Gặp nhau cuối năm - hay Táo Quân - là món ăn tinh thần không thể thiếu với khán giả vào ngày Tất niên hàng năm. Từng bị gián đoạn một lần vào năm 2020 trước khi tiếp tục trở lại trong năm 2021 và giờ là năm 2022, ê-kíp thực hiện chương trình Táo Quân đã cho thấy nhiều nỗ lực đổi mới để giữ chân khán giả.
Chương trình năm nay đánh dấu bước ngoặt lớn với thương hiệu Táo Quân. Lần đầu sau 19 năm, hai vai Nam Tào và Bắc Đẩu - trái tim và linh hồn của mỗi buổi chầu - được chuyển giao cho các nghệ sĩ trẻ. Sự thay đổi lớn về nhân sự kéo theo những điều chỉnh về nội dung, mang đến cho khán giả xem truyền hình một trải nghiệm đan xen giữa lạ lẫm và những nhân tố quen thuộc.
Covid-19 là nội dung xuyên suốt
Trong buổi chầu cuối năm Tân Sửu, có bốn Táo được vào diện kiến Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) là Giao Thông (Chí Trung), Mạng (Tự Long), Kinh Tế (Quang Thắng) và Xã Hội (Vân Dung). Thông qua màn tung hứng trên sân khấu giữa các Táo, Ngọc Hoàng cùng cặp Nam Tào (Duy Nam) và Bắc Đẩu (Trung Ruồi) mới, nhiều vấn đề nổi cộm của kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam trong năm qua đã được nhắc đến với đầy đủ ưu, nhược.
Khác với cấu trúc kịch bản của những năm trước đây, Táo Quân 2022 đã có một chủ đề xuyên suốt là Covid-19. Màn báo cáo của các Táo vì thế cũng có sự thay đổi lớn. Thay vì trả lời câu hỏi “Năm qua tôi có công, tội gì?”, họ tập trung làm rõ “Ngành nghề của tôi đã thích nghi như thế nào với đại dịch?”.
Chí Trung, Tự Long, Vân Dung và Quang Thắng trở lại với những kiểu nhân vật quen thuộc. |
Bài báo cáo của Táo Giao Thông xoáy sâu vào vấn đề giấy đi đường và phân vùng cách ly phòng dịch. Táo Mạng kể chuyện học trực tuyến và thực trạng tin giả, nội dung rác lan tràn trong thời gian người dân phải thực hiện giãn cách. Táo Xã Hội và Kinh Tế cũng có màn “song kiếm hợp bích” tái hiện đời sống xã hội cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong năm vừa qua.
Chương trình năm nay vẫn có những câu thoại đinh, dễ trở thành xu hướng như “Chửi giao thông thường không có lợi”, “Thời buổi này thằng không làm gì là thằng được lòng cấp trên nhất”, “Tiền nhiều để làm gì? Để mang về cho mẹ”… Đây là thế mạnh, đã trở thành bản sắc của Táo Quân suốt những năm qua và đang tiếp tục được phát huy.
Tuy nhiên, cũng vì sự xuất hiện của một chủ đề xuyên suốt, Táo Quân năm nay thiếu đi sự cập nhật sâu rộng vào từng lĩnh vực cụ thể. Những sự kiện nhức nhối như đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm thi công, nghi vấn gian lận tiền từ thiện, loạn luân tại Thiền am Bên bờ vũ trụ, khai khống giá xét nghiệm Covid-19… chỉ được nhắc đến một cách cưỡi ngựa xem hoa. Các chất liệu này bị đem làm công cụ tấu hài, kể cốt cho đủ thay vì một chủ đề được chọn lọc để đi sâu nghiên cứu.
Hướng tiếp cận này vô tình làm giảm giá trị của chương trình. Chỉ gọi tên sự việc trên bề mặt - cốt lấy số lượng thay vì chất lượng - khiến nội dung Táo Quân 2022 nhìn chung dàn trải và thiếu điểm nhấn. Việc chương trình thiếu tính phản biện cũng khiến khán giả khó tìm được tầng ý nghĩa sâu xa bên dưới lớp vỏ trào phúng. Sau cùng, chương trình tuy dài, nhưng cảm xúc hay lượng thông tin đọng lại trong lòng khán giả ít ỏi. Rượu ủ càng lâu càng đậm đà, còn Táo Quân càng làm lâu lại càng phai nhạt sự sắc sảo.
Dàn diễn viên gạo cội tiếp tục gồng gánh chương trình
Thay đổi lớn nhất trong Táo Quân năm nay chính là cặp diễn viên trẻ Duy Nam và Trung Ruồi đã thay thế Xuân Bắc và Công Lý đảm nhận hai vai Nam Tào cùng Bắc Đẩu. Sự thay đổi này đã mang đến cho nhân vật Ngọc Hoàng sức sống mới. Không còn hai cấp dưới thân cận dạn dày kinh nghiệm, Ngọc Hoàng phải xắn tay áo, tự mình đào tạo Nam Tào, Bắc Đẩu mới.
Khi đào tạo hai cậu nhân viên mới, Ngọc Hoàng tỏ ra bản thân cũng giỏi chiêu trò như ai. Hóa ra, sự sắc sảo lẫn nét trái khoáy của cặp Nam Tào, Bắc Đẩu cũ đều có một phần bàn tay nhào nặn của Ngọc Hoàng. Táo Quân 2022 đã khai phá một khía cạnh ít hoàn mỹ trong tính cách Ngọc Hoàng. Bên cạnh hình ảnh thâm trầm, không thỏa hiệp với cái xấu nhưng cũng dễ mủi lòng với khó khăn của các Táo, ta có thêm một phiên bản Ngọc Hoàng “lật mặt như trở bánh tráng” khi phát hiện cái thiệp mình nhận được “chỉ là cái thiệp”.
Duy Nam và Trung Ruồi trở thành cái bóng của các đàn anh đàn chị gạo cội trên sân khấu Gặp nhau cuối năm. |
Bên cạnh nhân vật Ngọc Hoàng của Quốc Khánh, bốn Táo vào chầu, lần lượt do Chí Trung, Tự Long, Vân Dung và Quang Thắng thủ vai vẫn giữ được cái duyên trong nét diễn.
Nghệ sĩ Chí Trung tiếp tục mang đến một nhân vật Táo Giao Thông với nét đối lập đến tức cười trong tính cách: Ăn to nói lớn nhưng phát ngôn thường nông cạn, bụng dạ toan tính nhưng suy nghĩ cũng rất ngây thơ. Tự Long hóa thân thành Táo Mạng, một nhân vật đúng nghĩa “ăn xổi ở thì”, thích những thứ giật gân hào nhoáng nhưng cũng quen thói đùn đẩy trách nhiệm…
Sau 19 năm, dù bộ bốn nghệ sĩ vào vai Táo đôi khi hoán đổi các chức danh Táo, nhưng kiểu nhân vật họ thủ vai hoàn toàn không thay đổi. Điều thú vị là, sự cũ kỹ trong diễn xuất này dường như không khiến khán giả nhàm chán. Điều khiến họ mệt mỏi lại là đường dây câu chuyện lặp lại những tình tiết đã cũ mòn từ năm này qua năm khác mà không có đột phá đáng kể.
Cán bộ Thiên đình vặn vẹo, làm khó các Táo, các Táo đùn đẩy trách nhiệm, không chịu nhận lỗi, Ngọc Hoàng bất bình quở trách nhưng rồi không thể làm gì hơn ngoài tha thứ cho cấp dưới, khuyến khích họ tiếp tục cố gắng trong năm sau…
Đây là mô-típ quen thuộc của 17 chương trình Gặp nhau cuối năm trong quá khứ, và cũng chính là kịch bản của chương trình Táo Quân 2022 vừa diễn ra. Táo Quân, giống như một thương hiệu phim nhiều phần, đang bị “vắt sữa” qua từng năm và bầu sữa ấy đang khô cạn dần.
Táo Quân khó thay đổi
Táo Quân 2022 mở đầu với tiết mục mô phỏng các đoạn quảng cáo chữa xương khớp đáng ngờ xuất hiện tràn lan trên nền tảng xem video YouTube khiến khán giả rất khó chịu. Tiếp đến, khi chương trình vừa bắt đầu được 5 phút, nhà đài chèn tiếp đoạn quảng cáo dài đến 5 phút. Những phút đầu chương trình chính là khoảng thời gian khán giả theo dõi Táo Quân chăm chú nhất - cũng là giai đoạn có tỷ lệ người xem cao nhất.
Việc chèn quảng cáo quá dài ngay từ đầu gây ra sự bức xúc và hiểu lầm không đáng có. Trên mạng xã hội, trong 10 phút sau khi Táo Quân 2022 lên sóng, nhiều khán giả đã bày tỏ bất bình vì quảng cáo quá dày. Trên thực tế, chương trình năm nay chia thời lượng quảng cáo khá cân đối, chỉ dao động trong khoảng 5 phút mỗi đoạn và ba đoạn trong cả chương trình dài 120 phút. Đây có thể coi là cải thiện lớn với một chương trình đã có lịch sử nhiều năm bị chỉ trích vì quảng cáo quá đà như Gặp nhau cuối năm.
Những gương mặt mới của Táo Quân khó tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả. |
Một câu hỏi lớn với khán giả trước khi Táo Quân 2022 lên sóng chính là sự thay đổi lớn trong hai vai chính Nam Tào, Bắc Đẩu. Trọng trách đặt lên vai Duy Nam và Trung Ruồi là rất lớn khi họ thay thế Xuân Bắc và Công Lý sau 18 năm cặp nghệ sĩ gạo cội đảm nhận hai vai diễn này. Hai gương mặt mới vô tình mang đến sự “trẻ hóa” cho đội ngũ cán bộ Thiên đình - điều trong nhiều năm nay vẫn được lôi ra như một chiêu trò dọa dẫm nhau thay vì xu hướng phát triển tất yếu.
Trong lần đầu xuất hiện, cặp Tào - Đẩu mới về cơ bản đã hòa nhập được với dàn diễn viên gạo cội, nhưng theo một cách hoàn toàn khác biệt so với hai người tiền nhiệm. Sự non yếu về tuổi đời lẫn tuổi nghề đã khiến Nam Tào và Bắc Đẩu mới bị các Táo “đè đầu cưỡi cổ” thay vì ngay lập tức trở thành một thế lực đủ mạnh để khiến họ nao núng. Lúc này, Ngọc Hoàng bất đắc dĩ phải ra mặt, làm thay công việc chất vấn các Táo của hai cấp dưới - một đã về hưu, một đang nghỉ phép vì ốm bệnh.
Ngoài sự xuất hiện trong vai trò mới của Duy Nam và Trung Ruồi, Táo Quân 2022 cũng gây bất ngờ khi đưa lên sân khấu dàn Táo đông đảo gồm 7 người. Tuy nhiên, chỉ bốn trong số này là những gương mặt quen thuộc với khán giả nói chung và người xem Táo Quân nói riêng. Thế nên khi ba vị Táo do các diễn viên ít tiếng tăm hơn thủ vai - gồm Nông Nghiệp, Y Tế và Giáo Dục - nhanh chóng bị cho về nhà với lý do “có thể họp trực tuyến sau” cũng không gây bất ngờ.
Sự hoài nghi của khán giả với Duy Nam và Trung Ruồi, cũng như ba “Táo quần chúng” xuất hiện trong Táo Quân 2022 chỉ để đỡ trống khung hình phản ánh một vấn đề khác mà thương hiệu này phải đối mặt. Đó là khán giả không mặn mà với các gương mặt mới.
Trong Táo Quân 2022, việc Táo Nông Nghiệp, Y Tế và Giáo Dục rời sân khấu với lý do trớt quớt không gây ảnh hưởng lớn tới kịch bản chương trình không phải vì ba lĩnh vực này chưa tạo ảnh hưởng đáng kể với kinh tế, văn hóa chính trị năm qua. Họ dễ dàng bị gạch bỏ sau khi hoàn thành sứ mệnh làm đầy khung hình bởi khán giả đã quá quen với một nhóm nghệ sĩ gắn bó lâu năm cùng Táo Quân.
Theo thời gian, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung, Tự Long đã trở thành định nghĩa duy nhất trong lòng khán giả về Táo Quân. Tất yếu, những gương mặt mới xuất hiện bên dàn sao này sẽ chỉ là “râu ria” ít được quan tâm, hoặc khó xây dựng niềm tin khi họ được chọn thay thế một gương mặt cũ.
Về lâu dài, một cuộc “thay máu” là khó tránh khỏi với thương hiệu Táo Quân. Nhưng hiệu quả của những thay đổi ấy vẫn còn là dấu hỏi lớn.