Chia sẻ với Zing.vn tối 22/6, kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa (giám đốc công ty cơ khí Quốc Hòa, TP. Thái Bình), người đang chế tạo chiếc tàu ngầm Trường Sa, cho biết, ngay sau khi gặp tai nạn đáng tiếc trong cuộc thử nghiệm lần đầu tiên trên biển vào cuối tháng 5 vừa qua, tàu đang được gấp rút sửa chữa để chuẩn bị thực hành lần tới.
Kỹ sư Hòa chia sẻ, qua lần thử nghiệm trước, ông đã phát hiện được một số lỗi kỹ thuật còn tồn tại như chiều hướng lái, thông tin liên lạc... Những hạn chế này đã được khắc phục, nâng cấp hiện đại.
Lâu nay, tàu vận hành bởi hệ thống máy phiên bản 1.0 với các tính năng cơ bản. Trong đợt sửa chữa này, kỹ sư Hòa đã tiến hành nâng cấp đời máy lên thành phiên bản 2.0.
Cha đẻ tàu ngầm Trường Sa khẳng định, 2.0 là phiên bản hoàn thiện hơn, tàu sẽ đủ sức cản lướt mọi lực tác động bên ngoài và vận hành theo ý muốn của người điều khiển.
Tàu ngầm Trường Sa đã được nâng cấp phiên bản thiết kế đời máy theo hướng hiện đại hơn. |
"Trước đó, trong cuộc thử nghiệm trên biển lần đầu, tàu đã gặp tai nạn đáng tiếc, hệ thống vận hành hư hỏng rất nghiêm trọng”, kỹ sư Hòa nói. Trải qua hơn nửa tháng sửa chữa, tàu ngầm Trường Sa đã khắc phục hơn 90%. Nhiều bộ phận, thiết bị đơn giản cũng đã được thay thế bằng các ứng dụng hiện đại hơn.
“Căn nhà đã được xây dựng xong phần khung. Công việc lúc này là trang trí bên trong cho gọn gàng, đẹp mắt”, kỹ sư Hòa ví von về tiến độ sửa chữa tàu ngầm Trường Sa.
Cha đẻ tàu ngầm Trường Sa cho biết, ít ngày trước, ông đã vinh dự được đón đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ về thăm và nắm bắt quá trình tu sửa tàu ngầm Trường Sa. Theo ông, các cơ quan chức năng đều đánh giá cao cơ chế vận hành của tàu, đặc biệt là phiên bản đời máy hiện nay. Người đứng đầu doanh nghiệp Quốc Hòa cũng thừa nhận, ông đã mắc sai lầm và chủ quan trong cuộc thử nghiệm trước khiến tàu bị hư hỏng nặng.
“Chắc chắn lần thử nghiệm tới sẽ không để xảy ra tai nạn đáng tiếc như vậy nữa. Hoặc, tai nạn xảy ra cũng sẽ không gây thiệt hại nặng”, kỹ sư Hòa khẳng định.
Về thời gian và địa điểm tiến hành cuộc thử nghiệm tới, ông cho hay điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Trong lần thực hành tới, kỹ sư Hòa sẽ vận hành tàu tập lặn xuống đáy biển.