Vài năm nay, tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn luôn thở than về việc giá bán than cho ngành điện rẻ đến 'bèo bọt', thấp hơn cả giá thành sản xuất, khiến tập đoàn này chẳng có tiền quay vòng đầu tư. Tuy vậy, chẳng mấy ai biết cái "giá thành sản xuất" của TKV là bao nhiêu để mà hiểu nó cao hay thấp. Và TKV đáng lẽ đã tiết kiệm được cả chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, nếu công tác quản lý được thực hiện tốt hơn.
TKV đã mất khoảng 3.456 - 4.320 tỷ đồng mỗi năm vào việc trả lương cho nhân viên. |
Theo số liệu công bố trên website của TKV, trong 5 tháng đầu năm, TKV xuất sang Trung Quốc 4,8 triệu tấn than. Cùng thời gian này, hải quan Trung Quốc lại ghi nhận con số nhập than từ Việt Nam cao gấp rưỡi con số mà TKV công bố, lên đến 6,9 triệu tấn.
Số chênh lệch 2,1 triệu tấn than này chính là số than bị thất thoát. Với mức thất thoát 2,1 triệu tấn than trong 5 tháng, ước tính con số mất mát mà TKV phải gánh lên đến gần 2.800 tỷ đồng. Nếu mức thất thoát này giữ nguyên trong cả năm, thì mỗi năm TKV bị bốc hơi tới 5 triệu tấn hay 6.800 tỷ đồng vì thẩm lậu than. Phép cộng sơ bộ đơn giản cho ra kết quả giật mình: Mỗi năm ít nhất TKV lãng phí hơn 10.000 tỷ đồng do công tác quản lý. Và cuối cùng, gánh nặng chi phí này lại đổ hết lên đầu người mua than.
Có thể, đây chưa phải con số cuối cùng. Vì còn một phần than thẩm lậu được tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa Việt Nam. Bằng chứng là nhiều khách hàng của TKV hiện không mua trực tiếp than từ TKV nữa mà chuyển sang mua của đối tác bên ngoài, trong khi lượng than nhập khẩu về Việt Nam không đáng kể. Giá như, TKV tinh giản đi 1/3 số nhân sự dư thừa của bộ máy cồng kềnh hiện tại và tìm cách xử lý mạnh tay đại nạn thẩm lậu than, tập đoàn này đã có thể tiết kiệm được cả chục ngàn tỷ đồng thay vì than khóc vì giá bán than quá rẻ như mấy năm nay.