Hàng nghìn người đổ ra đường biểu tình ngay trong đêm tập phim phát hành nhằm bày tỏ sự tắc trách của nhà nước trong việc quản lý. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản chỉ thị thẩm vấn nhà sản xuất về nội dung chương trình và quá trình thực hiện tập phim. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi triệu tập cuộc họp khẩn thảo luận chuyên gia và thu thập thông tin từ bệnh viện.
Theo Kotaku, thậm chí thủ tướng Nhật Bản đương thời Hashimoto Ryutaro cũng bị cuốn vào vụ việc. Tất cả đều xuất phát từ một tập phim Pokemon "Dennō Senshi Porigon" được phát sóng ngày 16/12/1997.
"Dennō Senshi Porigon" là tập phim Pokemon bị cấm chiếu trên toàn thế giới. Ảnh: Pokemon. |
Cú shock Pokemon
Theo Wikipedia, "Dennō Senshi Porigon" (tạm dịch: "Chiến binh Điện tử Porigon") là tập phim thứ 38 trong mùa đầu tiên của loạt anime Pokémon. Tập phim chỉ phát sóng một lần duy nhất tại Nhật Bản trên 37 kênh truyền hình và được khoảng 4,6 triệu hộ gia đình theo dõi.
"Dennō Senshi Porigon" do Itani Kiyotaka đạo diễn và Takegami Junki soạn kịch bản. Trong tập này, Satoshi - nhân vật chính của bộ anime và những người bạn đi đến một Trung tâm Pokemon có thiết bị vận chuyển bóng Poke gặp sự cố.
Tiến sĩ Akihabara, người chế tạo ra cỗ máy kết luận lỗi này do virus máy tính gây ra. Ông nhận định chính nhóm tội phạm Rocket đứng đằng sau mọi chuyện, kêu gọi nhóm Satoshi cùng pokemon Porigon vào không gian ảo để ngăn chặn bọn họ.
Tiến sĩ Akihabara đưa nhóm bạn Satoshi vào không gian ảo nhờ con Porigon thứ hai của ông nhằm ngăn cản nhóm Rocket. Con Porigon này giao đấu trực diện với Porigon mà nhóm Rocket lấy trộm, trong khi nhóm Satoshi tập trung khắc phục sự cố.
Không may, y tá Joi vô tình nhờ các kỹ thuật viên cài đặt chương trình diệt virus vào hệ thống. Chương trình này tự động xem những thực thể sống bao gồm con người là virus và tìm cách tiêu diệt tất cả những ai đang có mặt bên trong. Pikachu đã dùng đòn 100.000 Volt đánh trả, gây ra vụ nổ có sức công phá mạnh đến nỗi đánh sập nhà của Tiến sĩ Akihabara.
Theo The New York Times, vào phút thứ 20 của tập phim, khi Pikachu tung đòn 100.000 Volt, gây ra vụ nổ lớn với nhiều ánh chớp xanh và đỏ. Mặc dù ánh sáng này từng xuất hiện trong phần tương tự của tập phim, nhưng hai kỹ xảo hoạt họa được sử dụng ngay thời điểm đó có tên "paka paka"và "flash" khiến cảnh phim bị phóng đại đến mức dữ dội.
Những luồng chớp nhấp nháy cực sáng, tần suất 12 Hz diễn ra trong khoảng bốn giây ở kích thước gần trọn màn hình, sau đó là hai giây toàn màn hình. "Paka paka" từng được sử dụng nhiều trong các tập phim Pokémon trước đó, thậm chí trong vài bộ anime truyền hình nổi tiếng khác như Voltron, Thủy thủ Mặt Trăng và Speed Racer.
Sự cố này về sau được giới truyền thông Nhật Bản gọi tắt là "Pokémon Shock" (Cú sốc Pokemon).
Chưa từng thấy trong lịch sử
Hậu quả, 685 người xem đã được đưa vào bệnh viện, trong đó có hai người phải tiếp tục nằm điều trị trong hai tuần. Các triệu chứng như mờ mắt, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn được báo cáo. Một số thậm chí co giật, mù đột ngột, nôn ra máu và mất hẳn ý thức.
Vài người lên cơn co giật khi xem một phần cảnh phim được phát lại trong chương trình tin tức tường thuật vụ việc lúc 21:00 cùng ngày. Chỉ một phần nhỏ trong số 685 nạn nhân được chẩn đoán là mắc bệnh quang động kinh từ trước. Ngoài ra, một số học sinh giả vờ bệnh nặng để nhập viện vì không muốn đến trường vào hôm sau.
Các nhà khoa học tin rằng chính những ánh chớp sáng đã gây ra cơn quang động kinh, trong đó những kích thích thị giác tương tự có thể làm biến đổi ý thức. Tiến sĩ Fukuyama Yukio, chuyên gia về động kinh ở tuổi vị thành niên, cho biết các tia sáng và màu sắc từ màn hình TV có thể kích thích nên hội chứng gọi là "động kinh truyền hình".
Tập phim "Dennō Senshi Porigon" còn được nhắc lại trong phim hoạt hình The Simpsons nổi tiếng. Ảnh: The Simpsons. |
Hầu hết nạn nhân trước đó đều không gặp vấn đề gì khi quan sát các cảnh chớp nháy, song việc xem tập phim qua TV màn hình lớn trong không gian phòng nhỏ hẹp vô tình làm trầm trọng thêm chứng bệnh. Dù chỉ có khoảng 1/4.000 người dễ mắc chứng động kinh này, số nạn nhân của "Dennō Senshi Porigon" là chưa từng thấy trong lịch sử.
Tai nạn này gây chấn động dư luận Nhật Bản, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Kênh truyền hình điều hành sản xuất tập phim là TV Tokyo phải xin lỗi công khai người dân toàn quốc, đồng thời cùng với chính phủ Nhật Bản cấm phát sóng tập này trên toàn thế giới.
Sau sự cố, Pokemon bị gián đoạn khoảng bốn tháng, chỉ xuất hiện trở lại vào tháng 4/1998 với nhiều thay đổi trong khâu chiếu phát. Kể từ đó, tập phim cũng nổi tiếng trong truyền thông đại chúng, đáng kể nhất là được nhắc lại trong vài tập phim hoạt hình The Simpsons và South Park.
"Cú shock Pokemon" nổi tiếng đến mức nó được thêu dệt, phóng đại thành nhiều phiên bản mang màu sắc kỳ quái. Năm 2001, nhà nghiên cứu Benjamin Radford thực hiện cuộc điều tra đăng trên tờ Southern Medical Journal cho biết chỉ có một số ít trong 685 nạn nhân thực sự bị động kinh, trong khi số còn lại dường như chịu ảnh hưởng bởi chứng cuồng loạn hàng loạt (mass hysteria).