Bức ảnh đăng trên Twitter của tàu thăm dò Perseverance cho thấy một tảng đá màu xanh được phát hiện trên Hỏa tinh. Tảng đá dài khoảng 15 cm, bề mặt còn dấu vết một số đường laser bắn ra từ Perseverance để phân tích.
“Vật thể này khiến các nhà khoa học đặt ra nhiều giả thuyết”, bài viết chia sẻ. Một số bình luận cho rằng tảng đá là kết quả của phong hóa, mảnh đất của Hỏa tinh vỡ ra sau vụ va chạm hoặc là thiên thạch.
Tảng đá kỳ lạ được tàu thăm dò Perseverance phát hiện trên Hỏa tinh. Ảnh: NASA. |
Tia laser là một phần trong hệ thống SuperCam trên tàu Perseverance. Thiết bị có thể bắn chùm tia laser đến mục tiêu cách xa tới 7 m. Mỗi chùm tia laser khiến một phần đá bốc khói, phục vụ phân tích thành phần bằng camera và máy quang phổ của SuperCam.
Các nhà khoa học cho rằng theo thời gian, tia laser sẽ cung cấp thêm thông tin về thành phần tảng đá, giúp phân tích nguồn gốc của nó.
Nếu không hình thành tại chỗ, có thể nước đã mang tảng đá này đến miệng núi lửa Jezero. Đây cũng có thể là một thiên thạch tương tự những gì tàu thăm dò Curiosity từng phát hiện năm 2014.
SuperCam có hoạt động đầu tiên trên Hỏa tinh vào ngày 2/3 khi bắn chùm laser vào vật thể có tên Máaz (tiếng Navajo mang nghĩa “Hỏa tinh”). Khu vực miệng núi lửa Jezero được các nhà khoa học gọi là Canyon de Chelly, theo tên đài tưởng niệm quốc gia Navajo đặt tại Arizona (Mỹ). Người Navajo cũng hợp tác với NASA để đặt tên cho những khu vực trên Hỏa tinh.
Theo Space, Perseverance là trọng tâm trong sứ mệnh khám phá Hỏa tinh 2020 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Thiết bị đáp xuống miệng núi lửa Jezero từ ngày 18/2 với mục tiêu tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại trên “hành tinh đỏ”. Các mẫu đất đá từ miệng núi lửa sẽ được thu thập để mang về Trái Đất trong tương lai.