Báo cáo về tình hình hoạt động ngân hàng tuần từ 19 đến 23/8 của Ngân hàng Nhà nước cho biết mặt bằng lãi suất huy động bằng VND hiện nay phổ biến ở mức 0,2-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.
Các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng hiện cũng vẫn được duy trì ở mức 4,5-5,5%/năm. Tuy nhiên, tại kỳ hạn gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đã có dấu hiệu tăng, hiện trung bình ở mức 5,5-6,8%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng đã tăng lên mức 6,6-7,5%/năm, tăng 0,2 điểm % so với đầu tháng 7 và trước đó.
Lãi suất cho vay vừa giảm, lãi suất huy động lại tăng
Cuối tháng 7, bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank) đã thông báo đồng loạt giảm sàn lãi suất với các khoản cho vay bằng tiền VND thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ từ ngày 1/8.
Theo đó, cả 4 nhà băng này cùng giảm 0,5%/năm mức lãi suất sàn cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên áp dụng đến hết năm 2019. Ngoài ra, mỗi ngân hàng cũng có các chương trình giảm lãi suất riêng với các lĩnh vực ngoài ưu tiên.
Đây là lần giảm lãi suất cho vay VND thứ hai trong năm nay. Trước đó, hồi đầu năm 4 ngân hàng kể trên cũng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay vẫn với đối tượng tương đương.
Trong lần giảm lãi suất hồi cuối tháng 7, nhiều ngân hàng tư nhân lớn như ACB, MBBank, Techcombank… cũng đã tham gia với các gói tín dụng quy mô hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8, hàng loạt ngân hàng lại tăng lãi suất huy động, tập trung vào nhóm kỳ hạn dài. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn 1 năm tại một số nhà băng đã lên tới 8-8,5%/năm.
Thậm chí, những ngân hàng lớn như Vietinbank và BIDV cũng đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2 điểm % lãi suất với kỳ hạn 1 năm, hiện ở mức 7%/năm.
BIDV và Vietinbank là 2 nhà băng lớn tham gia đợt tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng mới đây. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Đây là lần hiếm hoi mà hai nhà băng lớn tăng lãi huy động với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân. Trong khi mức lãi suất 6,8-6,9%/năm đã được các ngân hàng này duy trì từ lâu.
Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân như SHB, OCB, Eximbank… liên tiếp tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài, cao nhất đều vượt trên 8%/năm, tăng xấp xỉ 1% so với trước đó.
Ngoài kênh tiền gửi, nhiều ngân hàng còn huy động vốn qua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất lên tới 10,2%/năm.
Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất tăng cao trong tháng 8 cũng giúp lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh tại thị trường Hà Nội.
Cụ thể, thống kê của NHNN Chi nhánh TP.Hà Nội cho hay, kế hoạch đến ngày 31/8, tổng nguồn vốn huy động sẽ đạt 3,362 triệu tỷ đồng, tăng 8,46% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 9,16%, tiền gửi thanh toán tăng 8,66%, tiền gửi bằng VND tăng 10,19%.
Nghịch lý?
Theo các chuyên gia, với ngân hàng Việt hiện nay, huy động tiền gửi vẫn là nguồn vốn chính phục vụ nghiệp vụ cho vay. Vì vậy, để giảm lãi suất cho vay (đầu ra) ngoài các yếu tố tiết kiệm chi phí, vận hành ngân hàng phải giảm được lãi suất huy động (đầu vào).
Việc các ngân hàng tăng lãi huy động sẽ gây khó cho việc giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm.
Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngay từ đầu năm ông đã dự đoán lãi suất cho vay sẽ khó giảm và đến nay đã đi hết 2/3 quãng đường vẫn không giảm được, trừ một số lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng không lớn.
Trong khi đó, từ nay đến năm 2020, các ngân hàng phải tăng tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR), vì thế nhiều ngân hàng phải phát hành chứng chỉ tiền gửi, nợ thứ cấp, phát hành trái phiếu để cộng tiền gửi huy động dài hạn vào tỷ lệ này, nâng cao vốn điều lệ cấp 2.
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng sẽ giảm xuống 40% vào năm tới khiến các ngân hàng phải huy động thêm vốn trung dài hạn và buộc phải đẩy lãi suất lên.
“Các ngân hàng luôn luôn đói vốn, ngân hàng không bao giờ dư vốn, chỉ có thanh khoản, khả năng trả tiền cho khách hàng thì ổn. Nhưng họ luôn cần vốn trung và dài hạn, vì vậy, phải tăng lãi suất huy động. Khi tăng lãi suất huy động thì lãi suất cho vay sẽ không thể giảm được”, ông Hiếu nói.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại một số ngân hàng hiện nay:
Ngân hàng |
Lãi suất tiền gửi (%/năm) |
Techcombank | Dưới 6,8 |
ACB, LienVietPostBank, Sacombank, SeABank, Agribank, Vietcombank | Từ 6,8 đến dưới 7 |
SHB, BIDV, Vietinbank | Từ 7 đến dưới 7,2 |
MSB, MBBank, VPBank | Từ 7,2 đến dưới 7,4 |
SCB, DongABank | Từ 7,4 đến dưới 7,6 |
PVComBank, Baovietbank | Từ 7,6 đến dưới 7,8 |
Eximbank, BacABank, NamABank, OCB, Oceanbank | Từ 7,8 đến dưới 8 |
Vietcapital Bank, CBBank, NCB, ABBank | Từ 8 trở lên |
TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng bản chất việc lãi suất huy động tăng thời gian qua là do ảnh hưởng từ yếu tố cạnh tranh chứ không phải thanh toán VND bị căng thẳng.
Theo ông Tín, tình hình giao dịch, lãi suất liên ngân hàng dù có tăng nhưng vẫn ở mức bình thường, lãi suất qua đêm vẫn trên dưới 3% cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn ổn định.
Trong khi đó, việc tăng lãi suất huy động là vấn đề cạnh tranh và các ngân hàng đang phải cải thiện tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên việc đẩy mạnh huy động vốn dài hạn là hợp lý.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần vừa qua (18-23/8) bằng VND đạt xấp xỉ 355.030 tỷ đồng, bình quân 71.006 tỷ đồng/ngày, tăng 145 tỷ/ngày so với tuần trước đó (12-16/8).
Trong khi đó, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND cũng đạt khoảng 126.833 tỷ đồng, bình quân 25.367 tỷ đồng/ngày, tăng 1.525 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (67%) và kỳ hạn 1 tuần (16%).
So với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần tăng ở các kỳ hạn ngắn ngày ngoại trừ kỳ hạn 1 tháng nhưng vẫn dao động quanh mốc 3%/năm với lãi suất qua đêm.