Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

TBT Nguyễn Phú Trọng đã đi vào lịch sử dân tộc

Xuất phát từ một người học văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trải qua nhiều vị trí công tác xuyên suốt sự nghiệp của mình và ghi danh vào lịch sử dân tộc ở vai trò người lãnh đạo xuất sắc.

tong bi thu anh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thuận Thắng.

Trong lời cảm ơn của Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu lời cảm tạ với đồng bào, bạn bè quốc tế đã dành những tình cảm sâu nặng, niềm tiếc thương vô hạn, sự kính trọng sâu sắc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đã đến viếng, gửi điện, lời chia buồn, tiễn đưa Tổng Bí thư "về với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến, văn minh và anh hùng".

Theo một số nhà khoa học nhân văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là người đi vào lịch sử, mà còn là một người tạo sử.

Nền tảng văn học, văn hóa vững chắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có một hành trình đầy cảm hứng từ những ngày đầu tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu sự nghiệp tại Tạp chí Cộng sản, cống hiến 29 năm từ vị trí biên tập viên ban đầu cho đến khi trở thành Tổng biên tập. Ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội trước khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Trong suốt quãng thời gian đó, ông không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình mà còn khẳng định tầm nhìn và tài năng lãnh đạo qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, nhận xét: "Với 57 năm tuổi Đảng, ông đã đi vào lịch sử như một trong những người lãnh đạo xuất sắc và mẫu mực nhất".

Không chỉ là một lãnh đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà lý luận tài năng. Ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận chính trị và đóng góp nhiều bài viết sâu sắc về lý luận, tổng kết chủ trương, đường lối của Đảng. Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, các bài viết của ông không chỉ mang tính học thuật cao mà còn rất thực tế, dễ hiểu và dễ thực hiện.

"Ở vị trí nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư am hiểu sâu sắc về thực tiễn và nâng cao vấn đề lý luận một cách sắc sảo. Ông là một cây bút lý luận tài năng, đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực đổi mới đất nước. Phong cách của Tổng Bí thư là viết lý luận thông qua minh chứng thực tiễn, viết thực tiễn hàm chứa tầm cao lý luận", PGS.TS Vũ Văn Phúc nhận định.

PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng ở vai trò "nhà báo đại thụ" và trong những năm lãnh đạo cơ quan báo chí hàng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn căn dặn đồng nghiệp, phóng viên, biên tập viên nắm vững tôn chỉ, mục đích của từng tờ báo, tạp chí: "Ông luôn vững vàng về phẩm chất chính trị, có lối sống trong sáng để thực hiện nhiệm vụ. Đối với ông, ngòi bút là vũ khí, báo chí là mặt trận, và ông luôn đề cao vai trò của báo chí. Ông đã xuất bản hơn 40 cuốn sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có rất nhiều bài viết, bài nói quan trọng".

PGS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá cao nền tảng giáo dục văn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi nhận thấy rằng nền tảng giáo dục về văn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trang bị cho ông những kiến thức sâu sắc về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Điều này không chỉ giúp ông có cái nhìn toàn diện và nhân văn hơn trong việc lãnh đạo đất nước mà còn giúp ông hiểu rõ và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc".

Theo ông, việc học văn không chỉ mang lại kiến thức về ngôn ngữ và văn chương mà còn giúp phát triển khả năng tư duy phê phán, sáng tạo và khả năng diễn đạt. Những kỹ năng và kiến thức này rất quan trọng trong việc lãnh đạo và quản lý, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại với nhiều thách thức phức tạp.

Một người văn tạo sử

Nhìn về sự nghiệp và đời sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đúc kết: "Ông, một người Văn dám tạo Sử".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đi vào lịch sử, mà còn là người tạo ra lịch sử khi làm những việc chưa có tiền lệ, đặt những dấu ấn quan trọng.

Với nền tảng nhân văn, sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Đảng và Nhà nước Việt Nam qua nhiều giai đoạn khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Công cuộc phòng chống tham nhũng là một trong những dấu ấn nổi bật nhất trong sự nghiệp của Tổng Bí thư.

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, mặc dù đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có từ trước đó trong cương lĩnh của Đảng, nhưng đến thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiến dịch này mới được triển khai và thực hiện một cách "bài bản, hệ thống, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết". Công cuộc phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm" góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân vào đội ngũ lãnh đạo.

Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng chiến dịch không chỉ mang lại niềm tin cho nhân dân mà còn khẳng định sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông, nhiều vụ án lớn đã được xử lý, đưa ra các chính sách nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý nhà nước, theo PGS Bùi Hoài Sơn.

tong bi thu anh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9/2023. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực ngoại giao với phong cách "ngoại giao cây tre". Theo ông Phạm Xuân Nguyên, đây cũng không phải một phát kiến mới, nhưng Tổng Bí thư là người đã phát triển kiện toàn và vận dụng uyển chuyển phong cách ngoại giao này trong thời gian tại chức của mình: Đó là cách để một quốc gia tồn tại và tạo dựng mối quan hệ với các nước lớn, đồng thời luôn giữ vững lập trường và chủ quyền quốc gia.

Nhờ vào phong cách ngoại giao này, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với các nước lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc.

Là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, PGS Bùi Hoài Sơn đặc biệt ấn tượng với những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chấn hưng văn hóa hiện nay. Ông nhấn mạnh rằng, sự có mặt động viên của Tổng Bí thư đối với văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ và những thông điệp quan trọng của ông trong các hội nghị, hội thảo, bài viết đã thực sự truyền cảm hứng và tạo động lực cho họ hành động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

"Tổng Bí thư đã nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi' và nhấn mạnh 'văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn'. Đó cũng chính là những trăn trở đối với những người làm văn hóa trong bối cảnh đất nước hiện nay. Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư, chúng tôi mong muốn đóng góp bằng những hành động thiết thực để văn hóa Việt Nam thực sự tỏa sáng, giúp xây dựng nền tảng tinh thần và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", PGS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Ông cũng chỉ ra rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ảnh hưởng lớn trong việc định hình các mục tiêu và ưu tiên của quốc gia trong bối cảnh mới đầy thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, nhiều chính sách quan trọng đã được triển khai, bao gồm các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và duy trì an ninh quốc gia.

PGS.TS Vũ Văn Phúc nhớ lại kỷ niệm ngày 9/6/2012 khi ông còn công tác ở vị tri Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Tổng Bí thư đã đến thăm và làm việc với Bộ Biên tập tạp chí. Nhân dịp đó, Tổng Bí thư đã bày tỏ những trăn trở và để lại nhiều dặn dò cho các nhà báo, biên tập viên về những khó khăn, thách thức trong tương lai. Tổng Bí thư đồng thời cũng động viên và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, chỉ ra những nhiệm vụ đối với người làm tạp chí, phải không ngừng đổi mới, cập nhật về hình thức, nội dung thể hiện.

"Tổng Bí thư sống mẫu mực, gần gũi, thông cảm với mọi tầng lớp nhân dân, cống hiến cả đời cho Đảng, đất nước và nhân dân. Ông chính là người lãnh đạo thanh liêm, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư như lời dạy của Bác Hồ," PGS.TS Vũ Văn Phúc nói.

tong bi thu anh 3

Hàng nghìn người dân đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Ảnh: Nhóm phóng viên ZNews.

Hàng nghìn người dân đã đến viếng Tổng Bí thư tại Hà Nội, TP.HCM, quê nhà trong hai ngày quốc tang 25-26/7. Các lãnh đạo cấp cao trong và ngoài nước cũng đến viếng và gửi điện thư chia buồn, thể hiện lòng kính trọng và tiếc thương sâu sắc.

Hiện nay, phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang được triển khai sâu rộng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đúc rút học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng 6 cụm từ: Học Tư tưởngvì dân, đạo đứcthương dân, tác phonggần dân.

Ông Nguyên cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương vì dân, thương dân, gần dân.

"Từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, niềm kính trọng, tiếc thương sâu sắc của mọi người cho thấy Tổng Bí thư đã sống trong lòng dân, đi vào lịch sử dân tộc, một người ghi dấu ấn đậm nét trong một phần tư thế kỷ 21", ông Phạm Xuân Nguyên nói.

Phong Khang

Bạn có thể quan tâm