New Zealand đã điều động 2 tàu hải quân chở hàng cứu trợ. Bộ trưởng Quốc phòng Peeni Henare cho biết họ dự kiến đến Tonga sớm nhất ngày 21/1 nếu thời tiết ổn định, theo Guardian.
Chính phủ New Zealand chiều 19/1 cũng xác nhận rằng không có thêm trường hợp tử vong nào được báo cáo, kể từ khi chính phủ Tonga hôm 18/1 thông báo về 3 người thiệt mạng.
Sophie Ford, điều phối viên ứng phó quốc tế của Hội Chữ thập đỏ Australia, cho biết tổ chức này nằm trong liên minh các nhóm viện trợ nhu cầu thiết yếu đến Tonga. Một con tàu dự kiến rời Australia trong ngày 19/1.
Tàu HMAS Adelaide đã rời Sydney đến Brisbane vào ngày 18/1 và sẽ khởi hành đến Tonga trong ngày 19/1. Các viện trợ chủ yếu bao gồm nơi trú ẩn tạm thời và nước uống sạch, do nguồn nước ở Tonga bị ô nhiễm nặng vì bụi từ vụ phun trào núi lửa.
Tàu HMAS Adelaide của Australia rời Sydney đến Brisbane để chuẩn bị cứu trợ cho Tonga. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, bà Ford cho biết hạn chế về Covid-19 có thể khiến các đội viện trợ phải cách ly trong tối đa 3 tuần và hàng hóa phải được kiểm dịch trong nhiều ngày.
Curtis Tuihalangingie, một nhà ngoại giao cấp cao của Tonga ở Canberra, nói với ABC rằng có những lo ngại về "một cơn sóng thần Covid-19 tấn công Tonga" khi hoạt động cứu trợ nhân đạo đến nước này.
Tonga đến nay chỉ báo cáo một trường hợp Covid-19 trong suốt đại dịch. Quốc đảo này đã duy trì chiến lược kiểm dịch nghiêm ngặt và thận trọng.
Bà Ford cho biết Hội Chữ Thập Đỏ Australia sẽ làm việc từ xa để hỗ trợ hoạt động của Hội Chữ Thập Đỏ Tonga tại địa phương.