Ngay khi có thể, bạn nên chủ động chọn thứ mình sẽ dành thời gian và sự tập trung. Sau mấy năm qua nghiên cứu về sự tập trung và mục tiêu, tôi đã đề ra vài cách thức để định ra mục tiêu hàng ngày. Sau đây là ba cách tôi thích nhất.
Nguyên tắc 3
Đầu tiên xin giới thiệu qua Nguyên tắc 3: vào đầu ngày, hãy chọn ra ba việc bạn muốn hoàn thành vào cuối ngày hôm đó. Bạn dùng danh sách việc cần làm cho những việc lặt vặt, còn ba mục tiêu này dành cho việc quan trọng nhất trong ngày.
Tôi đã bắt đầu ngày mới như thế này mỗi ngày, được nhiều năm trời, kể từ khi học được từ J.D. Meier, giám đốc chuyển đổi số của Microsoft. Nguyên tắc 3 là một mánh lới đơn giản.
Bằng việc buộc mình chỉ chọn ra ba mục tiêu chính mỗi ngày, bạn sẽ hoàn thành được nhiều hơn thế. Khi bạn chọn cái gì là quan trọng thì đồng thời đó cũng sẽ biết cái gì không quan trọng - nói cách khác, nguyên tắc này ép bạn phải xác định được cái thực sự quan trọng với mình. Nhưng đồng thời nó cũng khá linh hoạt đối với hoàn cảnh mỗi ngày.
Luôn đặt ra mục tiêu khi bắt đầu tập trung. Ảnh: cuocsongdungnghia. |
Nếu ngày bạn phải họp hành nhiều thì có thể du di điều chỉnh, còn ngày bình thường thì bạn có thể đặt ba mục tiêu quan trọng và ít khẩn cấp hơn. Khi có công việc hay dự án bất ngờ phát sinh, bạn có thể cân nhắc lại các mục tiêu đã đề ra. Vì ba mục tiêu này vừa đủ cho không gian chú ý nên bạn có thể dễ dàng nhớ chúng.
Hãy viết ra và đặt ba mục tiêu ở nơi dễ thấy nhất - tôi thường viết chúng lên tấm bảng trong văn phòng, hoặc nếu đang đi công tác thì tôi cho chúng lên hàng đầu danh sách việc làm trong ngày đã được đồng bộ hóa trên các thiết bị điện tử.
Và nếu bạn cũng như tôi, bạn sẽ muốn lập thêm ba mục tiêu cho tuần, hay ba mục tiêu cá nhân hàng ngày nữa - như không làm việc khi ăn tối, đến phòng tập trước khi về nhà, hoặc gom hóa đơn chờ thanh toán.
Những việc đem lại nhiều thành quả nhất
Cách thức xác định mục tiêu thứ hai mà tôi hay làm là xem trong danh sách công việc hàng ngày những việc nào đem lại nhiều thành quả nhất.
Nếu bạn có thói quen ghi danh sách việc cần làm (mà tôi khuyên bạn nên như thế, hiệu quả của nó thì tôi sẽ nói sau), hãy làm thêm một danh sách nữa để đánh giá kết quả của từng việc - cả trước mắt lẫn lâu dài. Việc quan trọng nhất trong danh sách của bạn sẽ là việc đem lại thành quả tích cực to lớn nhất.
Dành thời gian làm mỗi việc trong danh sách đó sẽ tạo nên khác biệt gì cho thế giới - hay cho công việc hoặc cuộc sống của bạn? Việc gì sẽ có khả năng tạo nên hiệu ứng dây chuyền giúp bạn hoàn thành lượng lớn công việc?
Một cách khác: Để quyết định làm công việc gì, thay vì chỉ xem xét đến kết quả ban đầu, bạn nên quan tâm đến cả những gì xảy đến tiếp sau đó nữa. Ví dụ bạn phân vân không biết có nên mua bánh ngọt không. Nếu mua, bạn sẽ thỏa mãn được cái miệng của mình; nhưng các hậu quả theo sau có thể không vui chút nào - nào là bụng bạn sẽ ậm ạch cả buổi, bạn sẽ tăng cân, và công sức ăn kiêng của bạn hóa thành công cốc.
Ý tưởng này rất đáng để nghiên cứu, nhất là vì những việc quan trọng lại thường không có vẻ cấp thiết hay hiệu quả cho lắm. Soạn bản hướng dẫn cho nhân viên mới có vẻ, ngay lúc đó, không giá trị bằng trả lời cả tá thư điện tử, nhưng nếu bản hướng dẫn giúp nhân viên mới sớm hòa nhập, khiến họ cảm thấy được chào đón và đạt được hiệu quả hơn trong công việc, thì nó rõ ràng là thành quả lớn nhất của bạn rồi đó.
Một việc khác cũng đem lại thành quả là tự động hóa một công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, để bạn có thể thoát hẳn ra và tập trung vào chuyện khác.
Lập danh sách những việc cần làm tăng sức mạnh tập trung. Ảnh: Fastdo. |
Chuông báo thức mỗi giờ
Lập ra ba mục tiêu mỗi ngày và ưu tiên cho những công việc đem lại nhiều thành quả nhất là cách tốt để bạn sống có mục đích hơn mỗi ngày, mỗi tuần. Nhưng có gì bảo đảm hành động của bạn luôn có chủ đích?
Sự hiệu quả của chúng ta luôn bị thử thách đến từng giây từng phút. Dù mục tiêu có là trời bể gì đi nữa thì cuối cùng cũng chỉ vào sọt rác thôi nếu trong suốt cả ngày, bạn không hành động để hoàn thành chúng.
Để đảm bảo vẫn đang theo đuổi mục tiêu đã đề ra, tôi thường xuyên kiểm tra không gian chú ý - để biết mình vẫn chú tâm vào những vấn đề quan trọng và đem lại thành quả, hay đã trượt vào trạng thái máy móc vô thức. Và để làm điều đó, tôi đặt chuông báo mỗi giờ.
Chìa khóa của Siêu tập trung chính là bạn đừng nên quá khắt khe dằn vặt mình khi nhận thấy tâm trí đang trôi nổi hay đang làm một cái gì đó kỳ quặc. Tâm trí sẽ luôn vẩn vơ thôi, bạn hãy coi đó như một cơ hội để biết được mình đang cảm thấy ra sao, rồi định ra phương hướng phải làm gì tiếp tới.
Nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể dễ bắt được sự xao lãng của tâm trí hơn nếu tự thưởng cho chính mình. Kể cả bạn chỉ tránh được một hoặc hai lần xao lãng, và chỉ đặt ra một, hai mục tiêu mỗi ngày, như vậy cũng là tốt lắm rồi. Nếu bạn giống như tôi, tiếng chuông báo mỗi giờ ban đầu sẽ có thể cho thấy rằng bạn đang làm những việc không quan trọng hay không đem lại thành quả. Không sao cả - điều đó dễ hiểu thôi.