'Táo' Quang Thắng 10 năm vẫn không có nhà Hà Nội
Dù lên Thủ đô làm việc đã nhiều năm, nhưng nam danh hài xứ Bắc hết "ăn nhờ ở đậu" nhà người thân, đồng nghiệp lại đến thuê nhà trọ.
Gặp Quang Thắng tại quán cà phê quen thuộc ở Gia Lâm, gần nơi anh thuê trọ, câu đầu tiên tôi buột miệng: "Anh đã mua được nhà chưa?". Anh cười rất vui bảo: "Tôi đang hy vọng năm nay, giá nhà đang xuống". Tại nơi này cách đây 4 năm, tôi từng hỏi anh đúng câu đó, và anh cũng từng trả lời đúng câu trả lời như thế này.
10 năm ăn nhờ ở đậu
Những đồng nghiệp của anh trên sân khấu hài, tôi nghe anh Chí Trung nói sống tốt lắm. Vân Dung, Xuân Bắc một show 20 - 30 triệu đồng. Tôi hỏi hay cát-xê của anh kém họ? Anh bảo, chưa chắc kém hay hơn, cứ thuê anh làm show sẽ biết "lương" anh bao nhiêu. Mỗi người có một số phận, anh còn vợ con, lại ở Hải Phòng nên tiền đi lại thường xuyên giữa quãng đường dài 100km cũng tốn kém.
Người ta nhà này đất nọ, còn anh ngôi nhà cấp 4 ở Hà Nội vẫn còn là giấc mơ. Quang Thắng bảo, anh tự hào vì chưa từng phải ngửa tay xin ai đồng nào ở Hà Nội. Không có nhà, buồn nhất là mỗi lần đi diễn về, thường là quá nửa đêm về sáng, phố xá vắng tanh, trời mùa đông giá buốt, anh thấy mình sao trơ trọi, cô đơn. Nhà nghỉ nhiều khi hết phòng, đến nhà người quen không tiện. Đó là lúc Quang Thắng cảm thấy mình thật lẻ loi giữa phố phường Hà Nội.
Quang Thắng vẫn tự rất vui vẻ dù phải sống trọ. |
Quang Thắng kể rằng, thời điểm làm Táo quân, anh phải ở trước cổng nhà nghỉ để chờ phòng. Lúc đó đã đêm muộn, anh đến nhà nghỉ nào người ta cũng nói hết chỗ. Cuối năm, chuẩn bị nghỉ Tết, người ta bận "hàn huyên chia tay nhau" trước khi về quê, sự lưu luyến của các đôi uyên ương trước khi về tụ họp với gia đình trong thời gian nghỉ Tết khiến cho nhà nghỉ cháy phòng. Lúc đó, anh phải ngồi ở cửa buôn chuyện với bảo vệ, chờ có phòng sẽ vào.
Có lần, anh còn được bảo vệ quen biết thương tình cho ngủ nhờ trong kho của nhà nghỉ với lời khuyến mãi: "Sướng nhé, lẽ ra phải ngủ ở phòng một chăn, giờ lại được ngủ ở phòng có tới 40 cái chăn, tha hồ ấm!". Anh bảo, sau đó anh khôn ra và giờ có điều kiện hơn, anh đi làm bằng xe hơi, thiếu chỗ xe là nhà.
Vợ anh ở Hải Phòng cũng chu đáo chuẩn bị sẵn cho chăn ấm trên xe, anh có thể ở trong xe thoải mái chờ đến khi nhà nghỉ có phòng. Anh kể, trước kia chưa có xe riêng, anh không được như vậy, diễn xong muốn về nhà, chuyến xe đi Hải Phòng sớm nhất là 5h30 sáng, anh tập xong lúc 4h phải lang thang ngoài chợ Xanh đường Xuân Thủy hơn 1 tiếng đồng hồ giết thời gian để chờ xe.
Quang Thắng lên Hà Nội diễn đã 10 năm và suốt 10 năm ấy hoàn toàn là người không nhà, phải "ăn nhờ ở đậu". Đầu tiên anh ở nhà dì ruột trong khu văn công Mai Dịch được khoảng 4 năm, ở nhờ nhà diễn viên Quốc Khánh. Nhà anh Khánh khá chật, chỉ có một phòng với một cái giường, hai anh em ngủ chung. Anh lại có tật ngủ ngáy nên Quốc Khánh ngủ không được, dù người đồng nghiệp này rất thương anh nhưng anh cũng chỉ trụ ở nơi này hai năm. Tiếp theo là anh ở phòng bảo vệ của một khu xây dựng, nơi cũng là chỗ bạn bè thân thiết cho anh ở nhờ chung với bảo vệ. "Ở đây vui, thoải mái nhất đấy!", anh cười hồn nhiên kể.
Anh dí dỏm, phòng bảo vệ đi về lúc nào cũng được, thích ngủ lúc nào thì ngủ, không bất tiện như ở nhà người quen. Thông thường, công việc của anh về lúc tờ mờ sáng, ngủ đến chiều, làm khi chập tối. Đi chợ, nấu cơm, ăn ngủ cùng với các bảo vệ khu xây dựng là quãng thời gian đi ở nhờ vui vẻ nhất của anh. Thật buồn vì khi dự án xây dựng này hoàn thành, phòng bảo vệ đương nhiên giải tán, và anh chuyển đến khu Gia Lâm, nhà thuê của một người anh em cho đến tận bây giờ. Anh bảo: "Bây giờ anh tường tận khu Gia Lâm như lòng bàn tay".
Giấc mơ Đặng Thái Sơn sụp đổ
Quang Thắng họ Đặng, không biết có phải vì thế cha anh mong mỏi anh đi theo con đường âm nhạc. Được gia đình cho học piano từ hồi lớp 5, được 4 năm, đến đầu cấp 3 anh vướng vào yêu đương nên bỏ.
Nhà nghèo, anh không có tiền mua đàn nên mỗi sáng, bố anh bắt anh dậy từ 6h, kẻ phấn ô đen trắng hình phím nhạc trên một chiếc bàn học dài, và anh ngồi luyện piano câm. Là nhà quản lý văn hóa, bố anh rất kỳ vọng con trai sẽ đi theo con đường của Đặng Thái Sơn. Đây mới là con đường mang lại sự hãnh diện cho gia đình, đặc biệt khi gia đình bên ngoại anh có 14 người, 13 người làm nghệ thuật, có người làm đến trưởng khoa âm nhạc của trường Múa Việt Nam.
Quang Thắng rất vui khi hai đứa con gái không có chút năng khiếu gì. |
Quang Thắng từng là cây văn nghệ của trường phổ thông Ngô Quyền. Anh biết nhạc lý, chơi được guitar và piano, hát ngêu ngao. Khả năng này khiến anh hồi còn đi học dù xấu trai những cũng gặp được nhiều thành công trong việc làm xiêu lòng các cô gái, đặc biệt là những cô gái có tâm hồn, còn những cô thích vật chất anh đành chịu. Thế nên trông Quang Thắng tẩm ngẩm tầm ngầm vậy nhưng anh yêu rất sớm.
Anh hát và chơi được nhạc, nhưng anh không thể nhớ trọn lời một bài hát nào. Anh vẫn còn nhớ như in hồi anh 6-7 tuổi, mẹ đi học trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung Ương ở Thanh Xuân (Hà Nội). Bố anh đi học ở Nga nên anh lên Hà Nội ở cùng mẹ. Nhân một dịp biểu diễn văn nghệ của trường, các cô giáo dàn dựng một tiết mục thiếu nhi, biết anh là cây văn nghệ và là con của sinh viên nhạc họa chắc biểu diễn tốt nên anh được giao lĩnh xướng. Đến lúc phải cất tiếng hát, bỗng dưng, cậu bé Quang Thắng quên lời, đứng đơ ra giữa sân khấu, trước bao nhiêu khán giả và sinh viên trong trường. Chương trình bị đổ, cô giáo phụ trách văn nghệ nổi cáu, đuổi hết các em thiếu nhi ra khỏi sân khấu.
Anh bảo, anh không thể làm thỏa ước nguyện của cha mình nhưng anh cũng không dồn điều đó cho hai cô con gái. Quang Thắng đùa, anh rất vui khi hai con gái không có chút năng khiếu gì. Tuy vậy, đàn, múa, hát… các con thích gì là anh đều chiều, cho đi học, nhưng chỉ để giải phóng cơ thể cho vui thêm phần tự tin như thế là đủ!
Theo Thế Giới Điện Ảnh