Theo thông báo từ Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC), chương trình Táo Quân sẽ trở lại vào dịp Tết Nguyên đán năm nay. Đầu 2020, đơn vị thông báo dừng sản xuất Táo Quân sau 16 năm, chuyển sang một format mới.
Tuy nhiên, sự thay đổi không được khán giả đón nhận, chủ yếu đến từ lý do chất lượng. Khi Táo Quân dừng lại, Gặp nhau cuối năm giới thiệu format mới. Song, nội dung kịch bản của chương trình đêm 30 Tết bị chê nhàm chán, không thuyết phục người xem.
Gặp nhau cuối năm 2020 không thuyết phục được khán giả. |
Sự thay đổi năm 2020 khiến sóng giờ vàng mất giá
Gặp nhau cuối năm hay nhiều năm vẫn được gọi là Táo Quân phát vào tối Giao thừa là một trong những chương trình có rating và giá quảng cáo cao nhất trên sóng VTV.
Năm 2019, theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV, để có được 30 giây quảng cáo trong thời gian phát sóng chương trình Táo Quân, nhãn hàng, doanh nghiệp phải trả 530 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2020, khi Táo Quân không còn, Gặp nhau cuối năm giới thiệu format mới, giá quảng cáo lập tức giảm. Mức giá quảng cáo cho chương trình thay thế Táo Quân là 200 triệu đồng (10 giây), 240 triệu đồng (15 giây), 300 triệu đồng (20 giây), 400 triệu đồng (30 giây).
Số liệu này phần nào cho thấy Táo Quân có sức hấp dẫn hơn hẳn format mới trên sóng giờ vàng. Tết năm nay, khi Táo Quân trở lại, từ giảm giá, sóng giờ vàng giao thừa của VTV bất ngờ tăng giá kỷ lục, cao chưa từng thấy.
Táo Quân trở lại sau một năm dừng sản xuất. |
Cụ thể, đơn giá quảng cáo cho TVC dài 30 giây trong chương trình Táo Quân 2021 là 650 triệu đồng. Nếu xuất hiện với thời gian ngắn hơn từ 10, 15 đến 20 giây, số tiền tương ứng thương hiệu phải chi là 325, 390 và 487,5 triệu đồng. Mức giá quảng cáo đã tăng 62,5% so với chương trình Gặp nhau cuối năm không có Táo Quân năm 2020.
Format quá giải trí không được đón nhận
Nếu format mới năm 2020 thành công, Táo Quân 2021 chưa chắc đã xuất hiện. Nhưng thực tế, khán giả đã không đón nhận Gặp nhau cuối năm phiên bản mới dịp Tết năm trước.
Thay vì xây dựng kịch bản hài theo hướng “trào phúng”, đả kích các vấn đề xã hội như thương hiệu của Táo Quân, format năm 2020 của Gặp nhau cuối năm mang đậm tính giải trí. Chương trình không đi sâu phê phán các sự kiện nổi cộm trong năm. Thay vào đó, nội dung Gặp nhau cuối năm mang tính nhẹ nhàng, tổng hợp.
Chương trình sử dụng nhiều bài hát chế cùng các những làn điệu truyền thống như chèo, dân ca, đồng thời lồng ghép các trend nổi tiếng trên mạng như "Để tao Phèo cho mà nghe", đi đu đưa đi, hay 1977 Vlog…
Hình thức thể hiện tương đối phong phú. Ngoài tính hài đậm chất sân khấu, chương trình còn có múa dân gian, múa đương đại, nhảy hip hop, dance, ballet, thậm chí cả một chút nhạc kịch. Thực tế, đây là format hài tổng hợp các loại hình nghệ thuật.
Ngoài format, tính chất của chương trình cũng thay đổi, và chứng tỏ sự mạo hiểm của nhà sản xuất nhằm cố gắng vượt thoát cái bóng quá lớn của Táo Quân suốt 16 năm qua.
Chất lượng kịch bản, sự sáng tạo, đổi mới của dàn diễn viên hay vấn đề quảng cáo trong chương trình làm sao cho khéo, không thô cũng là những bài toán cần giải. |
Tuy nhiên, sau khi lên sóng, chương trình hứng chịu không ít phản hồi trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng kịch bản chưa xứng tầm với một chương trình phát trên sóng giờ vàng đêm giao thừa với hàng chục triệu khán giả theo dõi. Nhiều câu thoại và tình tiết trong chương trình bị cho là quá dân dã, thậm chí phản cảm.
Và thay vì tạo "trend", gây bão với những câu nói từ các Táo, nội dung Gặp nhau cuối năm 2020 gần như trôi vào lãng quên ngay sau khi lên sóng, khiến nhiều khán giả đặt vấn đề: hãy đưa Táo Quân trở lại.
Còn đó những bài toán cần giải quyết
Sau một năm gián đoạn và vốn không có ý định trở lại, Táo Quân bất ngờ được thông báo tiếp tục sản xuất để phát sóng dịp Tết Nguyên đán năm nay. Suốt 16 năm trước khi dừng lại một năm, Táo Quân vẫn được coi là tiếng cười trào phúng hiếm hoi còn sót lại mỗi dịp Tết đến. Chương trình suốt nhiều năm liền giữ vững tinh thần “tống cựu nghinh tân”, cười để giã từ chuyện cũ.
Mượn cốt truyện dân gian Táo Quân về trời, chương trình xây dựng format các Táo lên trời chầu cuối năm, báo cáo với Ngọc Hoàng về vấn đề của ngành mình dưới hạ giới. Qua đó, Ngọc Hoàng (Quốc Khánh), Bắc Đẩu (Công Lý) và Nam Tào (Xuân Bắc) thi nhau chất vấn, phê bình những vấn đề còn tồn đọng của các ngành.
Táo Quân tập trung phản ảnh và đả kích các vấn đề nổi cộm, nhức nhối của xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ xã hội, giáo dục, y tế đến kinh tế, giao thông, văn hóa.
Chương trình do đạo diễn Đỗ Thanh Hải dàn dựng từng được yêu thích vì không ngại đề cập đến những đề tài thời sự như nạn tham nhũng, hối lộ, dự án ma, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, gian lận điểm thi, hủy hoại môi trường…
Nhiều câu thoại trong chương trình được đánh giá là đầy sức nặng, trở thành “hot trend” ngay sau đó. Như năm 2016 là những câu "Cá u rê, rau dầu nhớt, chè phân lân" hay "Trước mình cần một chỗ đứng, bây giờ mình cần đứng đúng chỗ đó", còn năm 2017 là “Sự việc nó to thì mình nên nói nhỏ, khi mình nói nhỏ sự việc sẽ nhỏ đi”.
Đến năm 2018, công chúng không thể quên được phát ngôn: “Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no”. Gần nhất, năm 2019, câu thoại “Quan lấy tiền của dân thì được, dân lấy tiền của quan thì tội to lắm” cũng làm nức lòng khán giả.
Giới quan sát hài kịch nhận định Táo Quân đã nói lên tiếng lòng của người dân, nhắc lại những vấn đề nhức nhối, bức xúc chưa được giải tỏa trong xã hội. Nhưng thông qua lăng kính hài hước, chương trình bao giờ cũng kết thúc nhẹ nhõm với những lời căn dặn của Ngọc Hoàng trước thềm năm mới.
Nhiều năm, vào tối ngày tất niên, trước thời khắc thiêng liêng của sự giao mùa, nhiều gia đình Việt Nam có thói quen quây quần bên nhau để cùng đón xem Táo Quân như một nếp văn hóa không thể thiếu. Táo Quân trở thành một “hương vị” để mong chờ của ngày Tết, là từ khóa được tìm kiếm phổ biến trên mạng Internet mỗi dịp Tết đến xuân về.
Song, một vài năm gần đây, trước khi dừng lại một năm, chương trình cũng hứng chịu ý kiến trái chiều, bị chê về mặt nội dung. Một số năm, chương trình bị chê nhạt, không hấp dẫn. Còn nói như "cha đẻ của Táo Quân" - NSND Khải Hưng - chương trình "giậm chân tại chỗ".
Năm 2019, Táo Quân bị phản ứng vì quảng cáo quá nhiều. Hay trước đó một năm, chương trình bị phản ánh là có nhiều câu thoại không phù hợp về cộng đồng LGBTQ+. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng Táo Quân không còn hấp dẫn vì "e ngại", "cả nể", nhiều vấn đề nổi cộm trong năm dù được dư luận quan tâm đã hoàn toàn bị lãng quên khi lên sóng.
Sức sáng tạo của dàn diễn viên quen thuộc nhiều năm với Chí Trung, Quốc Khanh, Công Lý, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Thắng cũng được đặt ra. Họ đã gắn bó suốt nhiều năm, là thương hiệu của chương trình. Nhưng sự lặp lại về diễn xuất cũng tồn tại. Trong khi, dàn diễn viên trẻ như Duy Nam, Dũng "Hớn", Trung Ruồi mới chỉ ở mức tròn vai, chưa có nhiều đất diễn.
Táo Quân năm nay trở lại với không ít chờ đợi, kỳ vọng. Nhưng chất lượng kịch bản, sự sáng tạo, đổi mới của dàn diễn viên, hay vấn đề quảng cáo trong chương trình làm sao cho khéo, cũng là những bài toán cần giải.