Tàu sân bay Trung Quốc trơ trọi giữa 'bầy sói'
Tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào sử dụng trong một khu vực mà ở đó đang có cả một trận địa tên lửa chống hạm chờ đợi.
Andrei Chang, một nhà phân tích quân sự gốc Hoa, Tổng biên tập tạp chí quốc phòng châu Á Khán Hòa đã có bài viết trình bày quan điểm của ông và sự lo lắng cho số phận của tàu sân bay Liêu Ninh khi hoạt động trên các vùng biển thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo ông, bất kỳ quốc gia nào, khi phát triển tàu sân bay, việc đầu tiên cần xem xét là các đối thủ tiềm tàng và các loại vũ khí tấn công hàng hải sẽ có trong thời gian tới.
Nhìn vào những đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc có thể thấy, Mỹ sẽ triển khai máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35C trên tàu sân bay thế hệ tiếp theo, dự kiến trong năm 2013. Cùng với đó, biến thể cất hạ cánh thẳng đứng F-35B đã được thử nghiệm trên tàu đổ bộ tấn công trong năm 2012.
Tàu sân bay Liêu Ninh cô độc, trơ trọi giữa bầy sói tên lửa chống hạm trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. |
Ấn Độ, một đối thủ tiềm tàng rất lớn của Trung Quốc, dự kiến sẽ nhận tiêm kích trên hạm MiG-29K và tàu sân bay INS Vikramaditya vào cuối năm 2013.
Nhật Bản, quốc gia được mệnh danh là “kẻ ngáng đường” của Trung Quốc đã bắt tay phát triển tàu sân bay trực thăng 22DDH tải trọng 29.000 tấn. Tàu sân bay trực thăng này có khả năng triển khai hoạt động biến thể F-35B.
Tại Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực này đã mua sắm và triển khai hoạt động các loại tên lửa chống tàu thế hệ mới và tàu ngầm tấn công hiện đại. Như vậy, bắt tay vào chương trình hoán cải tàu sân bay Varyag cũ thành Liêu Ninh, Trung Quốc đã tự đặt mình vào thế khó.
Hơn nữa, tàu sân bay Liêu Ninh đang hoạt động trong một khu vực có quá nhiều tên lửa chống hạm hiện đại. Mỹ và Nhật Bản đã giới thiệu gói tích hợp tên lửa chống hạm biến thể phóng trên không AGM-184 với tầm bắn vượt quá 280 km.
Ngoài ra, chương trình phát triển tên lửa chống hạm tầm xa LRASM dự kiến sẽ có thử nghiệm lần đầu vào năm 2013. LRASM có tầm bắn lên đến 800 km.
Vô hiệu hóa tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos phóng từ Su-30MKI là nhiệm vụ bất khả thi đối với tàu sân bay Liêu Ninh. |
Nếu tiến vào Ấn Độ Dương, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được “chào đón” bởi loại tên lửa chống hạm đáng sợ nhất thế giới PJ-10 BrahMos.
Với tầm bắn 290 km, tốc độ gấp 2,9 lần tốc độ âm thanh (3.200 km/h), đối phó với BrahMos là một nhiệm vụ “bất khả thi” không chỉ với Liêu Ninh mà còn đối với tất cả các loại tàu chiến khác.
Không dừng lại ở đó, Liêu Ninh còn được chào đón bởi một biến thể của BrahMos trang bị cho tiêm kích Su-30MKI với tầm bắn 300 km.
Su-30MKI được đánh giá là biến thể mạnh nhất của gia đình Su-30 với bán kính chiến đấu 1500 km cùng với tiêm kích trên hạm MiG-29K đủ sức bao phủ gần như toàn bộ Ấn Độ Dương.
Tiến ra Biển Đông, Liêu Ninh mặc dù gần nhà nhưng chẳng có được mấy lợi thế. Việt Nam đã được Nga bán cho tàu ngầm Kilo 636MV được trang bị tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm 3M-54 Club-S với tầm bắn 220 km, tốc độ pha cuối lên đến 2,8 lần tốc độ âm thanh (3.100 km/h).
Chưa hết, Liêu Ninh còn phải đối mặt với loại tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Yakhont phóng từ các bệ phóng di động trên đất liền với tầm bắn 300 km. Nếu có một cuộc chiến thực sự, tàu sân bay Liêu Ninh trở nên dễ bị tổn thương giữa trận địa tên lửa chống hạm của các nước trong khu vực.
Làm thế nào để vô hiệu hóa các mối đe dọa nói trên thực sự là một bài toán nan giải đối với Hải quân Trung Quốc. Trên tàu sân bay Liêu Ninh được trang bị khá nhiều hệ thống phòng thủ tầm gần nhưng đó không phải là đủ để đảm bảo an toàn cho tàu sân bay này.
Có quá nhiều mối đe dọa đang chờ đợi tàu sân bay Liêu Ninh từ trên không, trên biển, trên bờ đến dưới nước. |
Nhóm tàu hộ tống của Ấn Độ trong vòng 8 giây có thể phóng đi 24 tên lửa chống hạm loại 3M-54E1, một số lượng tên lửa mà không có một chiến hạm nào có thể đánh chặn được.
Đẩy thế trận phòng ngự ra xa được xem là giải pháp khả thi nhất trong việc bảo vệ tàu sân bay Liêu Ninh. Nhưng ngay cả với giải pháp này, lợi thế vẫn không thuộc về Trung Quốc.
quốc việt
Theo Infonet