Sáng 14/3, Nguyễn Kim Ánh (14 tuổi, ở phường 8, Cà Mau), nạn nhân vụ tai nạn trò chơi tàu lượn ở Nhà thiếu nhi, được chuyển sang khoa Dịch vụ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị.
Còn Branyn (10 tuổi, Việt kiều Australia) được gia đình chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng, gãy xương đòn, xương vai, xương sườn số 6 và dập phổi.
"Branyn đã tỉnh nhưng đau nhức toàn thân, không tự ngồi được", ông Tâm - cậu của nạn nhân nói.
Ánh đang điều trị tại Bệnh viện Cà Mau. Ảnh: CTV |
Chị Dương Thị Huệ (35 tuổi, mẹ Ánh) cho biết, Branyn về Việt Nam được khoảng hai tháng và 3 ngày nữa cậu bé về Australia thì xảy ra chuyện.
Theo chị Huệ, trước khi tai nạn xảy ra, Ánh cùng Branyn đi chơi tại Nhà thiếu nhi. Không có người lớn đi theo nên tai nạn xảy ra, các cháu được người dân đưa vào viện cấp cứu.
Nằm trên giường bệnh, cháu Ánh cho hay, trước khi xảy ra sự cố, tàu lượn không có điều gì bất thường. "Chạy được 4 vòng, toa tàu rơi xuống đất. Cháu thấy Branyn hoảng loạn, kêu khóc dữ dội. Cháu cũng khóc vì người bị trầy xước, chảy nhiều máu", Ánh chia sẻ.
Một nhân viên tàu lượn cho hay, sự việc xảy ra quá nhanh khiến người điều khiển trò chơi không kịp trở tay.
Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Công ty Đăng Khoa (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết, đã cử nhân viên đến thăm các cháu gặp nạn. Theo ông Huy, công ty đã lắp ráp hơn 40 bộ trò chơi tàu lượn tại Việt Nam, tất cả đều được ngành chức năng kiểm định tính an toàn cao.
Theo ông Huy, sự cố xảy ra tại Nhà thiếu nhi Cà Mau là do trước đó toa tàu "có vấn đề", nhưng nhân viên kỹ thuật không sửa chữa đúng quy trình. Ông đang yêu cầu thay mới các toa tàu nhưng chưa kịp làm thì xảy ra sự việc.
Trong khi đó, ông Huỳnh Chí Dũng - Giám đốc Nhà thiếu nhi Cà Mau - cho biết, tháng 2/2015, công ty Đăng Khoa có báo cáo giám sát kỹ thuật khẳng định, trò chơi tàu lượn đủ tính an toàn, đảm bảo đến ngày 10/2/2017.
"Chúng tôi yêu cầu Công ty Đăng Khoa kiểm tra lại lần nữa để đảm bảo an toàn", ông Dũng nói.