Chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh 2017 do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VP Bank, cho rằng ngân hàng (NH) là một trong những ngành đã rút ngắn được sự khác biệt với thị trường quốc tế.
Cũng theo ông Vinh, ngành NH cũng như nhiều ngành nghề khác, không thể đi ngược quy luật kinh tế và sự phát triển chung của xã hội, tức là cũng chịu tác động sâu sắc từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Kinh doanh rủi ro thì phải chấp nhận rủi ro
CEO này cho rằng làm NH nhiều năm nhưng vẫn thấy bất ngờ với sự thay đổi của ngành trong 20 năm qua.
Ông Nguyễn Đức Vinh: Đi qua những thăng trầm của nền kinh tế, không có NH nào không có vết thương. Ảnh: DN |
"Thời điểm này, có thể chúng ta hàng ngày nghe những tin không được tốt lành lắm về ngành NH. Nhưng là người trong cuộc, gần 20 năm gắn với ngành, tôi thấy đây là ngành đã rút ngắn sự khác biệt giữa Việt Nam với quốc tế rất nhiều nếu so với nhiều lĩnh vực khác.
Tôi nghĩ đó là thành công. Thành công của cả những nhà hoạch định chính sách, của các nhà băng”, ông Vinh khẳng định.
Chia sẻ về câu chuyện quản trị rủi ro, ông Vinh nói cũng như tất cả các nhà băng khác, NH nơi ông điều hành trải qua rất nhiều những thăng trầm của nền kinh tế, đặc biệt là qua các cuộc khủng hoảng.
Và sau khủng hoàng, các NH Việt đều bước ra với những vết thương, không có NH nào là không có vết thương cả. Nhưng bài học lớn mà các NH đã học được chính là cách chữa vết thương, tức tìm ra con đường phát triển riêng.
Thực tế, kinh doanh NH chính là kinh doanh rủi ro. Ông Vinh cho rằng ngành nào cũng có rủi ro nhưng NH rủi ro nhất. Doanh nghiệp kinh doanh rủi ro thì phải chấp nhận rủi ro. Vấn đề là tổ chức hệ thống để phát hiện, phân tích, đánh giá, xử lý rủi ro. Và việc quản lý rủi ro luôn nóng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Ông Vinh cũng nói sẽ phải vừa làm vừa sửa. Làm chắc chắn có sai, nhưng phải sai ít và đúng nhiều hơn, thì mới có lãi.
Các NH ở Việt Nam có chiến lược na ná nhau, nhưng cách triển khai khác nhau và thành công khác nhau. |
“Tôi rất vui khi 10 năm nay, nợ xấu là từ được sử dụng có lẽ nhiều nhất trên Google. Thực ra, bản thân từ nợ xấu không phải là sản phẩm riêng có của ngàng NH. Nợ xấu là con đẻ của nền kinh tế. Nếu chúng ta nhìn như vậy thì việc quản trị rủi ro sẽ được nhìn ở khía cạnh tích cực hơn", ông Vinh nói.
Với kinh nghiệm điều hành của mình, CEO này cho rằng nhà băng phải xác định phát triển theo phân khúc nào, phải chọn đúng lĩnh vực đang nằm trong nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Khi xác định được mục tiêu thì tập trung, kiên trì thực hiện, không làm những việc khác.
Các NH ở Việt Nam thực tế có chiến lược gần na ná nhau. Nhưng mỗi nơi có cách triển khai khác nhau và thành công khác nhau.
Trí thông minh nhân tạo sẽ là tương lai của ngân hàng
Nói về định hướng cốt lõi của ngành NH trong tương lai, ông Vinh cho rằng thách thức lớn nhất mà ngành phải đối mặt trong thời gian tới là thích ứng với sự thay đổi quá nhanh của công nghệ.
Những thách thức trong quá khứ đến từ quy định, chính sách dù quan trọng, nhưng sẽ không làm các nhà băng "đau đầu" bằng công nghệ và những thay đổi trong cách thức kinh doanh hiện nay.
Và trong tương lai, công nghệ sẽ làm thay đổi ngành này.
Thay đổi đầu tiên có thể các NH phải tính toán, đó là liệu ngành có còn cho vay theo kiểu truyền thống hay không, dù mục đích vẫn là phục vụ.
Khi đó, khái niệm khách hàng cũng thay đổi.
"Hiện nay doanh nghiệp thường nói rằng mình có số lượng 5 triệu khách hàng, 10 triệu khách hàng, 30 triệu khách hàng... Tôi cho rằng trong tương lai những khái niệm đó sẽ ít ý nghĩa ít đi.
Thực ra hiện nay, khách hàng là khách hàng của chung. Khách hàng chỉ có giá trị khi có ai đó đưa đến cho họ giá trị. Như thế, giá trị cốt lõi của ngành NH cũng thay đổi, khi công nghệ làm thay các phần việc truyền thống của ngành này", ông Nguyễn Đức Vinh nói.