Tàu thăm dò sao Hỏa của Nga chệch hướng sau khi phóng
Tàu thăm dò Phobos-Grunt trị giá 170 triệu USD của Nga đã lệch hướng ngay sau khi phóng, khiến giấc mộng bay tới sao Hỏa của người Nga thêm một lần bên bờ vực sụp đổ.
Tàu thăm dò Phobos-Grunt được phóng lên mặt trăng Phobos của Sao Hỏa để lấy khoảng 200 gram đất mang về phục vụ nghiên cứu lúc 3h16 sáng nay (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, không lâu sau khi rời khỏi mặt đất, con tàu đã đi chệch hướng bởi những trục trặc kĩ thuật.
Tàu thăm dò sao Hỏa Phobos-Grunt. |
Người đứng đầu cơ quan hàng không vũ trụ Nga Vladimir Popovkin cho biết: “Có vẻ như động cơ của con tàu đã không hoạt động, vì thế nó không thể xác định được hướng của các ngôi sao”. Động cơ không hoạt động có thể do lỗi của hệ thống lập trình. Các chuyên gia Nga có ba ngày để thiết lập lại lịch trình bay cho con tàu, trước khi hệ thống máy tính của con tàu ngừng hoạt động do hết pin.
Phobos-Grunt có trọng lượng 13,2 tấn, là chiếc tàu thăm dò hành tinh khác nặng nhất từ trước tới nay được phóng lên quỹ đạo. Lượng nhiên liệu cũng được tính toán sao cho phù hợp nhất để con tàu có thể bay đến làm nhiệm vụ ở mặt trăng Phobos của sao Hỏa, sau đó quay trở lại trái đất.
Tàu thăm dò Phobos-Grunt được tên lửa đẩy Zenit-2 đưa lên quỹ đạo sáng hôm nay, sau lần trì hoãn hai năm trước. Kế hoạch phóng tàu hồi tháng 10/2009 đã buộc phải hoãn lại, bởi con tàu chưa sẵn sàng thực hiện xứ mệnh. Trước đó, hai tàu thăm dò khác cũng từng được phóng lên vào năm 1988 nhưng đều mất liên lạc.
Nếu sửa chữa thành công Phobos-Grunt, nó sẽ bay đến quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 9/2012 và hạ cánh xuống mặt trăng Phobos vào tháng 2 năm sau. Sau đó, nó sẽ mang khoảng 200 gram đất đá từ mặt trăng này và trở về trái đất vào tháng 8/2014. Các nhà khoa học hy vọng sẽ dựa vào đó để làm sáng tỏ những bí ẩn về hành tinh này, nhằm phục vụ cho tham vọng đưa người lên sao Hỏa của Nga.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng gửi kèm vệ tinh Yinghuo-1 để thăm dò sao Hỏa trên chuyến bay của tàu vũ trụ Nga. Dự kiến, nó sẽ được thả vào quỹ đạo sao Hỏa để quan sát hành tinh này. Đây cũng là vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc tiếp cận Hành tinh đỏ.
Hồng Duy
Theo Bưu điện Việt Nam