Cầm cự chờ đổi vận hay bán xe, bỏ nghề?
Anh Nguyễn Văn Thành, tài xế một hãng taxi tại Hà Nội phải mất 20 phút đứng dưới trời nắng gắt trước cổng một trung tâm thương mại trên phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) mới vẫy được khách. Anh than: "Khách gọi xe giá rẻ ngày càng nhiều, cước đồng giá có 6.000 đồng/km nên mình rất khó cạnh tranh".
Với giá cước 11.000 đồng/km, đi quãng đường khoảng 6 km nội thành, khách phải trả cho tài xế này hơn 70.000 đồng. Trong khi nếu gọi taxi giá 6.000 đồng/km, khách chỉ phải thanh toán 36.000 đồng.
Vợ chồng chị Phan Phương, khách du lịch Sài Gòn ra Hà Nội cho biết, mỗi ngày gia đình đi tới 4-5 cuốc taxi nên gọi taxi giá rẻ giúp anh chị tiết kiệm được hàng trăm nghìn đồng.
Sức ép cạnh tranh của các hãng taxi công nghệ buộc nhiều hãng taxi truyền thống phải suy nghĩ về "nồi cơm" của mình. Ảnh minh họa: NLĐ. |
Tài xế Thành trải lòng, nếu là khách hàng, anh cũng sẽ chọn cách di chuyển với chi phí thấp hơn.
Lê Nam, một tài xế khác tại Hà Nội, mô tả về hãng taxi của mình là taxi "xe sang, giá cao", nhưng áp lực kiếm tiền lên tài xế ngày càng nặng nề. Anh kể, trước kia, nếu chăm chỉ, tổng thu mỗi ngày của anh khoảng 2-3 triệu đồng. Nhưng nay, khách chỉ thích taxi siêu rẻ, hợp đồng điện tử, chốt giá từ trước. Định mức 1-1,2 triệu đồng một ngày nhiều khi còn khó.
Theo ý kiến của một số tài xế taxi và khách hàng, mức giá khoảng 6.000 đồng/km mà nhiều hãng đưa ra dường như đang "phá giá", nhằm chiếm lĩnh thị trường. Bởi, theo tính toán của một số tài xế kinh nghiệm, nếu thu khách 6.000 đồng/km, nộp 20% về cho hãng, trả thêm chi phí xăng xe, điện thoại, khấu hao phương tiện, số tiền còn lại không đủ để... "húp cháo".
Tài xế Lê Nam cho biết, thời gian tới, nếu tình hình không khá hơn, anh sẽ bán xe, chuyển nghề. "Niên hạn sử dụng của taxi chạy nội thành chỉ 8 năm. Xe tôi chạy vài năm, máy vẫn còn tốt thì tranh thủ bán cho được giá, lấy vốn làm nghề khác", anh Nam tính.
Không vội bi quan
Đại diện kinh doanh một hãng taxi tại Hà Nội cho biết, áp lực từ thị trường trong thời điểm hiện tại là có. Song, doanh nghiệp này chưa vội bi quan.
Vị này dẫn chứng sự việc một hãng taxi đưa ra gói cước siêu rẻ 6.000 đồng/km. Trước kia, với mức cước này, hãng vẫn phải hỗ trợ thêm vài chục nghìn đồng cho lái xe trên mỗi cuốc. Tuy nhiên, sau một thời gian áp đảo thị trường, hãng này quyết định cắt hỗ trợ đối với tài xế. Việc làm trên ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ tập thể lái xe, hãng nọ buộc phải phục hồi mức hỗ trợ.
Sự việc trên cho thấy, việc áp dụng chính sách giá rẻ của một vài hãng sẽ chỉ phát huy tác dụng trong thời gian xác định, không thể là chiến lược lâu dài. Trong khi đó, mối ràng buộc quan trọng nhất giữa tài xế, khách hàng và hãng taxi vẫn là lợi nhuận.
"Bằng cách cải thiện chính sách về giá, gia tăng chất lượng dịch vụ trên nền uy tín lâu năm đã tạo dựng được với khách hàng, chúng tôi tin taxi truyền thống vẫn có nhiều cơ hội trụ vững", đại diện này tự tin.
Nhưng đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mức cước taxi khoảng 6.000 đồng/km không phải là mức thấp tới khó tin hay phá giá thị trường. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho biết: "Thời gian trước, khi giá xăng dầu ở mức cao, một số hãng taxi truyền thống đã giảm cước xuống mức 6.000 đồng/km. Bây giờ, giá dầu giảm còn một nửa thì mức cước trên là hoàn toàn bình thường".
Ông Phong cũng đánh giá, sự áp đảo của làn sóng taxi giá rẻ ở thị trường Việt Nam sẽ là yếu tố thúc đẩy những thay đổi tích cực từ các hãng taxi truyền thống. Trong bối cảnh này, khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Đại diện một hãng taxi lớn phía Nam thì thẳng thắn thừa nhận, doanh nghiệp có thể học hỏi các hãng taxi giá rẻ mới vào thị trường Việt Nam ở việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý giao dịch và tính cước. Bằng cách này, hãng giảm được tối đa chi phí thuê tổng đài, đầu số, nhân sự là các yếu tố khiến giá cước taxi bị đội lên.
Đồng thời, hóa đơn điện tử chốt trước với khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp, khách hàng tránh được "tiểu xảo" tăng cước của tài xế, bằng cách lái xe lòng vòng hoặc tự ý làm giá.
Ngoài ra, nhiều hãng taxi truyền thống cũng đang tích cực thử nghiệm và đưa vào triển khai một số ứng dụng điện tử, nhằm tối ưu hóa giao dịch với khách hàng.