Chiều muộn 2/11 (giờ địa phương), bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp với ông Noel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike.
Tại cuộc gặp này, Thủ tướng hỏi thăm tình hình hoạt động của Tập đoàn Nike tại Việt Nam. Ông giải thích tình hình dịch bệnh vừa qua, trong giai đoạn chưa có vaccine, Việt Nam buộc phải sử dụng các biện pháp hành chính, phần nào làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Song hiện nay, người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam đã dần mở cửa trở lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông Noel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike, bên lề Hội nghị COP26. Ảnh: VGP. |
Cảm ơn lời hỏi thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike cho biết tình hình hiện nay đã được cải thiện rất nhiều.
Ông Noel Kinder thông báo toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do Covid-19 đã quay lại sản xuất. Thay mặt Tập đoàn Nike, ông Noel Kinder cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ rất kịp thời, phù hợp với tình hình vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Lãnh đạo Tập đoàn Nike cũng cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Ghi nhận WB là người bạn và đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn WB đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam, nhất là đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD và ủng hộ Việt Nam hoãn trả nợ để dành nguồn lực cho phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: TTXVN. |
Trao đổi với ông Axel Van Trotsenburg, Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam.
Để triển khai định hướng ưu tiên xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít carbon, Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững về môi trường, công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu chung của toàn cầu về giảm phát thải nhà kính.
Trong bối cảnh thế giới chuyển hướng sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh và khôi phục kinh tế, các nguồn lực quốc gia bị suy giảm trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, Tổng giám đốc điều hành WB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô; tiếp cận các nguồn tài chính bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm.
Hai bên đánh giá cao và nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - WB, trước mắt rà soát, cập nhật khung đối tác chiến lược quốc gia cho giai đoạn 2022-2025 nhằm xác định rõ nguồn lực, lĩnh vực, dự án ưu tiên và lộ trình triển khai.