Đi đâu cũng nói đổi mới
Tại các cuộc họp Ban Chấp hành trung ương cũng như các chuyến đi công tác thực tế về Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí thường nhắc nhở chúng tôi: “Phải thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân mới hiểu được thực tiễn vì thực tiễn là ông thầy, đồng thời là trường học của chúng ta”.
Và đồng chí cũng nhấn mạnh: “Sức mạnh là của tập thể, trí tuệ là của quần chúng, cho nên bài học kinh nghiệm tại báo cáo chính trị của Đại hội VI: Trong toàn bộ hoạt động của Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”.
Trong các cuộc hội nghị cũng như đi thực tế các địa phương, tôi thường thấy đồng chí quán triệt nghị quyết Đại hội VI một cách nhẹ nhàng dễ nhớ.
Ví dụ đi đến đâu đồng chí cũng nói đến đổi mới, nhưng đổi mới những gì là đồng chí giải thích ngay phải đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác.
Về đổi mới tư duy, đồng chí luôn luôn lưu ý trước hết là tư duy kinh tế, trong kinh tế trước hết là trên lĩnh vực nông nghiệp vì nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, sau đó đến các lĩnh vực khác như công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế...
Năm 1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư từ phải sang) và ông Nguyễn Văn Chi (thứ sáu từ phải sang - lúc ấy làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng) thăm Xí nghiệp dệt may 29/3, Đà Nẵng. |
Nói chung, đồng chí nêu tiến hành đổi mới chính sách kinh tế gắn với đổi mới chính sách xã hội, chủ trương kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới. Là một Đảng cầm quyền, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với nhiệm vụ chính trị.
Phong cách của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là thường xuyên đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, tiếp cận những mô hình mới trong sản xuất kinh doanh để gợi ý một cách dân chủ, động viên mọi người phát biểu, đề xuất để lắng nghe ý kiến, nhất là những ý kiến khác nhau, tranh luận, cân nhắc và cuối cùng lấy thực tiễn để thuyết phục kết luận rồi từ thực tiễn để tổng kết nhằm hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đổi mới.
Trong những chuyến đi thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để tìm hiểu, tiếp cận những mô hình sản xuất kinh doanh mới có nhiều ý kiến như từ một tổ hợp dệt 29/3 của một số người góp công, góp của hình thành; thiếu vốn vào ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP HCM để mời gọi góp vốn; mời gọi bà con quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng để thành lập Xí nghiệp công tư hợp doanh dệt 29/3, giải quyết việc làm cho hơn 500 công nhân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nghe báo cáo đã đánh giá đây là một mô hình sản xuất tốt, cần được nhân rộng.
Tìm hiểu mô hình làm ăn mới
Báo cáo với đồng chí Nguyễn Văn Linh về Xí nghiệp Hợp doanh vận tải ôtô hàng hóa: người góp xe, góp phương tiện, vật tư, cả tài xế giỏi để hình thành xí nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa như vậy không bị thất thoát, mất mát tài sản mà phát huy được năng lực vận tải, đem lại hiệu quả cho người lao động, cho tập thể và Nhà nước cũng có lợi, đồng chí cho đây là một mô hình mới.
Ở Hợp tác xã nông nghiệp Duy Sơn II với mô hình vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, vừa có xí nghiệp may vừa xây dựng thủy điện nhỏ, đồng chí nghe báo cáo thì rất phấn khởi và nhận xét mô hình nông nghiệp này thể hiện được phân công lại lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, bố trí lại sản xuất, phát triển ngành nghề, ngoài xí nghiệp may còn phát triển nghề thủ công mỹ nghệ song mây để xuất khẩu, xây dựng thủy điện nhỏ, làm bộ mặt nông thôn đổi mới, ánh sáng hợp tác xã đi vào hang cùng ngõ hẻm.
Có điện là có tất cả, nhân dân ở đây cảm thấy đổi đời. Muốn hợp tác hóa phải có thủy lợi hóa đi trước cộng với điện khí hóa, nên Nhà nước phong đồng chí Lưu Ban là Anh hùng lao động.
Sau khi nghe báo cáo các mô hình sản xuất kinh doanh nói trên, đồng chí nhận xét cách làm của các đơn vị này sẽ thoát được cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, tạo động lực để sản xuất kinh doanh phát triển vì lợi ích người lao động, lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước đều được hài hòa.
Đặc biệt, đồng chí rất quan tâm đến lợi ích người lao động vì đồng chí cho rằng lợi ích người lao động là động lực phát triển sản xuất: “Nếu lợi ích người lao động không được quan tâm thì lợi ích tập thể cũng chẳng có, lợi ích của Nhà nước cũng chẳng còn”.
Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân từ những năm đầu sau giải phóng. Quan điểm cải tạo xã hội chủ nghĩa về công nghiệp, nông nghiệp và du lịch dịch vụ của hai đồng chí lãnh đạo ở trung ương và địa phương có những quan điểm giống nhau.
Không ham địa vị, không ham quyền lực
Sau giải phóng miền Nam, từ Đại hội IV, anh tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư trung ương, trưởng Ban Dân vận Mặt trận trung ương, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Trước Đại hội lần V, anh xin rút khỏi Bộ Chính trị, trở lại làm bí thư Thành ủy TP HCM năm 1981.
Gần cuối nhiệm kỳ khóa V, anh được bầu bổ sung Bộ Chính trị. Tháng 12/1986 tại Đại hội lần thứ VI, anh được bầu vào Ban Chấp hành trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức tổng bí thư Ban Chấp hành trung ương.
Anh chỉ làm một nhiệm kỳ tổng bí thư (khóa VI) và kiên quyết rút lui, không ra ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng nhiều người trong Ban Chấp hành trung ương mong muốn anh, khuyên anh làm thêm một nhiệm kỳ vì nhiệm kỳ này lắm sóng gió, thác ghềnh, nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa không còn nữa.
Đến năm 1989, không những cân đối được lương thực cả nước mà còn bắt đầu xuất khẩu. Anh cùng Ban Chấp hành trung ương (khóa VI) đã để lại cương lĩnh năm 1991 rất có giá trị trong tình hình kinh tế đất nước đang khủng hoảng, các nước xã hội chủ nghĩa đang lâm vào thời kỳ thoái trào nhưng anh cùng Bộ Chính trị đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn.
Nhiều người nêu những lý do trên nhưng anh kiên quyết xin rút và nói: “Dù không còn ở trong trung ương nữa nhưng với trách nhiệm là người đảng viên, tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng đến hơi thở cuối cùng”.
Anh không ham địa vị, không ham quyền lực mà chỉ biết cống hiến cho dân, cho Đảng. Đúng vào lúc Đảng, đất nước, nhân dân cần, anh xuất hiện đón nhận những trọng trách hết sức nặng nề, sẵn sàng đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ khi Đảng cần, dân muốn. Đó là một tấm gương sáng để lại cho cán bộ và nhân dân ta học tập, ngưỡng mộ một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo.
Người lãnh đạo trong thời kỳ khó khăn
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta trân trọng người anh, người đồng chí, người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong thời kỳ khó khăn nhất khi thành trì của các nước xã hội chủ nghĩa không tồn tại.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của anh, của tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương đã ổn định chính trị, đất nước từng bước được phát triển.
Cuộc đời hoạt động của anh, những việc anh đã làm, những nơi anh đã đi qua đều là những việc khó khăn, những địa bàn phức tạp, 10 năm bị giam cầm ở nhà lao Côn Đảo, 30 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, phần lớn thời gian hoạt động ở vùng địch hậu nhưng anh đã nêu cao khí phách anh hùng, bản lĩnh kiên cường, tinh thần bất khuất để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.