Chị Diệu Minh, nhân viên một công ty truyền thông ở quận 3, chia sẻ năm nay công ty chị làm khá nhiều sự kiện vào đầu tháng 2 nên việc sắm Tết cho gia đình từ quần áo đến thực phẩm chị đều tranh thủ đi chợ online. Điều đáng chú ý là càng sát Tết, hàng hóa càng giảm giá mạnh, số lượng mặt hàng khuyến mãi rất đa dạng, cả đặc sản vùng miền mỗi năm chỉ bán vài lần dịp lễ Tết cũng tranh nhau giảm giá.
Táo Pháp, Mỹ, cam Ai Cập 29.900 đồng/kg
Ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp, nhiều bà nội trợ bất ngờ khi nhiều loại trái cây bày la liệt bán đồng giá tại hệ thống siêu thị Big C. Các loại táo đỏ, táo xanh Pháp, táo gala Pháp, táo Mỹ đỏ, táo gala Mỹ, cam vàng Ai Cập cùng một mức giá 29.900 đồng/kg.
Nhiều loại táo, cam nhập khẩu được bán giá dưới 30.000 đồng/kg trong dịp cao điểm mua sắm Tết. Ảnh: H.Linh. |
Các loại trái cây nhập ngoại khác cũng đang có mức giá khá rẻ như lê Hàn Quốc 63.000 đồng/kg, kiwi xanh Pháp 69.900 đồng/kg, nho xanh Nam Phi 82.900 đồng/kg…
Đại diện hệ thống siêu thị này cho biết đang có 13 loại trái cây được áp dụng mức giảm giá đến 40%, áp dụng từ ngày 6/2 đến 15/2 ( (21 tháng Chạp đến 30 Tết).
Cùng với trái cây, nhiều mặt hàng thực phẩm, hàng tươi sống, vốn là nhóm hàng nhảy giá dịp Tết cũng đang được các siêu thị ồ ạt áp dụng khuyến mãi.
Trong khi đó hệ thống Co.opmart áp dụng chương trình khuyến mãi cả tháng trước Tết, từ 11/1 và kéo dài đến 14/2 (29 Tết). Có hơn 5.000 mặt hàng nhu yếu phẩm giảm giá đến 50% trong dịp này. Đặc biệt từ 23 tháng Chạp đến trưa 30 Tết, hệ thống này tổ chức giảm giá một loạt mặt hàng thực phẩm tươi sống được sử dụng nhiều trong ngày Tết như giò chả, thịt heo, gà.
Trong khi đó, tại nhà vườn miền Tây, giá các loại trái cây năm nay cũng không tăng dù sản lượng giảm. Ở thủ phủ bưởi Năm Roi ở thị xã Bình Minh - Vĩnh Long, giá đặc sản này mua xô tại vườn ở mức 25.000-30.000 đồng/kg, bưởi loại đẹp nhất cũng chỉ ở mức 40.000 đồng/kg.
Sản lượng cung ứng ra thị trường của vùng trồng bưởi lớn nhất miền Tây mùa Tết này giảm khoảng 50%, do năm nhuận, bưởi chín sớm phải thu hoạch một lượng lớn trước đó.
Nhiều cửa hàng thời trang đang liên tục giảm giá để đẩy hàng thu hồi vốn những ngày cận Tết. Ảnh: Lê Hiếu. |
Thủ phủ quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) cũng chung cảnh sản lượng giảm, giá không tăng. Giá quýt loại đẹp chỉ ở mức 25.000-30.000 đồng/kg, không biến động so với năm trước trong khi sản lượng lại giảm khoảng 30%.
Bán không kịp, hàng thời trang giảm giá ồ ạt
Nếu như năm ngoái khoảng 20 tháng Chạp, nhiều cửa hàng thời trang kinh doanh sản phẩm tự thiết kế đã báo hết hàng, phải may thêm nhiều mẫu áo dài, đầm theo nhu cầu của khách thì năm nay đã 25 tháng Chạp, hàng loạt thương hiệu lại thông báo kéo dài chương trình giảm giá, tăng mức giảm để hút khách mua.
Chị Tú Linh, chủ một hệ thống hàng thời trang tự thiết kế tại quận 1, cho biết kế hoạch của cửa hàng là kết thúc đợt giảm giá duy nhất năm vào ngày 20 tháng Chạp. Song chị phải thông báo kéo dài thời gian khuyến mãi đến 27 tháng Chạp, mức giảm cao nhất đến 49% được tăng lên 70%. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm kinh doanh hệ thống phải giảm giá sản phẩm lớn như vậy.
Chị Linh cho biết rất nhiều cửa hàng gặp tình cảnh này vì "bán không kịp hàng".
"Lượng hàng sản xuất cho Tết không tăng nhiều nhưng đến sát Tết hàng tồn vẫn hơn 40% nên chúng tôi phải kéo dài thời gian khuyến mãi, tăng thêm mức khuyến mãi để đẩy hết hàng Tết, dồn vốn cho sản phẩm mùa sau", chị Linh nói.
Cũng theo chị này, năm nay sức mua yếu hơn, việc mua sắm trước kỳ nghỉ không tập trung như năm ngoái.
Quần áo trẻ em vốn hút hàng mùa Tết nhưng thời điểm này nhiều cửa hàng cũng ồ ạt thông báo thanh lý. Chị Uyên, chủ cửa hàng quần áo trẻ em ở đường Lê Văn Việt (Thủ Đức), cho biết các năm trước sau 25 tháng Chạp thường chỉ còn "bán vét" hàng hết size, thanh lý hàng lỗi mốt thì năm nay chị đang chật vật tính toán, giảm giá tất cả hàng hóa để mong thu hồi vốn cho 2 lô hàng nhập về mới chưa bán được.
Tại thủ phủ bưởi Nam Roi, giá bưởi Tết mua xô tại vườn chỉ ở mức 25.000-30.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Trinh. |
"Các cơ quan, xí nghiệp có lịch nghỉ cuối ngày 28 Tết. Thời điểm này khách tranh thủ về quê chứ không ai còn thời gian mua sắm nữa. Nếu không giảm giá mạnh thì rất khó đẩy hết hàng vì thời gian mua sắm không còn nhiều", chị Uyên nói.
Rau củ ồ ạt đổ về chợ đầu mối
Theo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, nguồn hàng bán Tết nhập về chợ đã tăng mạnh từ sau 20 tháng Chạp và có thể tăng dần từ 4.500 tấn lên đến 7.500 tấn/ngày. Con số này tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017, nên tình trạng thiếu hàng sẽ khó xảy ra. Hiện lượng rau củ quả và trái cây có thể đạt 7.000-7.500 tấn/ngày, trong đó rau ở mức 2.700-3.000 tấn/ngày, trái cây 4.300-4.500 tấn/ngày.
Còn theo Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng nhập về chợ đặc biệt tăng mạnh sau 25 Tết và từ ngày 27 Tết trở đi có thể lên đến 5.500 tấn/ngày, tăng 100% so với ngày thường.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết doanh nghiệp và nhà phân phối đang tổ chức nhiều đợt khuyến mãi lớn với tổng giá trị lên đến 1.200 tỷ đồng cho thời gian mua sắm cao điểm dịp Tết. Hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cũng sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá.
Số lượng một số mặt hàng bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết 2018 ở TP.HCM khoảng 193.600 tấn gạo; 50.000 tấn thịt heo; 14.000 tấn thịt gà; 13.800 tấn thịt bò; trứng gia cầm 200 triệu quả; rau củ 220.000 tấn; thực phẩm chế biến 12.000 tấn; thủy hải sản 12.000 tấn; nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 120.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Tổng lượng hàng chuẩn bị Tết tại thành phố khoảng 18.000 tỷ đồng.