Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Tạo ra giải pháp cho nhân loại phải xuất phát từ lòng đam mê

Các nhà khoa học đạt giải thưởng lớn của VinFuture Prize nói về việc đầu tiên họ làm sau khi trở về từ lễ trao giải, và kế hoạch sử dụng số tiền 3 triệu USD.

Các nhà khoa học đạt giải thưởng lớn của VinFuture Prize nói về việc đầu tiên họ làm sau khi trở về từ lễ trao giải, và kế hoạch sử dụng số tiền 3 triệu USD.

Khuya 20/1, trở về phòng sau khi cùng nhận giải thưởng 3 triệu USD, tiến sĩ Katalin Kariko mở máy kiểm tra email của đồng nghiệp ở hãng dược BioNTech (Đức).

“Tôi thích làm việc và đồng nghiệp cần tôi. Đó là ưu tiên đối với tôi”, bà Kariko trả lời Zing.

Còn giáo sư Drew Weissman ngủ 4 tiếng "như thường lệ".

“Tỉnh dậy, tôi làm việc, viết lách và đọc tài liệu”, ông nói. “Tôi không nghỉ ngơi. Có quá nhiều thứ cần phải làm, cũng như có quá nhiều vaccine và biện pháp liệu trình mới cần được phát triển”.

Tiến sĩ Kariko, giáo sư Weissman (Trường Y, Đại học Pennsylvania, Mỹ) và giáo sư Pieter Cullis (Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia, Canada) là ba người đã nhận giải thưởng lớn (Grand Prize) trong lễ trao giải VinFuture tối 20/1 với công trình nghiên cứu về mRNA.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, và ngay cả khi dịch bệnh qua đi, câu chuyện về công nghệ mRNA vẫn còn phải viết tiếp, vì nói như giáo sư Weissman trên sân khấu nhận giải thưởng, đó không phải là chấm dứt cho mọi thứ mà mở ra một thế hệ vaccine mới cho nhiều loại bệnh tật, nó mở ra quá trình hợp tác cho các quốc gia, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan.

Sau buổi lễ trao giải tối 20/1, ba nhà khoa học có thêm 3 triệu USD để nối dài câu chuyện về công nghệ mRNA và cả nhiều cơ hội để mở ra cho những sinh viên của họ, mời gọi họ đến với câu chuyện đầy cảm hứng về khoa học và phụng sự con người.

Giải thưởng cho "hàng nghìn nhà khoa học đi trước"

Vào tối 20/1, không khó để đoán được chủ nhân giải thưởng lớn qua lời giới thiệu.

"Rất nhiều người trong chúng ta đang có mặt trong lễ trao giải cùng hàng triệu khán giả đang theo dõi trực tiếp qua truyền hình và kênh trực tuyến đã được thụ hưởng thành quả nghiên cứu này... Hàng tỷ người trên Trái Đất đã được bảo vệ và nền kinh tế của nhiều đất nước không bị chìm sâu trong khủng hoảng...".

Không nhiều người có thể kể tên ba nhà khoa học được trao giải - bà Kariko, ông Weissman và ông Cullis - nhưng rất nhiều người sẽ đoán ra được đó là công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA, thứ đã tạo ra hai trong số những loại vaccine đã được sử dụng để cứu sống hàng tỷ người trong đại dịch.

Mỗi nhân vật trong bộ ba như một góc không thể thiếu của hình tam giác, bởi những phân tử mRNA mà bà Kariko và ông Weissman điều chế ra sẽ không thể tồn tại trong cơ thể người nếu không được bọc ngoài bằng những hạt nano lipid - thành quả nghiên cứu của ông Cullis.

Thế nhưng, giáo sư Weissman, trên sân khấu nhận giải, nói rằng giải thưởng này đáng ra là của "hàng nghìn nhà khoa học đi trước", vì thành tựu của họ chính là kết quả của rất nhiều công trình đi trước.

"Tôi không phải người nhận giải thưởng này, mà là hàng nghìn nhà khoa học đi trước tôi, và hàng nghìn nhà khoa học sau tôi sẽ tiếp bước, tìm ra cách chữa trị nhiều căn bệnh mới", giáo sư Weissman nói trên sân khấu nhận giải tối 20/1.

giai thuong khoa hoc anh 1

Ba nhà khoa học đằng sau công nghệ vaccine mRNA tại buổi giao lưu ngày 21/1. Ảnh: Thạch Thảo.

“Thật tuyệt khi được nhận thưởng nhưng với tôi, VinFuture Prize là giải thưởng cho mọi nhà khoa học. Vì thế, mọi nhà khoa học cần ăn mừng, còn tôi cần quay lại làm việc”, ông cho biết trong sự kiện giao lưu ngày 21/1.

Còn với ông Cullis, việc nhận giải VinFuture cũng đồng nghĩa với niềm hy vọng trường đại học nơi ông công tác sẽ được nhận nhiều kinh phí hơn.

“(Tôi thấy) phấn khích vì thế giới đã bắt đầu chú ý nhiều hơn tới các bộ môn khoa học đã có tác động lớn tới đại dịch”, ông nói. Ông cũng nói rằng các ngành khoa học cơ bản, dù ít được chú ý, sẽ tạo ra đột phá và quyết định hướng đi của nhiều ngành khoa học về sau.

Giáo sư Cullis cũng nói rằng ông muốn dùng một phần tiền thưởng để tạo điều kiện cho các học viên cao học, trong đó có việc giúp họ được nhận thu nhập cao hơn.

“Tôi cũng sẽ dùng một phần tiền để khuyến khích sinh viên Việt Nam tới phòng thí nghiệm của tôi để nghiên cứu”, ông nói với Zing tại buổi giao lưu ngày 21/1.

giai thuong khoa hoc anh 2

Giáo sư Pieter Cullis trong lúc trả lời phỏng vấn tại Talk Future. Ảnh: Thạch Thảo.

Trong khi đó, giáo sư Weissman cho biết rằng sau cuộc nói chuyện với nhân sự của trường VinUni vào chiều hôm trước, họ đã mở một chương trình hợp tác.

“Tôi sẽ giới thiệu người của VinUni với những cộng sự của tôi tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nam Phi và các nơi khác để mọi người có thể gặp nhau và hợp tác”, ông Weissman nói, thêm rằng điều này sẽ giúp các bên có sự phân công. “Một số này sẽ nghiên cứu, một số này sẽ chế vaccine mới… Họ có thể cùng hợp tác để tạo ra sản phẩm cuối cùng”.

Dù vậy, mức độ tiếp cận vaccine của nhiều nơi, đặc biệt là châu Phi, vẫn là điều khiến ông Weissman trăn trở.

“Cách giải quyết vấn đề này là cho các nước chủ động năng lực sản xuất vaccine”, ông Weissman chia sẻ với khán giả tại buổi giao lưu. “Như vậy, khi Covid-19 kết thúc, có thể châu Phi sẽ tự sản xuất vaccine sốt rét vì đây là bệnh phổ biến ở châu lục này. Họ sẽ tự sản xuất những vaccine mà họ cần và sẽ không phải dựa vào Pfizer, Merck hay các hãng dược khác”.

Những từ khóa thành công

Khi được MC của Talk Future hỏi về từ khóa giúp mình thành công, bà Kariko nhắc đến từ “tập trung”.

“(Khi gặp khó khăn), chúng ta hãy tập trung vào những gì mình có thể làm được, đừng bận tâm tới các điều tiêu cực, rào cản, hay những gì mình không làm được”, bà Kariko nói.

giai thuong khoa hoc anh 3

Giáo sư Drew Weissman tại Talk Future. Ảnh: Thạch Thảo.

Vượt ra ngoài phạm vi của một từ, bà Kariko khuyên các nhà khoa học trẻ cần “yêu thích thứ mình làm”.

“Với phụ nữ, hãy tìm một người chồng tốt, một người luôn ủng hộ bạn”, bà Kariko chia sẻ. “Với đàn ông, hãy là người chồng tốt”.

Về phần mình, ông Cullis cho rằng tinh thần hợp tác và khả năng làm việc nhóm là những yếu tố làm nên thành công. “Làm việc chung có thể giúp nhau trau dồi chuyên môn, cùng nhau phát triển”, ông nói.

Trong khi đó, giáo sư Weissman cho rằng thành công sẽ đến từ sự kiên trì. “Kiên trì là yếu tố làm nên thành công. Hợp tác và kiên trì”, ông nói.

Nếu thời gian cho phép, có lẽ ông Weissman sẽ có nhiều lời khuyên hơn cho các bạn trẻ có mặt tại buổi giao lưu.

Trả lời câu hỏi của Zing vào ngày 17/1, ngày đầu tiên các nhà khoa học đặt chân tới Việt Nam, ông Weissman từng cho biết “yếu tố quan trọng nhất" để thành công trong khoa học có lẽ là sáng tạo.

“Đầu tiên, việc nghĩ ra các ý tưởng mới là rất quan trọng. Ngoài ra, việc tìm kiếm kinh phí và nguồn lực cũng cần sáng tạo”, ông Weissman nói.

“Khi cần một chiếc hộp, bạn có thể ra cửa hàng để mua. Nhưng người sáng tạo sẽ nghĩ ra cách để có được chiếc hộp đó miễn phí. Chúng ta cần sự sáng tạo để tìm kinh phí, tức những người có hứng thú với nghiên cứu của chúng ta”, ông nói.

Cuộc tái ngộ bất ngờ

Tại buổi giao lưu ngày 21/1, bà Kariko có lẽ là người nhận được sự chú ý nhiều nhất từ ban tổ chức VinFuture. Trong nhóm bộ ba, bà là người đầu tiên lên sân khấu để chia sẻ với khán giả về quá trình nghiên cứu mRNA.

Đặc biệt nhất, bà Kariko còn được chương trình tạo điều kiện tái ngộ với bà Lê Lan Hương - người bạn Việt Nam từng học cùng bà Kariko tại Ba Lan nhiều năm trước.

giai thuong khoa hoc anh 4

Bà Kariko đứng phát biểu về hành trình tìm tới vaccine mRNA. Ảnh: Thạch Thảo.

"Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào năm 1973, học cùng nhau 6 năm. Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với Kati (biệt danh của bà Kariko) là chị cao quá”, bà Hương nói. “Chúng tôi nhận ra chị ấy như một người chị, rất nhiệt tình với mọi người”.

“Chúng tôi sống cùng ký túc xá. Khi tới thăm nhà nhau, tôi để ý thấy Hương là người con được bố mẹ quý nhất vì trong các bức ảnh gia đình, chị đều được đứng gần bố mẹ nhất”, bà Kariko hồi tưởng.

Bà Hương vẫn nhớ trong một chuyến du lịch của cả lớp, “Kati” đã đi cùng bạn trai - một người “rất dễ thương, nhỏ hơn Kati 5 tuổi”.

Người này là ông Bela Francia, người chồng vẫn ở bên bà Kariko tới ngày nay.

“Khi đọc được thông tin về Kati, mọi người trong lớp rất háo hức vì biết chị ấy đã thành công ứng dụng công nghệ mRNA vào vaccine. Đây là công việc rất khẩn cấp lúc này”, bà Hương kể. “Tôi thấy rất tự hào. Khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới biết Kati đã rất cố gắng, kiên trì và có nghị lực phi thường để làm nên điều vĩ đại như vậy”.

Sau lời tạm biệt bằng tiếng Hungary và cái ôm trên sân khấu, trên tay bà Kariko còn lại món quà do bà Hương tặng: Một chiếc hộp đựng đầy nem - món ăn Việt bà Kariko yêu thích. “Nem” cũng là từ tiếng Việt duy nhất bà Kariko biết vì đồng âm với từ “không” trong tiếng mẹ đẻ.

'Mẹ đẻ' vaccine mRNA: Tôi không phải người hùng cứu thế giới

Tiến sĩ Katalin Kariko, người đặt nền móng cho vaccine mRNA, nói với Zing rằng bà không phải anh hùng. Bà cho biết mình tìm đến khoa học vì lĩnh vực này mang tới nhiều hứng khởi.

'Người truyền cảm hứng' Katalin Karikó tham dự sự kiện VinFuture

Những “người hùng khoa học” đóng góp to lớn cho cuộc chiến chống Covid-19 và câu chuyện đầy cảm hứng của họ là một trong những điều đáng chờ đợi tại Tuần lễ khoa học VinFuture.

Quốc Đạt - Giang Trân Nguyên

Ảnh: Thạch Thảo - Đồ họa: Thanh Hiền

Bình luận

Bạn có thể quan tâm