Theo dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ đạt mức 6,6% trong 3 tháng đầu năm. Đây là mức tăng trưởng quý thấp nhất của quốc gia này kể từ "ngày đen tối" của khủng hoảng tài chính diễn ra hồi đầu năm 2009.
Trung bình cả năm, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 6,3%, thấp hơn mục tiêu của chính phủ (khoảng 6,5% đến 7%). Cục Thống kê Trung Quốc sẽ công bố con số GDP quý I/2016 chính thức của họ vào ngày 15/4 tới.
Tăng trưởng GDP năm nay có thể thấp hơn mục tiêu của chính phủ. Ảnh: Getty |
Sau nhiều năm phát triển nhanh, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Một phần nguyên nhân là do những nỗ lực của chính phủ trong việc chuyển hướng cơ cấu phát triển từ sản xuất sang dịch vụ.
Quốc gia này cũng đang gánh mức nợ cao sau nhiều năm nới lỏng cho vay.
"Sự thành công trong việc tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc trong những năm tới phụ thuộc vào khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì mức độ thanh khoản của hệ thống tài chính trong khi giảm nợ ngân hàng và thúc đẩy thị trường trái phiếu quốc gia", Peter Donisanu của Wells Fargo nhận định.
Phần lớn các con số về nền kinh tế được công bố trong năm nay, từ thương mại đến sản xuất, đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tăng trưởng. Nguyên nhân có thể do Tết Nguyên đán, diễn ra hồi đầu tháng 2. Đây là một kỳ nghỉ dài, các doanh nghiệp và nhà máy đều ngừng làm việc.
Bên cạnh đó, hồi cuối tháng 2, Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch cắt 1,8 triệu việc làm trong ngành than và thép nhằm giảm tình trạng sản xuất dư thừa. Động thái này ảnh hưởng tới 20% lực lượng lao động ngành than và 11% lực lượng lao động ngành thép của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan. Ning Zhang, chuyên gia kinh tế của UBS nhận định các dữ liệu kinh tế sắp tới dự kiến cho thấy sự khởi đầu của phục hồi.
Trung Quốc kết thúc năm 2015 với một thị trường hỗn loạn. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng quản lý của chính quyền trong thời kỳ suy thoái sau thập kỷ tăng trưởng phi mã.