Thông tin trên được thể hiện trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020.
Báo cáo cho thấy có 11/22 chỉ tiêu đạt được. Trong đó đáng chú ý có chỉ tiêu tỷ lệ nữ thạc sĩ, nữ tiến sĩ. Sau cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ nữ tiến sĩ được thống kê là 28% - vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 (25%).
Cơ quan thẩm tra nhận định chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị dù chưa đạt nhưng có bước tiến bộ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong ba nữ ủy viên Bộ Chính trị của nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Thuận Thắng. |
Điển hình, trong nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ ủy viên Bộ Chính trị là 15,8% (tăng 3,3% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương là 10% (tăng 1,5% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ nữ ủy viên cấp tỉnh là 13,3%, cấp huyện là 14,3% và cấp cơ sở là 19,69% - đều tăng so với nhiệm kỳ trước.
Cùng với đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp đều tăng, nhiều cơ quan và địa phương cũng có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Kết quả Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 25,6% - tăng 4,2% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện đạt 20,1% - cao hơn 1,9% so với nhiệm kỳ trước. Thống kê về tỷ lệ nữ thạc sĩ trên tổng số thạc sĩ đạt 43%, cơ quan thẩm tra nhận định tỷ lệ này chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả đã nêu, Ủy ban các vấn đề xã hội chỉ ra một số hạn chế như số liệu lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không đầy đủ và chưa đạt được mục tiêu đề ra.