Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu đổ bộ đệm khí - vũ khí khó lường của Trung Quốc

Bổ sung mới nhất cho kho vũ khí của Trung Quốc là chiếc tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) lớn nhất thế giới thuộc lớp “Zubr” do Ukraine sản xuất (còn được gọi là “Bò rừng châu Âu”).

Tàu đổ bộ đệm khí - vũ khí khó lường của Trung Quốc

Bổ sung mới nhất cho kho vũ khí của Trung Quốc là chiếc tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) lớn nhất thế giới thuộc lớp “Zubr” do Ukraine sản xuất (còn được gọi là “Bò rừng châu Âu”).

Đây là một phần hợp đồng trị giá 315 triệu USD được ký kết giữa Bộ Quốc phòng Trung Quốc và tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukroboronprom của Ukraine vào năm 2009.

Theo thỏa thuận, hai chiếc LCAC đầu tiên sẽ do công ty cổ phần đóng tàu tại Feodosia của Ukraine đóng, và hai chiếc tiếp theo sẽ được đóng tại Trung Quốc dưới sự giám sát của các kỹ sư Ukraine.

Được bàn giao cho hải quân Trung Quốc vào tháng trước tại một buổi lễ long trọng, chiếc “Zubr” đầu tiên đã đến cảng Quảng Châu vào ngày 24/5, theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Chiếc thứ 2 hiện đang được đóng tại Feodosia.

 Tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr - Ảnh: Naval-technology.com.

Sau khi được lắp đặt thiết bị điện tử bổ sung và trang bị hệ thống vũ khí tại công ty đóng tàu Quảng Châu - Hoàng Phố, “Bò rừng châu Âu” sẽ sớm được biên chế.

Với lượng giãn nước 555 tấn, “Zubr” sẽ là một yếu tố chủ lực có khả năng xoay chuyển cục diện trong các chiến dịch đổ bộ tại khu vực. Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, “Zubr” có thể đạt đến tốc độ 60 knot (1 knot = 1 hải lý/h) với tầm hoạt động 380 hải lý, và có thể hoạt động trên biển 5 ngày liên tục mà không cần tiếp tế.

Với khả năng vận chuyển khối lượng khoảng 150 tấn, nhiều gấp đôi so với các LCAC thuộc biên chế của quân đội Mỹ và Nhật, “Zubr” có khả năng chở theo 3 xe tăng chiến đấu chủ lực, hoặc 10 xe thiết giáp, hoặc 8 thiết vận xa cộng thêm 140 lính thủy. 

Ngoài ra, "Zubr" còn được trang bị hỏa lực tận răng với hai dàn phóng tên lửa tự động MS-227 cỡ 140 mm, hai khẩu pháo cận chiến tự động AK-630 cỡ 30 mm, hệ thống phòng không Igla-1M và khả năng rải thủy lôi (từ 20 đến 80 quả tùy thuộc vào nhiệm vụ tác chiến).

Với hỏa lực mạnh và “biến hóa khôn lường” như vậy, bên cạnh khả năng vận chuyển lính đổ bộ cũng như khí tài xâm nhập bờ biển, “Zubr” còn có thể yểm trợ hỏa lực trong suốt chiến dịch hoạt động trên bờ. 

Trong khi các nhà phân tích quân sự cho rằng các LCAC có thể đóng vai trò quan trọng trong những chiến dịch đổ bộ vào các đảo ngoại biên của Đài Loan như Kim Môn và Mã Tổ thì mối quan tâm trước mắt của Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ là Biển Đông, vì đây là khu vực mà nước này đang có những tranh chấp khác nhau với các nước Đông Nam Á, theo tờ The Diplomat.

Hiện vẫn chưa rõ liệu hải quân Trung Quốc sẽ biên chế cả 4 chiếc LCAC vào hạm đội Nam Hải hoặc có dự định mua hoặc đóng thêm hay không. Nhưng chắc chắn Biển Đông sẽ là nơi mà các “Bò rừng Zubr" được dự kiến sẽ sử dụng trong tương lai.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm