Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tế bào ung thư lâu đời nhất thế giới

Tế bào này được tìm thấy trong hóa thạch xương ngón chân có niên đại 1,6-1,8 triệu năm. Nó mang mầm bệnh Osteosarcoma - chứng ung thư xương gây đau đớn cho nhiều trẻ em ngày nay.

Năm 2016, một phát hiện mang tính đột phá đã được công bố với thế giới. Đó là tế bào ung thư Osteosarcoma trong hóa thạch xương ngón chân của người (ở hang Swartkrans) có niên đại 1,7 triệu năm. Theo South African Journal of Science, phát hiện vào năm 2016 cho thấy tác nhân gây căn bệnh chết người đã ẩn sâu trong lịch sử tiến hóa của loài người từ rất lâu.

Theo CNN, nhóm nhà khoa học từ Đại học Witwatersrand đã phát hiện ra tế bào sớm nhất của một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới tại khu vực giàu hóa thạch của Nam Phi - hay còn được gọi là “cái nôi của loài người”.

Te bao ung thu dau tien tren the gioi anh 1

Hình ảnh 3D dựng lại hóa thạch xương người có niên đại hàng triệu năm, chứa tế bào ung thư sớm nhất thế giới. Ảnh: Patrick Randolph-Quinney, UCLAN.

Dấu vết sớm của căn bệnh ung thư xương

Sử dụng phương pháp micro-CT, nhóm tác giả từ Đại học Witwatersrand đã nghiên cứu chi tiết hình ảnh 2 chiều và 3 chiều bên trong hóa thạch. Hình ảnh đã ghi lại được sự khác biệt ở mật độ xương và các mảnh vỡ bên trong.

Hóa thạch xương có mô hình tăng trưởng bất thường, điển hình như hình dạng bên ngoài giống như súp lơ. Đặc điểm này nhóm nghiên cứu chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh u xương ác tính - căn bệnh ảnh hưởng nhiều đến trẻ em và thanh niên ngày nay.

National Geographic dẫn lời ông Edward Odes, thành viên nhóm nghiên cứu: “Chúng tôi đã thử nghiệm mảnh xương đặc biệt này với một mẫu xương người hiện đại và nó trông giống hệt nhau. Hóa thạch tìm được là mảnh xương nhỏ từ ngón chân bàn chân trái. Đây là phần duy nhất được tìm thấy, không có bất kỳ bộ phận hay cơ quan nào khác. Nó lưu giữ quá ít thông tin để xác định đây là hóa thạch của tộc người nào”.

Dù vậy, với tất cả nỗ lực, nhóm nghiên cứu xác định rằng trước khi tử vong bệnh nhân đã phải trải qua khoảng thời gian đau đớn, ảnh hưởng đến khả năng đi lại bởi tế bào ung thư trong xương.

Te bao ung thu dau tien tren the gioi anh 2

Tế bào u lành tính (phần màu hồng) trong đốt sống 2 triệu năm tuổi. Ảnh: CNN.

Bên cạnh đó, cùng năm, Trung tâm Khoa học Nam Phi cho biết họ tìm thấy tế bào u lành tính trong đốt sống 2 triệu năm tuổi. Hóa thạch này thuộc loài vượn người phương nam Australopithecus sediba. Tế bào u lành tính lâu đời nhất đã được tìm thấy ở Croatia, đó là u trong xương sườn người Neanderthal 120.000 năm tuổi.

Đầu năm 2020, các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv ở Israel phát hiện dấu tích bệnh ung thư hiếm gặp trong hóa thạch khủng long 66 triệu năm. Kết quả này có được sau khi nghiên cứu hóa thạch hai đốt xương đuôi của khủng long mỏ vịt (hadrosaur) tại Công viên Khủng long ở miền nam tỉnh Alberta, Canada. Nhóm đã tìm ra các tế bào của hội chứng mô bào LCH (Langerhans cell histiocytosis), một căn bệnh ác tính hiếm gặp gây khó chịu và đau đớn cho trẻ nhỏ, chủ yếu là bé trai.

Phát hiện làm thay đổi nhận thức về ung thư

Bằng cách dựng lại hình ảnh 3D của các tế bào ung thư Osteosarcoma, nhóm nghiên cứu tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về nguồn gốc chính xác của bệnh ung thư. Cho đến ngày nay, con người vẫn chưa thể lý giải được căn bệnh này.

Te bao ung thu dau tien tren the gioi anh 3

Hóa thạch xương mang tế bào ung thư giống với cấu trúc xương người hiện đại. Ảnh: Patrick Randolph-Quinney, UCLAN.

Nguồn gốc chính xác của bệnh ung thư vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, nguyên nhân đến từ việc không đầy đủ bằng chứng lịch sử.

Lần đầu tiên phát hiện bệnh ung thư, theo các tài liệu ghi chép, được cho của bác sĩ Ai Cập Imhotep, vào khoảng năm 2600 TCN. Ông miêu tả căn bệnh kỳ lạ với các "khối phồng trong vú" và không phương pháp nào thời đó có thể chữa trị được.

Ngày nay, nguyên nhân gây ung thư vẫn được cho là thói quen, lối sống và môi trường. Tuy nhiên sự tồn tại của tế bào ung thư ở hàng triệu năm trước đây càng khiến các kết luận khó xác đáng.

"Nghiên cứu này làm thay đổi nhận thức về bệnh ung thư", nhà nghiên cứu sinh vật học Patrick Randolph-Quinney (Đại học Central Lancashire, Anh) cho biết. "Điều đáng nói, ung thư là một vấn đề lớn của thế giới hiện đại. Ngay cả khi chúng ta có lối sống lành mạnh, bạn vẫn có khả năng mắc ung thư. Đó là một phần vốn có của quá trình tiến hóa”, CNN dẫn lời.

Trong khi đó, so sánh tế bào u ác tính trong xương ngón chân và u lành tính trong đốt sống nói trên, ông Patrick S. Randolph-Quinney đã xây dựng được cơ chế phát triển, biến đổi từ lành tính sang ác tính của các khối u.

“Nếu đó là khối u lành tính, nó sẽ có những cách để giữ khối u trong tầm kiểm soát, tự giới hạn và chỉ tăng trưởng đến một kích cỡ nhất định rồi cơ bản sẽ dừng lại. Trong khi đó, khối u ác tính sẽ tăng nhanh mà không có cơ chế kiểm soát, di căn sang các cơ quan lân cận", ông Patrick cho biết.

Nhóm nghiên cứu cũng kết luận tổ tiên loài người mang trong mình gene chứa khả năng gây ung thư. Nhưng ở từng cá thể nhất định nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài như thế nào còn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, tác nhân ngoại cảnh.

Người phụ nữ mắc căn bệnh đau đớn nhất thế giới

Kayla Hansen mắc căn bệnh mà nỗi đau của nó mang lại hơn cả khi sinh con, gãy xương hay hóa trị ung thư.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm