Tàu Trung Quốc lại tiến vào quần đảo Điếu Ngư/Senkaku
Trung Quốc hôm qua cử 4 tàu tới khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản trong động thái mà nước này nói rằng để “bảo vệ chủ quyền trên biển Hoa Đông”.
Hãng tin Xinhua dẫn thông tin trên trang web của Cục Hải Dương Quốc gia Trung Quốc cho biết, vào 11h50’ sáng qua, đội tàu hải giám gồm 4 chiếc mang số hiệu 46, 49, 66 và 137 đã tuần tra trên vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và các đảo liền kề.
Khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. |
“Đội tàu đã được triển khai tuần tra bảo vệ chủ quyền tại vùng nội thủy lãnh hải đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông”, trang web của cơ quan trên nêu rõ.
Trong thời gian tuần tra, các tàu hải giám Trung Quốc dùng loa phóng thanh liên tục nhắc lại lập trường của Chính phủ Trung Quốc trong yêu sách chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời yêu cầu các tàu của Nhật Bản rời khỏi lãnh hải quanh chuỗi đảo này. Các tàu Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ lấy bằng chứng về hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu Nhật Bản, bất chấp thực tế quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang thuộc quyền quản lý của Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc.
Phía Nhật Bản cũng xác nhận các tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Kubashima, một trong 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong vòng 2 tháng trở lại đây, hầu ngư ngày nào Trung Quốc cũng cử các tàu tới vùng biển tranh chấp giữa hai nước nhằm gây sức ép với chính quyền Nhật Bản.
Trước những động thái của Bắc Kinh, các nhà lập pháp Mỹ đã chính thức thông qua quyết định công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh chung Mỹ - Nhật nếu quần đảo này bị đánh chiếm.
Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc áp dụng Hiệp định an ninh này, cho rằng đây là “sản phẩm thời Chiến tranh Lạnh” và không nên được sử dụng để gây phương hại lợi ích của các nước trong khu vực Đông Bắc Á.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cùng cách Trung Quốc Đại lục và Nhật Bản 200 hải lý và đang thuộc quyền quản lý của Nhật Bản.
Theo Dân Trí