Thông cáo của bộ này cho biết Ericsson đã “thừa nhận chiến dịch tham nhũng kéo dài nhiều năm ở 5 quốc gia, nhằm củng cố vị thế của công ty trong lĩnh vực viễn thông”.
5 quốc gia này bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Djibouti, Indonesia và Kuwait.
Theo đó, Ericsson đã có thỏa thuận hoãn truy tố, liên quan tới các cáo buộc hình sự nộp lên một tòa án ở New York.
Ericsson, một trong những nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới, vẫn chưa có phản hồi, theo BBC. Vào tháng 9, công ty cho biết đã dành ra 1,2 tỷ USD để chi trả cho khả năng bị phạt từ cuộc điều tra ở Mỹ.
Nhà sản xuất thiết bị di động Ericsson bị phạt 1 tỷ USD ở Mỹ vì hối lộ ở 5 nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Getty Images. |
Thỏa thuận dàn xếp trên được cho là thỏa thuận có giá trị cao nhất từ trước đến nay đối với vi phạm luật Chống Hành vi Tham nhũng ở Nước ngoài (FCPA) của Mỹ.
Khoản tiền trong thỏa thuận bao gồm 520 triệu USD tiền phạt hình sự, nộp cho Bộ Tư pháp Mỹ, và 540 triệu USD nộp cho Ủy ban Chứng khoán (SEC).
Trong thông cáo, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã trả tiền phạt để “dàn xếp cuộc điều tra các hành vi vi phạm luật Chống Hành vi Tham nhũng ở Nước ngoài (FCPA)... chuyển tiền và khai khống hàng chục triệu USD một cách bất chính trên khắp thế giới”.
“Thông qua các quỹ đen, tiền hối lộ, quà tặng, Ericsson thực hiện kinh doanh viễn thông với nguyên tắc chủ đạo là ‘đồng tiền biết nói’”, Georffrey Berman, công tố viên liên bang ở khu vực Nam New York, cho biết.
“Lời nhận tội ngày hôm nay và việc chi trả hơn 1 tỷ USD tiền phạt gửi thông điệp rõ ràng tới mọi doanh nghiệp rằng làm ăn kiểu đó sẽ không được dung thứ”, ông nói thêm.
Bộ Tư pháp cho biết Ericsson đã làm ăn tham nhũng từ năm 2000 và tiếp tục cho tới năm 2016.