Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Tay súng giết chết người vợ tôi yêu thương nhất, chỉ còn lại đớn đau'

8 người chết trong vụ xả súng ở Atlanta đều là phụ nữ gốc Á. Nhiều người không quen nạn nhân vẫn lặn lội tới nơi để tiếc thương. Họ cảm thấy thảm kịch này đang tới sát nhà mình.

xa sung o Atlanta anh 1

Sau vụ xả súng ở Atlanta ngày 16/3, nhiều người Mỹ gốc Á tổ chức diễu hành tại các thành phố lớn. Họ cũng lên kế hoạch biểu tình trên khắp nước Mỹ vào cuối tuần, nhằm phản đối nạn kỳ thị chủng tộc trong thời đại dịch, theo Wall Street Journal.

Biểu tình diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris lên án vụ xả súng, Washington Post đưa tin.

“Sự im lặng của chúng ta chính là sự dung túng. Chúng ta không thể dung túng cho hành vi này”, ông Biden nói sau khi gặp các lãnh đạo cộng đồng gốc Á tại Atlanta, bang Georgia ngày 19/3.

xa sung o Atlanta anh 2

Nhiều người tham gia cuộc biểu tình "Chấm dứt Thù ghét châu Á" kế bên Georgia Capitol ở Atlanta hôm 20/3. Ảnh: Reuters.

Timothy Phan đã lái xe hơn 8 tiếng đồng hồ từ Florida tới tham gia cuộc biểu tình ở Atlanta, để tỏ lòng tiếc thương những nạn nhân bị sát hại trong ba vụ xả súng chấn đông ở các tiệm massage tại đây, và chống lại sự thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á.

Phan không quen biết ai trong số 8 người thiệt mạng, toàn bộ là người gốc Á. Tuy nhiên, giữa lúc thông tin về những vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á ngày càng gia tăng, Phan cảm thấy những thảm kịch như ở Atlanta đang cận kề nhà mình.

Gia đình anh cũng làm việc trong ngành công nghiệp salon nail. Phan có nghe giới chức trách thông tin rằng nghi phạm trong các vụ tấn công ở Atlanta ngày 16/3 đã định tới cả Florida để gây án thêm.

"Những phụ nữ đã thiệt mạng, tôi thấy gia đình của mình trong họ", anh nói với CNN tại cuộc biểu tình hôm 20/3. Sự kiện này thu hút nhiều người tham dự tại Liberty Plaza bên cạnh Georgia Capitol ở trung tâm thành phố Atlanta.

Cuộc biểu tình ở Atlanta nằm trong số nhiều sự kiện tương tự được lên kế hoạch trên khắp nước Mỹ để tưởng nhớ các nạn nhân vụ xả súng và chống lại bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á. Các sự kiện biểu tình khác cũng được lên kế hoạch ở New York, Houston, Columbus và nhiều thành phố khác.

xa sung o Atlanta anh 3

Hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trước cửa hàng spa ở Atlanta. Ảnh: Getty.

Robert Aaron Long, 21 tuổi, là nghi phạm chính trong vụ xả súng. Người này bị cáo buộc 8 tội danh giết người và một tội danh hành hung nghiêm trọng, dẫn thông tin từ giới chức địa phương.

xa sung o Atlanta anh 4
Nghi phạm Robert Aaron Long. Ảnh: AP.

Các nạn nhân thiệt mạng trong cửa hàng spa đầu tiên là Delaina Ashley Yaun, 33 tuổi; Paul Andre Michels, 54 tuổi; Xiaojie Yan, 49 tuổi; và Daoyou Feng, 44 tuổi.

Một người khác cũng bị bắn ở tiệm Youngs Asian là Elcias Hernandez-Ortiz, 30 tuổi. Tuy nhiên, người này đã may mắn sống sót.

Hôm 19/3, các nhà điều tra vừa công bố thêm 4 nạn nhân còn lại, thiệt mạng trong 2 vụ xả súng khác ở các tiệm massage ở Atlanta, bao gồm: Soon Chung Park, 74 tuổi; Hyun Jung Grant, 51 tuổi; Suncha Kim, 69 tuổi; và Yong Ae Yue, 63 tuổi. Tất cả đều là phụ nữ.

Vụ xả súng ở Atlanta giống như “giọt nước làm tràn ly”, chỉ ra nạn kỳ thị chủng tộc đáng báo động ở Mỹ. Vụ việc cũng gợi nhớ đến cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd, vốn là “chất xúc tác” cho làn sóng biểu tình trên toàn quốc vào năm ngoái.

Tay súng đã giết hại những người tử tế và làm việc chăm chỉ

"Nghi phạm đã tàn sát những người tử tế làm việc chăm chỉ. Tôi không hiểu nổi. Tôi không nghĩ một con người có thể làm ra điều đó", Michael Webb, chồng cũ của nạn nhân Xiaojie Tan - chủ tiệm massage Youngs Asian - nói.

Ông Webb miêu tả bà Tan là người "quyết tâm không chỉ xây dựng sự nghiệp mà phải sở hữu một doanh nghiệp riêng". Chồng cũ nhớ lại bà Tan vài năm qua đã dự định sẽ sớm nghỉ hưu.

"Bà ấy làm việc rất chăm chỉ. Tôi rất buồn vì mọi thứ lại có kết cục như vậy, bà ấy đã lao động cực khổ nhưng không được hưởng thành quả", ông Webb nói.

Trong khi đó, bà Delaina Ashley Yuan cùng chồng là khách hàng tới sử dụng dịch vụ tại tiệm massage Youngs Asian. Ông Mario Gonzalez, chồng của bà Yuan, nói vợ mình đang được massage ở một phòng riêng khi vụ nổ súng xảy ra.

"Sau khi đến khoảng 1 giờ, tôi nghe thấy tiếng súng. Tôi không nhìn thấy gì hết, chỉ biết rằng tiếng súng đến từ căn phòng của vợ mình. Tay súng đã giết chết người vợ thương yêu nhất của tôi, chỉ còn lại nỗi đau", ông Gonzalez nói.

xa sung o Atlanta anh 5

Xiaojie Tan (phải) là một trong 4 nạn nhân bị bắn chết ở tiệm Youngs Asian. Ảnh: Jami Webb.

Trong số 4 nạn nhân còn lại bị bắn chết ở các tiệm massage Gold Massage Spa và Aroma Therapy Spa, 3 nạn nhân tử vong vì bị bắn vào đầu, nạn nhân còn lại thiệt mạng vì vết thương ở ngực, nhà chức trách Atlanta cho biết.

Một trong các nạn nhân bị sát hại ở Atlanta là công dân Hàn Quốc định cư thường trú ở Mỹ, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Atlanta Kwangsuk Lee cho biết. Ba nạn nhân còn lại là người Mỹ gốc Hàn.

Bà Hyun Jung Grant là "mẹ đơn thân" của hai người con. Con trai bà Grant là Randy Park miêu tả người phụ nữ 51 tuổi đã "dành cả cuộc đời" lao động để chu cấp cho hai con.

"Mẹ là một trong những người bạn thân nhất, người có ảnh hưởng lớn nhất tới chúng tôi", Park cho biết.

Hai con trai bà Grant giờ chỉ có thể nương tựa vào nhau để sống, bởi mọi họ hàng của gia đình đều ở Hàn Quốc.

xa sung o Atlanta anh 6

Bà Grant và hai con trai. Ảnh: Randy Park.

Hai con trai của bà Grant đã lập ra quỹ từ thiện quyên góp cho gia đình các nạn nhân vụ xả súng trên trang GoFundMe. Đến nay, GoFundMe đã nhận được 2,2 triệu USD tiền ủng hộ từ 65.000 người hảo tâm.

Miêu tả trên GoFundMe cho biết tiền quyên góp sẽ được dùng để chi trả cho chi phí sinh hoạt, thực phẩm, nhà ở của gia đình nạn nhân.

Lời cảnh báo khủng khiếp

Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Cherokee hôm 17/3 cho biết vẫn chưa có bằng chứng để kết luận động cơ gây án là thù hận chủng tộc. Theo các điều tra viên, nghi phạm Robert Aaron Long, 21 tuổi, tự nhận mình mắc chứng “nghiện tình dục” và ra tay giết người để “loại bỏ cám dỗ”.

Dù vậy, Phó cảnh sát trưởng thành phố Atlanta, ông Charles Hampton Jr, hôm 18/3 tuyên bố cảnh sát đang xem xét mọi khả năng. Ông Hampton nói: “Có 4 nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ châu Á. Chúng tôi không loại trừ khả năng nào”.

Dù cảnh sát chưa xác định được động cơ gây án, cộng đồng người Mỹ gốc Á đều cảm thấy đau lòng và lo lắng.

Giám đốc Aisha Yaqoob Mahmood của Quỹ vận động cho người Mỹ gốc Á, bình luận: “Dù họ tuyên bố như thế nào, chúng tôi đều biết các cuộc tấn công nhắm vào cộng đồng người gốc Á”.

Giáo sư David Palumbo-Liu từ Đại học Stanford, phân tích vụ xả súng ở Atlanta: “Nghi phạm nói động cơ gây án không phải là thù hận chủng tộc. Song người này lại coi tiệm spa của người châu Á là nơi phục vụ nhu cầu tình dục của đàn ông da trắng”.

Đến nay, khoảng vài nghìn người đã ký vào đơn kiến ​​nghị trực tuyến, kêu gọi sa thải Đại úy Jay Baker của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Cherokee. Trước đó, ông Baker nói nghi phạm Robert Long đã có một "ngày tồi tệ" và chọn cách cực đoan để kết thúc chứng nghiện tình dục.

xa sung o Atlanta anh 7

Người gốc Á biểu tình chống nạn kỳ thị chủng tộc. Ảnh: Reuters.

Đại úy Baker chưa phản hồi yêu cầu bình luận. Song Cảnh sát trưởng Frank Reynolds biện minh rằng lời nhận xét của ông Baker không nhằm thể hiện sự thiếu tôn trọng với nạn nhân hay sự cảm thông với nghi phạm.

"Chúng tôi lấy làm tiếc nếu như lời nói của ông Baker gây tổn thương", Cảnh sát trưởng Reynolds trả lời báo giới.

“Đó không phải là một ngày tồi tệ”, Hạ nghị sĩ gốc Việt bang Georgia Bee Nguyen viết trên Twitter. "Đó là một tội ác tàn bạo, là hệ quả của sự phân biệt chủng tộc, lối sống ăn chơi sa đọa, thái độ bạo lực giới tính và quy định cấp phép vũ khí dễ dàng”.

Theo luật sư của một cửa hàng bán vũ khí, nghi phạm Long đã mua khẩu súng 9 ly dùng để gây án, chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ việc.

Trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ hôm 18/3, Hạ nghị sĩ Doris Matsui từ bang California miêu tả vụ xả súng là " lời nhắc nhở khủng khiếp về nỗi sợ hãi và đau đớn" mà nhiều người Mỹ gốc Á phải trải qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận cực đoan tại Đại học bang California, các vụ phạm tội nhắm vào người gốc Á ở nhiều thành phố lớn của Mỹ đã tăng 149% trong năm 2020.

Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng khảo sát về vấn đề này trên 9.654 người trưởng thành ở Mỹ vào tháng 6/2020. Kết quả cho thấy khoảng 31% người gốc Á từng bị lăng mạ, công kích bằng lời nói từ khi đại dịch bắt đầu. Số liệu này ở nhóm người da màu, người gốc Tây Ban Nha và người da trắng lần lượt là 21%, 15% và 8%.

Giải pháp cho nạn kỳ thị chủng tộc

Trong ngày 19/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh treo cờ tại các tòa nhà liên bang để tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ xả súng. Sau đó, ông có cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á tại thành phố Atlanta.

Sau vụ xả súng, giới chức hành pháp tại thành phố New York, Seattle và Atlanta đã bổ sung nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Theo Phó thanh tra Stewart Loo từ Sở Cảnh sát New York, rất khó để chứng minh một vụ tấn công bạo lực bắt nguồn từ sự thù hận chủng tộc. Ông Loo chia sẻ hôm 18/3: “Không khó để chứng minh hành động phạm tội, song rất khó để chứng minh động cơ gây án”.

xa sung o Atlanta anh 8

Người biểu tình chống nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ. Ảnh: Reuters.

Cũng theo ông Loo, nhiều nạn nhân gốc Á không chủ động trình báo cảnh sát vì các tiêu chuẩn văn hóa riêng, hoặc vì sợ bị trả thù hay vướng vào rắc rối. Ông nói: “Để khuyến khích người dân lên tiếng, chúng tôi đã tiếp cận các nhà lãnh đạo trong cộng đồng và tích cực tuyên truyền trên truyền thông địa phương”.

Một số cá nhân tiên phong cũng đang tìm cách nâng cao nhận thức trong chính cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Giám đốc Helen Li của một công ty công nghệ tại New York cho biết: “Nếu không tỏ thái độ, vấn đề này sẽ không thu hút được sự chú ý và sự công bằng”. Bà Li và bạn bè dự định tham gia một cuộc diễu hành vào cuối tuần tại Quảng trường Union.

Ông Azka Mahmood của Hội đồng phi lợi nhuận về Quan hệ Mỹ - Hồi giáo cho biết: “Chúng tôi thực sự hy vọng đây là thời khắc của sự thay đổi, là khi các nhà lập pháp và cộng đồng nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc”.

'Thật đáng sợ khi là phụ nữ Mỹ gốc Á' Vụ xả súng tại 3 spa ở Atlanta cướp đi sinh mạng của 8 người, gồm 6 người gốc Á. Hàng trăm cuộc biểu tình nổ ra ở Mỹ để chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Chuyến đi spa kết thúc trong tang tóc

Vụ xả súng tại 3 spa ở khu vực Atlanta hôm 16/3 cướp đi sinh mạng của 8 người, gồm 6 người gốc Á. Một số tổ chức đang kêu gọi gây quỹ giúp gia đình nạn nhân.

Ông Obama lên tiếng về vụ xả súng có 6 người gốc Á thiệt mạng

Cựu Tổng thống Barack Obama hôm 17/3 nói rằng chính quyền Mỹ đã tiếp tục phớt lờ "đại dịch bạo lực súng đạn" trong vụ xả súng ở Atlanta.

Sáu phụ nữ gốc Á bị bắn chết trong tiệm massage ở Mỹ

Tám người, trong đó có ít nhất 6 phụ nữ gốc Á, bị bắn chết tại ba tiệm massage ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ, ngày 16/3. Nghi phạm đã bị cảnh sát bắt giữ. 

Uyên Uyên - Duy Anh

Bạn có thể quan tâm