Bình Định nổi tiếng với nhiều làng cúc lâu đời như Vĩnh Liêm (phường Bình Định, thị xã An Nhơn), Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Bắc Hà Thanh (TP. Quy Nhơn)... Những làng cúc ở Bình Định tất bật vào mùa Tết. |
Làng cúc Bắc Hà Thanh bắt đầu hình thành khoảng 5 năm qua. Một làng cúc ven sông giữa thành phố trở thành điểm nhấn cho Quy Nhơn mỗi dịp xuân về. |
Trung tuần tháng 11 âm lịch, cúc đơm nụ, các nhà vườn dặm cây con, cắm cọc tre sửa cây để chậu cúc đầy đặn, chỉnh sửa hoàn thiện, để cây phát triển và nở hoa đúng Tết. |
Cúc trải qua nhiều gia đoạn phát triển, quan trong là những giai đoạn bước ngoặt, cần chế độ chăm sóc hợp lý. Từ khi trồng đến 1 tuần tuổi là lúc bắt đầu vô nước, vô phân chăm sóc; 20 ngày tuổi bấm ngọn, chong đèn. |
Trước khi cúc đơm nụ, để cúc phát triển, các nhà vườn thắp đèn nguyên đêm. “Thắp đèn để cây cúc thức suốt giúp cây nhanh phát triển, vươn cao, thân thẳng. Đến ngày cúc đơm nụ, tháo đèn để cúc ngủ lấy sức làm bông”, anh Cáp Văn Tân (47 tuổi, chủ một nhà vườn trồng cúc ở Nhơn Hưng, TX An Nhơn) chia sẻ. |
Anh Cáp Văn Tân là công nhân Công ty cổ phần xây lắp An Nhơn, 7 năm làm nghề trồng cúc, tay ngang nhưng rất am tường về cúc... Vào dịp Tết, vợ chồng anh trồng cúc kiếm thêm thu nhập. Anh Tân cho hay, không gieo hạt như trước đây, các nhà vườn trồng cúc hiện nay đều lấy phôi cây giống từ Đà Lạt về trồng. Chậu trung bình trồng 40 cây giống, chậu lớn trồng 200 cây giống. |
Thời gian chong đèn kéo dài đến tuần thứ 7, thứ 8 thì tháo đèn để cúc đơm nụ. Việc thắp đèn nhằm giúp cây phát triển nhanh, hướng thẳng... |
“300 chậu cúc đang vào giai đoạn chăm sóc cuối cùng. Hai vợ chồng tôi thay nhau trên ruộng, chồng bận vợ làm, chồng làm vợ nghỉ. Mùa cúc trước, tôi cũng trồng từng này hoa, bán sỉ cho thương lái 160.000đ/chậu, trừ chi phí, thu lãi gần 50 triệu đồng.Trồng cúc là nghề phụ, phần lời lãi từ mùa hoa Tết giúp vợ chồng tôi có khoản tiền chi tiêu, lo cho con cái học hành”, anh Tân chia sẻ. |
Những phụ nữ trên đồng cúc. Công việc dặm hoa, chỉnh sửa chậu hoa đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn, rất hợp với chị em. Vườn cúc vào vụ Tết là thời điểm mà các nhà vườn thuê lượng lớn nhân công làm việc theo ngày. |
Làm dâu ở Vĩnh Liêm hơn 30 năm là chứng ấy thời gian bà Trần Thị Sáu (59 tuổi, quê Quảng Ngãi) có mặt hầu hết ở các ruộng cúc mùa cao điểm làm việc cho các nhà vườn. “Công việc chính của tôi là dặm hoa con vào chậu giúp bộ đế xanh rậm, mỗi ngày trừ ăn uống, tôi được trả 120.000 đồng. Mỗi mùa cúc, tôi được các nhà vườn thuê làm công từ đầu vụ tới cuối vụ, trung bình mỗi tháng kiếm được gần 3 triệu đồng. Số tiền này giúp tôi trang trải sinh hoạt gia đình”, bà Sáu cười nói. |
“20 ngày tuổi, tôi bấm ngọn để cúc nứt nhánh. Chậu cúc nhỏ trồng 40 cây, ngắt ngọn thành 80 cây, chậu lớn 200 cây, ngắt ngọn thành 400 cây. Nhờ đó, cây cúc dày đều trong mỗi chậu. Ngắt ngọn không phải là điều bắt buộc nhưng nông dân lấy gốc làm lãi, thay vì bỏ ra 80 cây giống, chúng tôi bỏ công ngắt ngọn cũng có số lượng trên. Chăm sóc vất vả hơn, bù lại chi phí đỡ tốn”, ông Nguyễn Hữu Phước (70 tuổi), một nhà vườn ở Vĩnh Liêm chia sẻ. Năm nay, ông Phước trồng 500 chậu cúc, gia đình ông có 3 người luân phiên nhau trên đồng, không mướn nhân công. |
Một trong những chủ vườn lớn ở Vĩnh Liêm là ông Bùi Bá Lộc (60 tuổi) với vườn cúc 1.000 chậu, trong đó ông trồng 500 chậu đại đóa, 500 chậu cúc pha lê. “Những ngày này, tôi phải thuê thêm người về dặm hoa, sửa hoa cho kịp Tết. Cúc chơi xuân nên tôi chọn trồng cúc pha lê và đại đóa, những giống cúc nở to, vàng óng hợp thị hiếu người dùng. Mùa cúc năm nay, vợ chồng bỏ ra cũng hơn 100 triệu đồng tiền đất, phân, giống... chưa kể tiền công thuê người dặm, sửa 150.000 đ/người/ ngày. Giai đoạn đơm bông quan trọng, tôi thuê 10 người làm trong 1 tháng. Năm ngoái, tôi trồng 1.500 chậu, do mưa lũ nên hư hại khoảng 30%, may mắn bán bù vốn. Năm nay, thời thiết đỏng đảnh nhưng công việc tiến triển tốt, hy vọng mùa cúc năm nay tốt hơn”, ông Lộc nói. Quả ngọt từ vườn cúc của vợ chồng ông là khoản thu nuôi 2 người con ăn học đại học. “Con gái ra trường có việc làm và lập gia đình; con trai làm việc được 2 năm. Năm sau, vợ chồng tôi vào Sài Gòn coi mắt con dâu tương lai. Ráng hết mùa cúc này, mùa sau vợ chồng tôi làm ít lại, coi như giữ chút mùa xuân chứ không lăn xả như mấy năm qua. Con cái ổn định, vợ chồng già làm có cái dưỡng già là được”, vợ ông Lộc nói. |
Ông Lộc đang di chuyển những chậu cúc đại đóa vừa hoàn thiện vào vườn. Thay vì dùng sức người và xe rùa, vườn cúc 1.000 chậu của ông Lộc được vận chuyển bằng xe đẩy tự chế, giúp bớt sức nặng, hiệu quả cao. “Vườn có hai loại chậu, chậu trung bình bán với giá 350.000đ chậu, chậu lớn bán với giá 700.000đ/chậu. Để tiện di chuyển, tôi mua dụng cụ chế 2 chiếc xe đẩy với giá 2 triệu đồng/chiếc”, ông Lộc nói. |
Tre được vót thành những cọc nhỏ, cắm quanh chậu cúc để giữ cho cúc thẳng, không bị gãy cành. Việc cắm tre được làm hoàn toàn thủ công. |
Các nhà vườn ở Bình Định chủ yếu trồng cúc pha lê, cúc đại đóa. “Cúc chậu nhỏ bán giá lẻ 300.000đ/chậu, chậu lớn 700.000đ/chậu. Nhưng nhà vườn ở đây đều bỏ sỉ 160.000đ/chậu nhỏ, 500.000 đ/chậu lớn”, anh Lê Thoại Tân, chủ một nhà vườn ở Bắc Hà Thanh cho hay. |
Bàn xoay, một sáng tạo mới của người trồng cúc. “Nhờ bàn xoay, thay vì đi vòng chăm cúc như mọi năm, mọi người tiết kiệm được thời gian khi làm việc. Trước đây, cắm một chậu cúc mất 30 phút, nay có bàn xoay, thời gian chỉ còn môt nửa”, anh Lê Hữu Khánh, chủ một nhà vườn ở thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) chia sẻ. |