cuối những năm 1960, vũ khí khí tài chủ lực trong biên chế của lực lượng phòng thủ bờ biển Hải quân Xô Viết là tổ hợp tên lửa chiến dịch – chiến thuật chống tàu Redut, có tầm bắn rất xa và đầu đạn có uy lực lớn, trên mỗi xe bệ phóng tên lửa chỉ có một đạn và phải có các phương tiện mang khí tài chiến đấu đi cùng. Lực lượng phòng thủ bờ biển cần một tổ hợp năng động hơn đồng thời tầm bắn cũng gần hơn.
Vào năm 1970, tập đoàn chế tạo tên lửa cấp chiến thuật MKB “Raduga” được giao nhiệm vụ phát triển tổ hợp tên lửa cấp chiến thuật mới. Để phát triển tổ hợp tên lửa bờ biển này, các nhà phát triển vũ khí đã lựa chọn tên lửa chiến thuật chống tầu P-15M “Termit”, phát triển từ lớp tên lửa P-15 chống tàu. Các tổ hợp tên lửa hạng nhẹ nhỏ gọn với ống phóng dạng container KT-161 với rãnh phóng bằng 0 sẽ thay thế các tổ hợp nặng nề kiểu Redut ở tầm gần. Hai ống phóng container cùng với cabin điều khiển hỏa lực và radar dẫn bắn "Harpoon" được bố trí trên khung gầm xe MAZ – 543.
Tổ hợp tên lửa Rubezh với tên lửa nâng cấp Termit – P được biên chế vào lực lượng Hải quân Xô Viết ngày 22/10/1978. Vào khoảng nửa đầu thập niên 80, tổ hợp được nâng cấp – các ống phóng kép 3P51M được lắp đặt lên thân xe MAZ – 543M. Tổ hợp tên lửa Rubezh được xuất khẩu vào nhiều nước khác nhau Ukraine, Nam Tư, Bulgaria, Đức, Cuba, Algeria, Libya, Syria, Yemen, Romania, Việt Nam. Mã hiệu của tên lửa định danh theo NATO là SS-N-2C (Surface-to-Surface hải quân Loại 2 phương án 3).
Xe tên lửa. |
Trang thiết bị khí tài tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Rubezh:
Xe tên lửa phóng đạn tự hành 3P51 (3P51М)
Tên lửa chống tầu P-15М (P-21 / PP-22)
Xe vận tải tên lửa
Để có thể quan sát tầm xa trên biển, tổ hợp có thể được trang bị radar trinh sát, cảnh báo sớm tầm xa, được lắp đặt trên khí tài có trục nâng thủy lực tầm cao 40V6 (được sử dụng từ hệ thống tên lửa phòng không S-300P.
Hệ thống phóng tên lửa được lắp đặt trên khung gầm xe bánh hơi có khả năng cơ động cao loại МАZ-543 (МАZ-543М) với sát xi tám cầu và tám bánh lốp. Trên xe phóng tên lửa có lắp đặt cabin điều khiển phóng tên lửa với đài radar quan sát, dẫn bắn Harpoon, động cơ phát điện gas turbin, sàn quay bệ phóng tên lửa và hai thùng phóng tên lửa container KT-161.
Trong các thùng phóng tên lửa có 2 tên lửa chống tầu loại P-15M (P-21/P-22) – một tên lửa lắp đầu tự dẫn bằng radar chủ động, một tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại. Xe phóng tên lửa hoạt động hoàn toàn độc lập và có thể chủ động giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu độc lập như tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu chiến hạm nổi trên mặt nước.
Trang thiết bị gồm có: thiết bị điều khiển bắn, hệ thống nhận biết địch – ta, trang thiết bị thông tin liên lạc nội bộ và đài thông tin liên lạc vô tuyến. Radar "Harpoon" được sử dụng để phát hiện mục tiêu trên biển và điều khiển bắn và là một biến thể của các radar trinh sát chủ động gắn trên tàu tên lửa. Ăng-ten của radar nhờ hệ thống thủy lực trong trạng thái chiến đấu có thể nâng đến độ cao 7,3 m, khi cơ động, cần anten thu lại trong các ống thủy lực ở phía trước của cabin điều khiển. Thời gian chuyển trạng thái từ cơ động sang sẵn sàng chiến đấu là 5 phút.
Các ống phóng đạn container КТ-161 trong trạng thái cơ động cửa ống phóng quay về phía sau (ngược hướng cơ động) khi chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, giá đỡ quay một góc về hướng bắn (bất kỳ hướng nào) đến 110 độ và đưa vào góc nâng phóng đạn là 20 độ. Ống phóng đạn có các rãnh phóng đạn bằng không so với độ dài của đạn và máng trượt dành cho động cơ đẩy phản lực nhiên liệu rắn. Cabin công tác được lắp đặt các trang thiết bị điện tử, trang thiết bị radar và vị trí công tác của trắc thủ. Động cơ phát điện turbin khí dùng để cấp điện cho trang thiết bị thân xe và hệ thống phóng tên lửa.
Tên lửa P-15М (P-21 / P-22) "Теrmit" là tên lửa tăng tầm bắn được nâng cấp và hoàn thiện từ tên lửa P-15U. Tên lửa P-15M có cánh ổn định không dài được gấp lại khi ở trạng thái cơ động. |
Trong ống phóng container, khí ra khỏi ống phóng, tên lửa sẽ mở cánh gập ra để ổn định đường bay. Ba cánh đuôi hình tam giác với góc mở 120 độ lắp các cánh lái điều khiển. Các cánh đuôi là cánh cứng liền với thân tên lửa. Động cơ hành trình tên lửa là động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu lỏng. Động cơ khởi động tăng tốc của tên lửa được gắn vào phía đuôi của tên lửa ở phía dưới.
Tên lửa có hệ thống điều khiển đạo hàng quán tính trong giai đoạn bay hành trình trên biển và hai phương án đầu đạn tự dẫn tên lửa ở giai đoạn cuối – giai đoạn tự dẫn: tự dẫn bằng radar chủ động hoặc đầu đạn tự dẫn hồng ngoại loại "Snegir-M". Đầu đạn tên lửa có thể nạp khối nổ thuốc nổ thường 513 kg hoặc đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 15 Kt. Trần bay hành trình tên lửa so với mặt nước biển có thể là 25–50–250 m được quyết định và nạp vào máy tính trên tên lửa trước khi phóng.
Tại khu kỹ thuật của đơn vị, tiến hành công tác chuẩn bị tên lửa và nạp đạn vào ống phóng. Các xe phóng tên khi có lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu sẽ cơ động ra tuyến phòng thủ bờ biển chiếm lĩnh trận địa phòng ngự ven biển. Tại trận địa các xe tên lửa sẽ sử dụng hệ thống thủy lực nâng cần an ten lên độ cao cần thiết, quay giá đỡ ống phóng tên lửa về hướng phóng đạn và đưa các ống phóng tên lửa về tư thế chuẩn bị phóng đạn với góc nâng 20 độ. Trắc thủ qua màn hình radar phát hiện mục tiêu cần tiêu diệt, xác định tọa độ mục tiêu và nạp tọa độ mục tiêu vào bộ nhớ máy tính tên lửa, sau đó theo mệnh lệnh người chỉ huy phóng đạn diệt mục tiêu.
Tên lửa được phóng đi nhờ lực đẩy của động cơ tăng tốc phản lực về hướng mục tiêu, sau khi ra khỏi ống phóng đạn, động cơ hành trình phản lực nhiên liệu lỏng khởi động. Đồng thời cánh gấp tên lửa mở ra, cải bằng cho tên lửa. Với động cơ tăng tốc phản lực, tên lửa lấy độ cao và tốc độ hành trình. Sau khi động cơ phản lực tăng tốc đốt cháy hết nhiên liệu sẽ tự động rơi khỏi tên lửa. Tên lửa bay với động cơ nhiên liệu lỏng và hạ xuống độ cao hành trình. Hệ thống đạo hàng quán tính duy trì độ cao, tốc độ và quỹ đạo đường bay của tên lửa.
Khi tên lửa tiếp cận khu vực mục tiêu, đầu đạn khởi động hệ thống dẫn đường tự động. Đầu dẫn sẽ khóa mục tiêu và điều khiển tên lửa bay về hướng mục tiêu. Trước khi tiếp cận, tên lửa cơ động lên cao theo mô hình “leo dốc” và tấn công mục tiêu từ trên xuống. Bộ phận gây nổ sẽ kích hoạt khối nổ khi va chạm với mục tiêu.
Nạp đạn cho xe phóng tên lửa được thực hiễn với những thang ray nạp. Được mang theo xe trên các ống phóng đạn container. Khi nạp đạn, xe cẩu sẽ cẩu đạn lên thang nạp và đạn được đẩy vào ống phóng tên lửa container.
Trong biên chế của một khẩu đội tên lửa Rubezh có 4 xe phóng đạn tên lửa và 4 xe vận tải nạp đạn. Cơ số đạn trong một khẩu đội là 16 tên lửa.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển cấp chiến dịch – chiến thuật “Rubezh” là tổ hợp hoàn toàn độc lập, có thể tự phát hiện mục tiêu mặt nước và tấn công tiêu diệt. Tên lửa được lắp loại đầu dẫn radar chủ động và đầu dẫn hồng ngoại, đồng thời với khối nổ mạnh làm tăng cường xác xuất tiêu diệt mục tiêu (chọc thủng hệ thống phòng không của đối phương) bằng loạt đạn 2 tên lửa từ một xe bệ phóng, hoặc nhiều tên lửa (hàng loạt) từ nhiều xe bệ phóng của đơn vị tên lửa trong điều kiện địch sử dụng nhiễu tích cực và nhiễu thụ động.
Điểm hạn chế của tổ hợp là sử dụng các tên lửa có công nghệ đã lỗi thời, tên lửa có khối lượng lớn, kích thước cũng lớn. Do đó xe tên lửa có khối lượng đến 40 tấn, gây khó khăn cho cơ động nhưng chỉ mang được 2 tên lửa. Tên lửa có tốc độ không cao, do đó khả năng đột phá hệ thống phòng không của đối phương tương đối thấp. Động cơ tên lửa là phản lực nhiên liệu lỏng, gây khó khăn phức tạp khi bảo dưỡng, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Theo Tiền Phong