Trao đổi với phóng viên ngày 30/12, doanh nhân người Thái Bình đang tự chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết vẫn đang hoàn thiện những bước cuối cùng về con tàu.
Trước đó, theo dự tính, ngày 1/1/2014, doanh nhân này sẽ hoàn thành và đưa con tàu vào bể nước để thử nghiệm hoạt động của động cơ, hay hệ thống không khí tuần hoàn AIP… tuy nhiên, cho đến ngày 30/12, ông Hòa buộc phải lùi ngày thử nghiệm thêm một vài hôm.
Nguyên nhân được ông Hòa chia sẻ: “Cho đến sáng 29/12, tôi mới nhận được hệ thống radar quét ngang cho tàu ngầm đặt mua của nước ngoài. Tôi là kỹ sư cơ khí, tôi có thể chế tạo được máy móc, động cơ, nhưng không thể chế tạo được thiết bị điện tử, do đó buộc phải nhập từ nước ngoài”.
Hình ảnh mới nhất phía sau của tàu ngầm mini Trường Sa (Ảnh do ông Nguyễn Quốc Hòa cung cấp). |
“Ngoài ra, do sự ủng hộ của một số nhà nghiên cứu và kiều bào, tôi đã có trong tay hệ thống sonar thủy âm. Tuy nhiên, khi nhận được hệ thống này thì lại phát sinh vấn đề là trong khoang tàu đã quá chật chội, tôi đang tính toán để có chỗ cho sonar”, ông Hòa cho biết thêm.
Chia sẻ về tính năng của radar quét ngang, ông Hòa nhận định: “Khi hoạt động dưới nước, không có radar thì không thể nhìn được phía trước mặt mình có những gì, không phải như cái ô tô có kính đằng trước và bật đèn lên sẽ thấy. Do đó, đây là một thiết bị tối quan trọng”.
Về sonar thủy âm, với hệ thống này ông Hòa có thể liên lạc được từ tàu Trường Sa với các tàu khác, ngoài ra có thể liên lạc được từ dưới nước tới trên bờ.
Ngoài ra, ông Hòa cũng đang cải tiến chiếc kính tiềm vọng của tàu Trường Sa từ loại kính quan sát thường thành kính tiềm vọng điện tử. Với kính tiềm vọng điện tử, cho phép tàu của ông quan sát xa gần tốt hơn, và có thể quay lại hình ảnh.
Tàu ngầm Trường Sa đã có thêm những cải tiến mới so với thời điểm trước đây vài tháng (Ảnh do ông Nguyễn Quốc Hòa cung cấp). |
Theo hình ảnh mới nhất về con tàu, phần thân tàu có thêm bốn ống hình trụ. Ông Hòa cho biết, đây là những ống phục vụ cho hệ thống không khí tuần hoàn AIP. Ngoài ra, những tàu ngầm từ loại chiến đấu cho đến dân sự đều sẽ có những chi tiết bên ngoài như vậy, tuy nhiên khi thành thành phẩm, nhà sản xuất có một lớp vỏ để che đậy những phụ kiện thiếu đẹp mắt này đi.
Theo lời của ông Hòa, hệ thống điện phục vụ vào việc chiếu sáng trong khoang, hoạt động của các thiết bị điện tử được cung cấp bằng một ắc-quy, có khả năng hoạt động liên tiếp trong 4 ngày.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Tôi đang cố gắng hết sức để hoàn thiện con tàu. Dịp cuối năm, công ty vẫn phải vất vả với những hợp đồng kinh tế, và phải đảm bảo được kinh tế thì mới có thể tiếp tục nghiên cứu tàu ngầm. Nhưng chắc chắn chỉ một vài hôm nữa, Trường Sa sẽ hoàn thiện và đưa vào bể thử nghiệm dưới nước”.
Ông Nguyễn Quốc Hòa (thứ hai từ phải sang) chụp hình lưu niệm cùng một số nhà nghiên cứu. (Ảnh do nhân vật cung cấp). |