Người sáng lập Playboy, biểu tượng của văn hóa khiêu dâm và tự do tình dục, Hugh Hefner vừa qua đời vào tối thứ tư. Hầu như tất cả các cuộc nói chuyện trên mạng đều xoay quanh huyền thoại này. Bất kể các ý kiến trái chiều về tư tưởng và công ty của ông, vẫn có một thứ ông để lại có ảnh hưởng cực kì lớn tới thế giới số hiện nay.
Tạp chí Playboy giúp các nhà khoa học tạo ra thuật toán nén hình. Ảnh: Mashable. |
Cụ thể, năm 1972, một bức ảnh từ tạp chí Playboy đã được sử dụng làm vật thử nghiệm trong quá trình tạo ra các tiêu chuẩn xử lý hình như JPEG và MPEG. Bức ảnh quyến rũ của cô người mẫu Lena Soderberg đăng trên trang bìa tháng 11/1972 đã trở thành tư liệu vô giá cho các thế hệ các nhà khoa học máy tính sau này. Các bức ảnh của cô đã được ứng dụng rộng rãi cho việc thử nghiệm các thuật toán xử lý hình ảnh. Sau này, cô được biết tới với cái tên “Đệ nhất phu nhân của Internet”.
Theo báo cáo của Hiệp hội Truyền thông Chuyên nghiệp IEEE, chi tiết lạ lùng trong lịch sử ngành khoa học máy tính này bắt đầu vào năm 1973, tại Học viện Xử lý Tín hiệu và Hình ảnh USC (SIPI). Trợ lý giáo sư môn kỹ thuật điện, Alexander Sawchuck, tham gia một nhóm nghiên cứu và đang có nhiệm vụ tìm kiếm một hình ảnh thật bắt mắt, tốt nhất là có mặt người, để quét giấy báo họp cho một đồng nghiệp. Đúng lúc đó, một người mang vào phòng tờ Playboy 11/1972.
Nhóm nghiên cứu chọn mốc ở trung tâm, xé bỏ một phần ba tấm hình để nó vừa với khoảng trống trong máy quét ảnh Muirhead của họ. Bằng cách này, họ đã đánh lừa bộ chuyển đổi tương tự ra số cho màu đỏ, xanh lá và xanh dương, cùng một chiếc máy tính mini Hewlett Packard 2100. Vì cần tạo ra một hình ảnh 512x512, có độ phân giải 100 dòng/inch, họ chỉ quét 5,12 inch của tấm hình, cắt bỏ những phần khoe thân táo bạo từ vai trở xuống.
Bộ ba màu cơ bản trên 512 dòng tạo nên hình ảnh và đã trở thành định dạng chuẩn cho xử lý và nén ảnh số. Một số nhà nghiên cứu khác thậm chí còn sử dụng thuật toán của chính họ để đối phó với việc SIPI dùng ảnh Lena. Điều này dẫn đến việc hình ảnh Lena bị phân tán qua các nhóm khác trong nhiều năm, dẫn tới những cuộc tranh chấp không chính thức, kết thúc bằng một thỏa thuận với Playboy đầu những năm 90, làm cho bức ảnh trở thành một biểu tượng trong cộng đồng xử lý hình ảnh.
Không chỉ vậy, người ta còn liệt kê thêm một số tác dụng khác của tấm hình. Nó giúp các kỹ sư cải tiến những thuật toán nén, giúp máy tính hiển thị được nhiều hình ảnh hơn. Theo cách nói của Jeff Seideman, cựu chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Hình ảnh (IS&T), đây là kỉ nguyên của sự thống nhất truyền thông và Internet.
Chủ nhân của tấm ảnh, Lena đã tham gia sự kiện kỉ niệm 50 năm thành lập IS&T năm 1997 để gợi nhớ về vai trò của mình trong lịch sử xử lý ảnh. Hiện nay, tấm ảnh này không còn phổ biến nữa, phần vì lịch sử đầy tranh chấp và phân biệt giới tính, phần vì các thuật toán hiện đại đã vượt quá giới hạn.
Dù vậy, tấm ảnh của Lena vẫn cho thấy sức mạnh của giới tính trong sự đột phá công nghệ. Kéo theo đó, những hình ảnh nén hiện nay đều ra đời từ việc một kĩ sư bước vào phòng thí nghiệm với cuốn Playboy.