Đây là chia sẻ của ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý II vừa qua.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng, việc giảm lãi suất từ tháng 7 mới đây sẽ ảnh hưởng tới phần thu nhập lãi của Techcombank, tuy nhiên, ngân hàng có những lợi thế để giảm thiểu ảnh hưởng này tới kết quả cuối cùng.
Cụ thể, ông Hà cho biết trong chiến lược phát triển trước đây cũng như giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Techcombank không tập trung vào tăng lãi suất cho vay để cải thiện biên lãi ròng (NIM) mà tập trung vào giảm lãi suất huy động bằng cách tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Hiện tỷ lệ CASA đến cuối quý II của Techcombank đang là 46,1%, thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất hệ thống.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn đã tăng 55% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 133.400 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của cá nhân và doanh nghiệp tăng lần lượt 57% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái
Cũng trong 12 tháng gần nhất, lượng tiền gửi có kỳ hạn của Techcombank đã giảm 4,8%, đạt 155.900 tỷ do ngân hàng đang ưu tiên các nguồn vốn có lãi suất thấp.
THU NHẬP LÃI CỦA TECHCOMBANK CAO NHỜ CHI PHÍ VỐN THẤP | ||||||
Nguồn: TCB | ||||||
Nhãn | II/2020 | III | IV | I/2021 | II | |
Lợi suất tài sản bình quân quý | % | 7.6 | 7.5 | 7.5 | 7.5 | 7.3 |
Chi phí vốn bình quân quý | 3.7 | 3.4 | 2.8 | 2.4 | 2.2 | |
NIM 12 tháng gần nhất | 4.5 | 4.8 | 4.9 | 5.2 | 5.6 |
Ông Hà cho biết ngoài huy động của khách hàng, Techcombank còn có thể vay của các tổ chức nước ngoài nhằm tối ưu chi phí huy động.
Năm 2020, Techcombank đã vay 500 triệu USD vốn nước ngoài. Dự kiến năm nay, ngân hàng tiếp tục thực hiện vay nguồn vốn ngoại thời hạn 3-5 năm với lãi suất rẻ hơn nhiều so với tiền gửi kỳ hạn trong nước.
“Nguồn vốn này có lãi suất thậm chí thấp hơn lãi suất huy động dân cư kỳ hạn 1-3 tháng”, ông Hà chia sẻ.
Cũng theo vị lãnh đạo ngân hàng, chính việc có được nguồn vốn rẻ và đa dạng này nên Techcombank có dư địa để giảm lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng nhiều tới biên lãi ròng (NIM), qua đó ít ảnh hưởng tới thu nhập lãi.
Bên cạnh đó, Techcombank hiện là ngân hàng có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Việc giảm thu từ lãi, nhưng tăng thu ngoài lãi sẽ giúp ngân hàng này giảm thiểu ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất cho vay.
Techcombank là một trong 16 ngân hàng tham gia giảm lãi suất cho vay từ tháng 7 theo chỉ đạo của NHNN. Ảnh: Nam Khánh. |
Vì vậy, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank cho biết ngân hàng chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu kết quả kinh doanh năm nay.
Năm 2021, Techcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt khoảng 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm liền trước và là con số kỷ lục của ngân hàng.
Kỳ vọng này được đưa ra dựa trên mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 12%, đạt 356.200 tỷ đồng vào cuối năm (theo chỉ tiêu NHNN giao) và huy động vốn tăng 14,7%, đạt 334.300 tỷ đồng, bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên mới đây Techcombank cùng một số ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó Techcombank được nới hạn mức từ 12% lên 17% cho cả năm nay.
Trước đó, Techcombank là một trong 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay ngay từ tháng 7 để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng này cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay tối đa 1,5 điểm %/năm với các khách hàng hiện hữu chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Trong khi lãi suất cho vay với khách hàng mới sẽ thấp hơn tối đa 1 điểm %.
Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết ngân hàng chấp nhận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng nhưng không giảm cào bằng mà tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn…