Tối 19/3, ông Trương Đức Quang (57 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) mâu thuẫn với bà Nguyễn Thị Tuyên (58 tuổi) và 5 người trong gia đình bà Tuyên. Sau đó, ông Quang vào nhà lấy 2 ca axit tạt vào những người đứng ven đường.
Vụ việc khiến 7 người bị bỏng, trong đó ông T.Đ.Q. (62 tuổi) và bé Đ.A.M. (3 tuổi) đang phải cấp cứu tại Hà Nội. Với hành vi này, người đàn ông 57 tuổi có thể đối diện hình phạt nào?
Ngôi nhà của ông Quang, nơi được xác định có xảy ra sự tranh chấp. Ảnh: Quốc Nam. |
Theo dõi sự việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) nhìn nhận hành vi của ông Quang đã gây thương tích cho nhiều người và có dấu hiệu tội phạm hình sự. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi cũng như ý thức của người đàn ông này khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy người đàn ông này biết rõ chất lỏng là axit, biết rõ đặc tính của axit là có thể gây ra những tổn thương cho cơ thể con người nhưng vẫn cố ý thực hiện, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra là làm người khác bị bỏng axit thì hành vi này có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp này, do hành vi gây ra hậu quả khiến 7 người bị thương, nhiều người bị thương tích nghiêm trọng, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án hình sự mà không cần đề nghị của người bị hại, căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
"Khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, nhiều ý kiến cho rằng hành vi sử dụng axit để tạt vào người khác có thể xử lý về tội Giết người. Tuy nhiên, cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để xử lý về tội Giết người rất khó bởi tính chất nguy hiểm của axit chỉ có thể gây ra thương tích cho nạn nhân. Trường hợp sử dụng bằng những cách thức nguy hiểm như dìm người trong axit hoặc có những phương thức, thủ đoạn có thể dẫn đến chết người thì mới xử lý về tội Giết người", ông Cường phân tích.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc Công ty Luật HILAP) cho rằng hành vi của ông Quang có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích.
Phân tích về các yếu tố cấu thành tội danh này, ông Thái cho biết người thực hiện hành vi sẽ bị xác định phạm tội nếu hành vi này là trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, tác động đến thân thể của người khác; để lại thương tích, gây suy giảm sức khỏe cho nạn nhân.
Do đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả là dấu hiệu chính để định tội. Cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự nếu gây thương tật ít nhất 11% cho từ một người trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp phạm tội nguy hiểm quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp này, ông Thái cho rằng tổng tỷ lệ thương tật của 7 nạn nhân sẽ là yếu tố quyết định đến việc áp dụng tình tiết định khung đối với người phạm tội. Nếu tổng tỷ lệ thương tật của nạn nhân trong khoảng 11-30%, mức phạt áp dụng là 2-6 năm tù; trường hợp ở mức 31-60% thì hình phạt sẽ là 5-10 năm tù còn nếu thương tật từ 61 % trở lên, mức án tối đa sẽ là 14 năm tù.
Tổng tỷ lệ thương tật sẽ quyết định tình tiết định khung, còn tỷ lệ thương tích của mỗi nạn nhân khác nhau sẽ là căn cứ để tính thiệt hại, làm cơ sở để buộc người phạm tội phải bồi thường cho nạn nhân theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.