Sáng 13/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, với tỷ lệ tán thành là 425/437 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 86,56%).
Tăng lương cơ sở từ 1/7/2018
Một trong những nội dung của nghị quyết là thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng từ 1/7/2018.
Theo đó, giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của mình thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.
Năm 2018 được bội chi hơn 200.000 tỷ đồng
Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt mục tiêu tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2018 là trên 1,3 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số chi là trên 1,5 triệu tỷ đồng.
Như vậy mức bội chi dự tính của năm 2018 là khoảng 200.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP. Trong đó bội chi ngân sách trung ương vào khoảng 195.000 tỷ đồng và địa phương là 9.000 tỷ đồng.
Trong Nghị quyết cũng có nội dung về tổng mức vay của ngân sách Nhà nước năm 2018. Theo đó, tổng mức vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là trên 360.000 tỷ đồng.
Quốc hội cũng đồng ý việc điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Theo đó, giảm dự toán vốn trái phiếu Chính phủ 14.000 tỷ đồng. Điều chỉnh dự toán vốn ngoài nước cũng vào khoảng 14.000 tỷ đồng để bố trí dự toán cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa được bố trí dự toán theo quy định từ năm 2016 trở về trước.
Quốc hội đồng ý bổ sung gần 250.000 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2017 cho Tập đoàn Điện lực và 8 địa phương. Bổ sung khoảng 78 tỷ đồng dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018. Theo đó, Chính phủ cần điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán ngân sách Nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước.
Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí. Yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm tính trung lập của thuế, chống thất thu…
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật thu - chi. Ảnh: Vietnamnews. |
Quốc hội cũng yêu cầu trong giai đoạn 2018-2020, tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương.
Ngoài ra, thu vào ngân sách Nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí từ lợi nhuận được chia ở Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2018. Số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Quốc hội đồng ý tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển. Nguồn tiền này sẽ ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập, chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.