Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tây Ban Nha chuyền bóng hơn 1.000 lần để làm gì?

Tây Ban Nha là đội duy nhất ở vòng 16 đội World Cup còn cố gắng triển khai lối chơi bóp nghẹt và triệt tiêu khả năng cầm bóng của đối thủ, một phong cách có lẽ không còn hợp thời.

Chiến thắng 7-0 của Tây Ban Nha trước Costa Rica vẫn là một trong những màn trình diễn ấn tượng nhất tại World Cup 2022 tính đến thời điểm này. HLV Luis Enrique có lý của mình khi vẫn trung thành với cách chơi làm nên thương hiệu cho bóng đá Tây Ban Nha hơn một thập niên qua, đấy là kiểm soát bóng và ban chuyền nhiều nhất có thể.

Tuy nhiên, "La Roja" của năm 2022 khác xa với tập thể vĩ đại hơn một thập niên trước. Bóng đá lúc này cũng vận động liên tục và người Tây Ban Nha không thể tiếp tục lối chơi cũ khi nhiều đối thủ đã tìm ra cách khắc chế họ.

Phản công là xu thế

Điểm chung trong các chiến thắng của Hà Lan, Pháp, Brazil hay Anh ở vòng 16 đội chính là việc họ nhường đối thủ quyền sở hữu bóng trong vài thời điểm của trận đấu. Mỹ thậm chí có tới 59% thời lượng kiểm soát bóng trong cuộc đối đầu Hà Lan nhưng phần lớn đều tin rằng họ sập bẫy đối thủ. Pháp chỉ kiểm soát 55% thời lượng bóng trước Ba Lan trong khi Brazil cũng cho Hàn Quốc cầm bóng tới 46%.

Nhiều thời điểm, Mỹ, Senegal, Ba Lan hay Hàn Quốc có thế trận áp đảo những ứng viên vô địch World Cup 2022 và tạo cho người ta cảm giác họ đủ sức ghi bàn. Ba Lan, Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng đều ghi được bàn danh dự nhưng về mặt thế trận, họ bị tổn thương vào đúng những thời điểm dâng đội hình lên cao nhất.

Tay Ban Nha anh 1

Tây Ban Nha có kỳ World Cup thứ hai liên tiếp bị loại ở vòng 16 đội. Ảnh: Reuters.

Nói như Jose Mourinho thì "càng cầm nhiều bóng, càng dễ mắc sai lầm". Hà Lan, Brazil hay Pháp tận dụng hoàn hảo thời điểm đối thủ cầm bóng để tung ra những pha phản công ghi bàn. Đó là xu thế của World Cup 2022, giải đấu chứng kiến các đội bóng lớn không tập trung vào việc kiểm soát hay chuyền bóng, thay vào đó nâng cao tốc độ trong việc chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công.

Loxston, thành viên Tiểu ban Kỹ thuật của FIFA ở World Cup 2022, phân tích: "Những gì chúng tôi thấy ở vòng bảng là các đội đang chơi phản công nhiều hơn. Càng giành lại bóng nhanh hơn, càng có nhiều cơ hội ghi bàn hơn".

Cựu HLV người Italy, Alberto Zaccheroni, người cũng nằm trong Tiểu ban Kỹ thuật FIFA ở giải này, nhấn mạnh: "Phản công vốn rất quan trọng trong bóng đá. Nhưng ngày nay, nó thậm chí còn quan trọng hơn".

Bóng đá cấp CLB cũng chứng kiến điều tương tự khi Real Madrid vô địch Champions League vào tháng 5 mà không cần lối đá kiểm soát toàn diện. Và muốn phản công, các đội phải để đối thủ cầm bóng. Tây Ban Nha lại đi ngược xu thế đó, khi cố gắng chuyền nhiều và triệt tiêu thời lượng kiểm soát bóng của đối thủ.

Kể từ năm 1966, "La Roja" là đội duy nhất trong lịch sử thực hiện hơn 1.000 đường chuyền trong một trận đấu tại World Cup. Cả 4 trận đấu ghi nhận một đội thực hiện số đường chuyền nhiều hơn 1.000 đều thuộc về "La Roja".

Tay Ban Nha anh 2

Đứng đầu là trận đấu với Nga tại vòng 16 đội World Cup 2018 khi Tây Ban thực hiện 1.115 đường chuyền. Tới trận gặp Nhật Bản tại vòng bảng vừa qua, họ thực hiện 1.058 đường chuyền. Trước Costa Rica, đội bóng của HLV Enrique chuyền 1.045 lần. Khi chạm trán Morocco ở World Cup 2022, "La Roja" chuyền tổng cộng 1.019 lần. 3 trên 4 trận đấu kể trên đều kết thúc với thất bại cho Tây Ban Nha.

Nếu 4 năm trước, một "La Roja" gặp nhiều vấn đề nội bộ cũng như chất lượng đội hình suy giảm đã thua Nga trên chấm luân lưu thì ở giải đấu tại Qatar, họ được đánh giá cao hơn với một hệ thống nhuần nhuyễn cùng những kết quả khởi sắc dưới thời Enrique. Nhưng kết quả chung với tuyển Tây Ban Nha ở hai kỳ World Cup gần nhất vẫn là bị loại sau loạt luân lưu.

Bóng đá là câu chuyện của thành tích và khi một đội tuyển tắm hai lần trên cùng một dòng sông, họ cần phải xem lại mình. Thực tế, nếu tính cả thất bại ở EURO 2020, tuyển Tây Ban Nha đã tắm ba lần trên dòng sông mang tên kiểm soát bóng và luân lưu.

Vừa để đối thủ cầm hòa trong thời gian thi đấu chính thức, vừa thua ba lần liên tiếp trên chấm 11 m thì không còn là thiếu may mắn nữa. Tây Ban Nha cần xem lại mình.

Tây Ban Nha nên thay đổi?

Quan điểm cầm bóng là cách tốt nhất để phòng ngự của Pep Guardiola hay nhiều HLV Tây Ban Nha vẫn đáng được tôn trọng. Nhưng nó sẽ vô nghĩa nếu họ thất bại. Man City và Pep chưa thể vô địch Champions League, một giải đấu cúp có tính chất tương tự World Cup trong khi Tây Ban Nha không thắng một trận đấu knock-out nào tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh kể từ trận chung kết trên đất Nam Phi năm 2010.

Đối đầu Nhật Bản, họ trở thành đội đầu tiên trong lịch sử kiểm soát tới 82,3% thời lượng bóng nhưng vẫn thua. Sau chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha, HLV Hajime Moriyasu nói: "Chúng tôi không quan tâm đến khả năng kiểm soát bóng của Tây Ban Nha bởi mục tiêu chính của đội là tìm khoảng trống sau lưng hàng thủ của họ, gây sức ép và dùng tốc độ để tấn công".

Tay Ban Nha anh 3

Morocco chưa thể ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha như Nhật Bản nhưng họ đã có những cơ hội ghi rõ rệt. Nếu Walid Cheddira không bỏ lỡ những cơ hội cuối trận, Morocco đã có thể kết liễu "La Roja" trong thời gian thi đấu chính thức.

Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Tây Ban Nha trận này chỉ là 0,74, kém cả Morocco với 0,85. Đội bóng châu Âu chỉ có một cú sút trúng đích trong khi đại diện Bắc Phi có hai. Hàng phòng ngự của đại diện châu Phi cũng được tổ chức tốt và nằm trong số những đội để thủng lưới ít nhất ở giải đấu năm nay. Chưa đối thủ nào tại World Cup 2022 ghi được bàn vào lưới thủ môn Yassine Bounou ngoại trừ chính đồng đội của anh trong trận gặp Canada (phản lưới).

Tính xa hơn, kể từ khi HLV Walid Regragui lên dẫn dắt Morocco vào cuối tháng 8, đội bóng này chưa từng để đối thủ nào ghi bàn. Những dữ kiện đó có thể lý giải phần nào cho thế trận khó khăn của Tây Ban Nha trước Morocco. "La Roja" của năm 2022 là một tập thể với hàng tiền vệ mạnh nhưng hàng công có chất lượng không cao.

Marco Asensio, Dani Olmo hay Ferran Torres đều không phải những cầu thủ hay nhất ở vị trí của mình. Họ chưa bao giờ được coi là các chân sút có hiệu suất ghi bàn đáng nể trong sự nghiệp. Alvaro Morata cũng không phải tiền đạo có tỷ lệ ghi bàn cao. Mùa này, anh mới ghi 5 bàn cho Atletico sau 19 lần ra sân.

Morata đã ghi 3 bàn ở World Cup năm nay nhưng hiếm khi được HLV Enrique cho đá cả trận. Trước Morocco, trung phong đúng nghĩa duy nhất của Tây Ban Nha ở giải này chỉ vào sân ở phút 63. Có thể "La Roja" đã lại không gặp may trên chấm 11 m.

Nhưng nhìn cách những đội bóng lớn khác thắng thuyết phục ở vòng 16 đội World Cup 2022 bằng một lối chơi phòng ngự phản công tốc độ, người Tây Ban Nha phải chăng nên thay đổi?

Cổ động viên Morocco đổ ra đường sau chiến thắng Rạng sáng 7/12 (giờ Hà Nội), cổ động viên tuyển Morocco ăn mừng cuồng nhiệt sau khi đội bóng Bắc Phi lần đầu tiên giành quyền vào tứ kết World Cup.

Người đứng sau kỳ tích Morocco

Walid Regragui trở thành hiện tượng của bóng đá châu Phi khi giúp Morocco góp mặt ở tứ kết World Cup 2022.

Chị gái Ronaldo: Tiếc là em già rồi nên Bồ Đào Nha không cần nữa

Người chị Aveiro và bạn gái Georgina Rodriguez cảm thấy thất vọng khi HLV Fernando Santos cho Cristiano Ronaldo dự bị trong trận thắng Thụy Sĩ 6-1 rạng sáng 7/12 (giờ Hà Nội).

Vì sao Tây Ban Nha bất lực trước Morocco?

Hàng thủ chắc chắn trở thành nền tảng để Morocco làm nên bất ngờ khi vượt qua Tây Ban Nha hùng mạnh ở vòng 16 đội World Cup 2022 tối 6/12.


Những cuốn sách hay về thể thao

Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...

Ky tich cua Morocco hinh anh

Kỳ tích của Morocco

0

Dù bóng đá Morocco đã thăng tiến mạnh mẽ trong nửa thập niên qua, nhưng những gì họ vừa làm được, đặc biệt là chiến thắng Tây Ban Nha, vẫn khiến người ta kinh ngạc.

Tường Linh

Bạn có thể quan tâm