Ngày 20/3, Bộ Công Thương chính thức quyết định tăng giá điện thêm 8,36% lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Việc tăng giá điện bất ngờ, diễn ra vào thời điểm giữa tháng khiến nhiều người dân băn khoăn việc tính tiền sẽ ra sao?
Trường hợp lý tưởng chốt đồng hồ vào ngày 20/3
Theo EVN, tiền điện được tính theo nguyên tắc từ đầu kỳ chốt đến ngày 19/3 tính theo giá cũ, từ ngày 20/3 đến cuối kỳ chốt đồng hồ tính theo giá mới. Ví dụ, một hộ gia đình thường chốt chỉ số vào ngày 7 hàng tháng. Tiền điện được tính từ 6/3 đến 19/3 là giá cũ; từ 20/3 đến 7/4 là giá mới.
Giả sử hộ này mỗi tháng sử dụng hết 400 kWh trong tháng đó, trong đó 14 ngày (từ 6/3-19/3) tiêu thụ hết 150 kWh, số điện này được tính theo giá cũ.
Theo cách tính giá cũ, 50 kWh đầu được tính giá là 1.549 đồng/kWh; 51-100 kWh tiếp theo tính giá 1.600 đồng/kWh; 101-200 kWh tính giá 1.858 đồng/kWh. Như vậy, 150 kWh trong 14 ngày đầu tháng được tính giá bằng 250.350 đồng (chưa bao gồm VAT).
Bảng giá điện sinh hoạt mới của EVN từ ngày 20/3. |
Tương tự, 17 ngày tiếp theo (20/3-7/4), hộ gia đình này sử dụng hết 250 kWh, thì sẽ được tính theo giá mới.
Theo cách tính giá mới, 50 kWh đầu được tính giá 1.678 đồng/kWh; 51-100 kWh tiếp theo tính giá 1.734 đồng/kWh; 101-200 kWh tiếp theo tính giá 2.014 đồng/kWh; 201-300 kWh tiếp theo tính giá 2.536 đồng/kWh.
Như vậy, tổng tiền mà hộ gia đình phải trả cho 250 kWh dùng trong 17 ngày áp dụng giá mới là 498.800 đồng (chưa bao gồm VAT).
Cộng cả tháng lại, tổng số tiền điện phải trả là 749.150 đồng. Cộng thêm 10% thuế VAT, tổng tiền khách hàng phải thanh toán là 824.065 đồng.
Dùng phương pháp nội suy sản lượng trung bình theo số ngày
Tuy nhiên, EVN cho biết cả nước có tới 26 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt, và gần 2 triệu hộ sử dụng điện cho sản xuất và kinh doanh. Do đó, ngành điện không thể chốt chỉ số công tơ trong cùng ngày 20/3. Do đó, EVN áp dụng quy định cho phép quy đổi, nội suy sản lượng trung bình theo số ngày với khách hàng không thuộc trường hợp chốt chỉ số điện kế trong ngày 20/3.
Nghĩa là EVN sẽ lấy con số trung bình 19 ngày đầu áp theo giá cũ, và 12 ngày sau áp theo giá mới (tháng 3 có 31 ngày).
Ví dụ trong kỳ tính tiền điện tháng này (bất kể chốt ngày nào), một hộ gia đình bất kỳ được chốt chỉ số công tơ trong cả tháng là 310 kWh. EVN sẽ chia trung bình 31 ngày, mỗi ngày hộ đó sử dụng bao nhiêu, ở trường hợp này là 10 kWh/ngày.
EVN áp dụng quy định cho phép quy đổi, nội suy sản lượng trung bình theo số ngày với khách hàng không thuộc trường hợp chốt chỉ số điện kế trong ngày 20/3. Ảnh: L. H. |
Sau đó áp dụng giá điện 19 ngày đầu là 190 kWh với bậc giá cũ; 12 ngày sau (110 kWh) tính theo bậc giá mới. Với 190 kWh theo bậc giá cũ tính tiền bằng 324.670 đồng. 110 kWh tính tiền theo đơn giá mới là 190.740 đồng. Như vậy, tổng số tiền điện trong tháng phải trả là 515.410 đồng (chưa bao gồm thuế VAT).