Kết hôn năm 15 tuổi và ly hôn chỉ sau đó 1 năm, bé gái người Syria tâm sự rằng cô bé hối hận vì đã đồng ý lấy một người xa lạ, tuy có vẻ ngoài bảnh bao nhưng vô cùng vũ phu. Cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 6 năm ở Syria đã đẩy em tới nước phải trở thành một "cô dâu trẻ em" bất đắc dĩ.
Để thoát khỏi gánh nặng tài chính và cuộc sống lao động nặng nhọc, nhiều gia đình tị nạn người Syria ở Jordan đồng ý để con gái kết hôn sớm. Họ còn coi đó là cách thức bảo vệ danh dự của các con gái, những đối tượng dễ bị xâm hại khi sống nay đây mai đó.
Số cô dâu trẻ em tăng vọt
Thống kê từ Tổng điều tra dân số tại Jordan lần đầu tiên cho thấy sự gia tăng đáng quan ngại về số cô dâu tảo hôn. Năm 2015, cô dâu trong độ tuổi từ 13 đến 17 chiếm gần 44% tổng số phụ nữ Syria ở Jordan kết hôn trong khi năm 2010, tỷ lệ này là 33%.
Ước tính hiện trong số 9,5 triệu người sống ở Jordan, có 2,9 triệu người nước ngoài. Tới 1,265 triệu người trong số đó đến từ Syria, con số đã tăng gấp đôi kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này nổ ra năm 2011.
Ngoài ra còn có một bộ phận người Syria không đăng ký tị nạn. Thống kê về tỷ lệ tảo hôn trên xét trên toàn bộ người Syria ở Jodan, bao gồm cả những người không đăng ký.
Người tị nạn Syria ở Jordan. Ảnh: UNHCR. |
Nhiều người tị nạn Syria đến từ vùng nông thôn cổ hủ ở miền Nam nước này, nơi các em gái thường kết hôn sớm ngay cả khi cuộc nội chiến chưa xảy ra. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tảo hôn của người Syria sống lưu vong cao hơn khi họ ở quê hương.
Năm 2015, 11,6% nữ giới Jordan kết hôn trong độ tuổi vị thành niên, trong khi con số này là 9,6% vào năm 2010. Ông Maysoon al-Zoabi, tổng thư ký của Hội đồng dân số Jordan, cho rằng mức tăng nhẹ này là do người Jordan phần nào bị ảnh hưởng bởi truyền thống của người Syria.
Tảo hôn để thoát cuộc sống buồn
Trở lại câu chuyện của thiếu nữ Syria kết hôn năm 15 tuổi, em cùng cha mẹ và 4 anh chị em trốn chạy khỏi tỉnh Daraa, Syria vào năm 2012. Cuối cùng, họ định cư tại một thị trấn nhỏ ở phía bắc tỉnh Mafraq, Jordan.
Cô gái, nay đã 17 tuổi, và cha mẹ em nói họ muốn chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng giúp người khác không mắc phải sai lầm tương tự. Nhưng họ xin giấu tên bởi chuyện cô bé ly hôn được cho là một nỗi hổ thẹn.
“Khi chúng tôi tới đây, cuộc sống vô cùng tồi tệ”, mẹ cô gái tâm sự. Ngồi trên tấm nệm trong phòng khách của căn hộ nhỏ mà gia đình thuê tạm, bà trải lòng: “Nếu chúng tôi còn ở Syria, tôi sẽ không bao giờ để con gái mình kết hôn sớm như vậy”.
Gia đình họ sống chật vật với khoản tiền ít ỏi và phiếu lương thực trợ cấp từ Liên Hợp Quốc, cùng thu nhập dưới mức tối thiểu của cha cô bé, người lao động chính trong gia đình. Cuộc sống trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Cuộc nội chiến Syria đã khiến hơn 1 triệu người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa đến Jordan tị nạn. Ảnh: richwainwright.com . |
Lo sợ rằng các con, đặc biệt là con gái, có thể bị xâm hại, gia đình đã không đăng ký cho con học tại các trường địa phương, nơi vốn đã quá tải vì số lượng quá đông người Syria.
Cô bé và các chị em gái chỉ ở nhà và không có định hướng tương lai rõ ràng. Đó cũng là lý do khiến cho các em sớm nghĩ tới hôn nhân. Người chị của cô bé đã lấy chồng trước, khi ấy cũng còn nhỏ tuổi. Mẹ cô bé nói rằng bà thường cảm thấy hối hận vì con gái mình đã bị cướp mất thời thơ ấu.
Còn cô bé phần lớn thời gian luẩn quẩn trong nhà, không có bạn bè và chỉ được phép rời khỏi nhà cùng mẹ. Cô chẳng có gì để làm ở thị trấn nhỏ vùng sa mạc này.
Cách đây hai năm, một người đàn ông trẻ người Syria đã cầu hôn cô bé sau khi được làm mối. Bà mối nói rằng người đàn ông tương lai có nghề nghiệp ổn định và có thể tự mua nhà.
Cô bé, khi đó 15 tuổi, đã nhận lời. “Khi ấy cháu đã rất buồn chán và chỉ muốn đi lấy chồng”.
Bố mẹ cô bé khuyên rằng chàng trai đó có vẻ chưa trưởng thành, nhưng con gái họ vẫn nài nỉ kết hôn. Một tháng sau, đám cưới diễn ra, cô bé khoác lên mình chiếc váy cưới màu trắng.
Giấy đăng ký kết hôn do một luật sư người Syria chứ không phải thẩm phán Jordan chứng nhận, bởi luật pháp Jordan quy định tuổi kết hôn tối thiểu đối với nữ giới là 18.
Sau khi kết hôn, bé gái chuyển đến thị trấn khác cùng chồng. Nhưng rồi những hứa hẹn nhanh chóng tan biến. Cặp đôi ở cùng họ hàng nhà chồng, bé gái trở thành người phục vụ trong nhà và người chồng thất nghiệp thường giở thói vũ phu.
Mặc dù bị ngược đãi, cô bé nói vẫn không muốn ly hôn vì xấu hổ. Cuối cùng, cha cô bé đã kiên trì thuyết phục được con mình thoát khỏi đày ải.
Xu hướng nguy hiểm
Giới chức Jordan và Liên Hợp Quốc cho biết đối với người dân Syria muốn sống lưu vong nhiều năm, đây là xu hướng nguy hiểm cho chính họ và Jordan, quốc gia mà họ đang tị nạn.
Nhiều em gái Syria sẽ không thể đi học do kết hôn sớm. Họ thường kết hôn với những người đồng hương Syria lớn hơn vài tuổi và không có công việc ổn định, luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo. Ngoài ra, kết hôn sớm còn khiến tỷ lệ sinh của Jordan tăng cao.
“Điều này có nghĩa là dân số sẽ tăng lên, trở thành gánh nặng mà chính phủ Jordan không đủ sức cáng đáng”, ông Maysoon al-Zoabi cho biết.
Những trại tị nạn dành cho người Syria ở Jordan. Ảnh: CNN. |
Robert Jenkins, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở Jordan, cho biết thời điểm các cô gái kết hôn là lúc đã quá muộn cho họ quay trở lại học hành.
Ông nhận định: “Biện pháp hữu hiệu nhất là ngăn chặn việc kết hôn sớm”. Jenkins cũng cho hay UNICEF đang cố gắng hỗ trợ các gia đình và thanh thiếu niên để họ không tảo hôn.
Trong trại tị nạn Zaatari, phương án này dường như đã có kết quả, Hussam Assaf, 32 tuổi, một người địa phương cho thuê và bán áo choàng cưới cùng trang phục đính hôn cho hay.
Assaf cho biết tuổi trung bình của khách hàng ở Zaatari là 16 hoặc 17, còn ở quê nhà của ông tại vùng nông thôn Syriaso là 14 hoặc 15. Điều này cho thấy chương trình tư vấn của các nhóm trợ giúp đã tạo ra sự thay đổi.
Ở tuổi 17, cô bé Syria này đã qua một đời chồng, chia sẻ rằng có lẽ sẽ không thể tiếp tục việc học vì đã bỏ lỡ 5 năm. Cô bé cảm thấy mơ hồ về tương lai: “Nếu tôi có thể đi học thì mọi chuyện đã tốt đẹp hơn. Đau khổ sau cuộc hôn nhân chóng vánh khiến tôi mệt mỏi”.